Gần trưa ngày 1/1, đơn vị cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình tiếp nhận sản phụ T.T.T. (28 tuổi, trú xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch) trong tình trạng xuất huyết ồ ạt ở bộ phận sinh dục.
Sản phụ này mang thai lần 3, trên đường đến bệnh viện chờ sinh thì xuất hiện tình trạng chảy máu. Nhận thông tin, êkíp cấp cứu của bệnh viện chạy ngược đường để đón bệnh nhân. Gặp sản phụ tại cổng, hình ảnh máu me khắp người khiến người nhà và y bác sĩ không khỏi lo lắng.
"Khi đón sản phụ tại cổng, trên người cô ấy dính đầy máu. Máu chảy lênh láng cả quãng đường từ cổng đến phòng mổ. Tình trạng của bệnh nhân khiến bác sĩ cấp cứu chuyên nghiệp nhất vẫn thấy chới với. Bởi các mẹ bầu thường vào viện với một trạng thái khỏe mạnh, vui tươi nhưng các biến chứng đến rất nhanh", BS. Tình chia sẻ.
Quy trình báo động đỏ toàn viện ngay lập tức được kích hoạt. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa và đưa ra nhận định sản phụ này bị trụy tim mạch do mất máu, thai suy, trên sản phụ mang thai 39 tuần, rau bong non. Các y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh ngoài ca trực hôm đó cũng được huy động đến bệnh viện để phối hợp cấp cứu.
Sự sống của bệnh nhân đang ở "lằn ranh sinh tử" khi người này dần lơ mơ, tiếp xúc không còn minh mẫn do mất máu quá nhiều. Bệnh nhân lịm dần đi, gọi hỏi không trả lời. Tim thai rời rạc, huyết áp, Spo2 tụt mạnh, các đầu ngón chân, tay tím đen dần.
Êkíp cấp cứu nhanh chóng đặt ống thở, bóp bóng oxy qua nội khí quản, lập đường truyền tĩnh mạch để đưa vào cơ thể bệnh nhân dịch truyền, các loại thuốc cấp cứu. Sau cấp cứu hồi sức, tình trạng sản phụ có chút cải thiện nhưng không còn nghe được tim thai.
"Tôi vẫn còn nhớ rất rõ cảm giác căng thẳng cực điểm của cả êkíp, toàn thân cùng cái đầu căng ra như muốn nổ tung. Bệnh nhân chưa có hồ sơ bệnh án, chưa có giấy cam kết mổ của chồng, tình trạng mẹ con sản phụ ngàn cân treo sợi tóc", BS. Tình nhớ lại.
Bệnh viện quyết định nhanh chóng mổ lấy thai với quyết tâm cao nhất đảm bảo an toàn tính mạng cho mẹ con sản phụ. Bệnh nhân được đưa lên phòng mổ, êkíp gần 20 người vào vị trí.
"Các bác sĩ, hộ sinh nhanh chóng thực hiện phẫu thuật để đưa em bé ra. Nhanh nhanh nhanh lên, tiếng BS. Trần Huy Bình, Trưởng khoa Phụ sản nói lớn liên hồi trong phòng mổ. Em bé được "bắt" ra rất yếu, bé mềm nhũn, tím tái, ngừng thở. Các bác sĩ Khoa Nhi nhanh chóng thực hiện hồi sức tích cực, hồi sinh tim phổi, xoa bóp tim, bóp bóng hỗ trợ thở cho cháu. 5 phút sau tiếng khóc oe oe oe vang lên… khiến tất cả mọi người trong phòng mổ ai cũng vui mừng, nhẹ cả người", BS Tình chia sẻ.
Lúc này các bác sĩ phát hiện máu của sản phụ có màu đen sẫm. Theo kinh nghiệm của người dày dặn kinh nghiệm thì bệnh nhân đang trong tình trạng máu thiếu oxy nghiêm trọng. Huyết áp bệnh nhân tụt nhanh, y bác sĩ tăng tốc độ dịch truyền, tăng liều thuốc cấp cứu. Đồng thời người nhà sản phụ có mặt để hiến nhiều đơn vị máu phục vụ truyền cấp cứu.
"Do thiếu oxy bởi mất máu quá nhiều, tử cung mềm nhão ra, không co lại được dù thực hiện nhiều biện pháp. Suy nghĩ trong đầu của chúng tôi là tiên lượng ca này nặng lắm rồi. Các bác sĩ, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh vừa cấp cứu, vừa thầm cầu nguyện mong cho sản phụ hồi phục. Đợi chờ từng phút trong căng thẳng, 40 phút hậu phẫu trôi qua, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu hồi tỉnh. Sau 60 phút bệnh nhân tỉnh lại, gọi hỏi đáp ứng, mở mắt ra, cả êkíp mừng ứa nước mắt", BS Tình nhớ lại.
Cánh cửa phòng mổ được mở ra sau gần hai giờ đồng hồ các y bác sĩ chạy đua, chiến đấu, giành giật sự sống với tử thần, mẹ con sản phụ đã qua cơn nguy kịch, được cứu sống một cách thần kỳ; sản phụ được chuyển tới khu hậu phẫu.
"Thành công đưa bệnh nhân trở về từ cửa tử, cả êkíp cảm giác như đang lơ lửng chứ không phải đi trên mặt đất. Nhẹ lắm, nhẹ cả lòng, nhẹ cả người!", BS. Tình nói.
Được biết, sau ca phẫu thuật, bệnh nhi được chuyển lên cơ sở y tế tuyến trên để tiếp tục điều trị, chăm sóc đặc biệt, sản phụ tiếp tục được điều trị phục hồi tại bệnh viện.
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh rau bong non, các thai phụ nên khám thai định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn và quản lý thời kỳ thai nghén. Cùng với đó tư vấn dinh dưỡng phù hợp cho thai phụ trong thời gian mang thai, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ để xử trí kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Viết Thái, Giám đốc BV Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình cho biết, các y bác sĩ, nhân viên y tế của đơn vị đáng được nghi nhận và tuyên dương khi thực hiện thành công ca cấp cứu đặc biệt.
Bác sĩ Thái cho biết thêm, bệnh viện được trang bị hệ thống máy móc hiện đại; thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo để vận hành mô hình bệnh viện thông minh, thí điểm hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử… Bên cạnh đó, bệnh viện cũng ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác chuyên môn với Bệnh viện Trường đại học Y - Dược Huế trong việc chuyển giao các kỹ thuật trong khám, chữa bệnh. Qua đó, bệnh viện nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ, người dân hưởng lợi.
"Việc hội chẩn trực tiếp với các bệnh viện tuyến trên góp phần xử lý kịp thời nhiều ca bệnh nguy kịch, hiểm nghèo cần xử lý gấp mà không kịp chuyển tuyến. Việc chuyển giao kỹ thuật cũng nâng cao được tay nghề của bác sĩ, bệnh nhân được hưởng chất lượng điều trị, chăm sóc hiện đại ngay tại địa phương", BS. Thái cho biết.
Ngoạn Mục Cứu Sống Sản Phụ Vỡ Thai Ngoài Tử Cung | SKĐS