Thỏa hiệp hạt nhân đạt được ngày 24/11/2013 tại Genève đã kết thúc 10 năm khủng hoảng giữa Iran với cộng đồng quốc tế. Giới chuyên gia nhìn nhận tính “vững chắc” của văn kiện, nhưng để kiểm soát được chương trình hạt nhân của Iran, con đường trước mặt còn đầy chướng ngại.
Israel lên án thỏa hiệp hạt nhân đạt được tại Genève. |
Theo chuyên gia Suzanne Maloney, thuộc Viện nghiên cứu Brookings ở Washington, thỏa thuận tạm thời này khá “vững chắc” vì đặt ra một loạt điều kiện quan trọng và trói buộc Iran. Chính quyền nước này bắt buộc phải đi theo một tiến trình ngoại giao và chỉ nhận được phần thưởng bỏ bớt cấm vận quan trọng khi nào chấp thuận một hiệp ước đầy đủ hơn.
Còn theo nhận định của chuyên gia Joel Rubin thuộc Viện Ploughshres, Iran đã phải trình bày và thảo luận với Tây phương toàn bộ chương trình hạt nhân của mình, không thể giấu giếm. Kết quả “độc đáo” nhất sau 5 ngày họp không ngừng nghỉ tại Genève là Iran phải chấp thuận cho thanh tra hàng ngày các nhà máy hạt nhân ở Natanz và Fordo, cũng như công trình xây dựng lò phản ứng tại Arak. Theo Joel Rubin, với thỏa thuận Genève, Tây phương đã thành công “quay ngược kim đồng hồ” trong khi chờ đợi một hiệp ước toàn diện, không cho Iran có cơ hội chế tạo bom nguyên tử.
Cũng như Tổng thống Barack Obama, Israel không hoàn toàn tin cậy một cách “ngây thơ” vào lời hứa của Iran, nhiều chuyên gia quốc tế dự báo là chính giai đoạn tới sẽ rất khó khăn. Khó khăn nhất là ai biết Iran thật sự không có ý đồ làm bom nguyên tử như phương Tây lo ngại hay sẽ bằng mọi cách luồn lách thực hiện mục tiêu chiến lược này?
Chuyên gia Kenneth Pollack của Viện nghiên cứu Brookings nhận định, phần liên quan đến uranium sẽ là bài toán trắc nghiệm. Iran khẳng định là tiến trình tinh lọc chất phóng xạ của Iran không bị thỏa thuận trói buộc. Thế nhưng, Nhà Trắng đã tức khắc phủ nhận tuyên bố của Ngoại trưởng Iran.
Đã thế, phản ứng bất bình của Israel và quyết tâm của Quốc hội Mỹ muốn tiếp tục và gia tăng cấm vận Iran cũng có thể cản trở mọi thỏa hiệp trong tương lai.
Ðối với Israel, quốc gia mà giới lãnh đạo Iran đòi xóa tên trên bản đồ thế giới thì thỏa thuận này là “lỗi lầm lịch sử “ của phương Tây, theo như nhận định của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Phát biểu trước nội các, ông Netanyahu cho rằng: “Những gì đạt được tại Geneva không phải là một thỏa thuận lịch sử mà chỉ là một sai lầm lịch sử. Ðây là một thỏa thuận tồi tệ”, văn phòng của Thủ tướng Netanyahu thông báo trước đó. Thỏa thuận này sẽ giúp Iran đạt được điều mong muốn - xóa bỏ lệnh trừng phạt và cho phép họ tiếp tục tiến hành những phần quan trọng trong chương trình hạt nhân. Thỏa thuận còn cho phép Iran tiếp tục làm giàu uranium, giữ nguyên hiện trạng của các máy ly tâm vốn được dùng để sản xuất nhiên liệu cho vũ khí hạt nhân. Lệnh trừng phạt kinh tế với Iran tạo hiệu quả hơn là một thỏa thuận nhằm kìm hãm năng lực hạt nhân của quốc gia này”, văn phòng của Thủ tướng Netanyahu nhận định. “Thỏa thuận hạt nhân là một chiến thắng ngoại giao lớn của Iran nhằm công nhận quyền làm giàu uranium”, Bộ trưởng Ngoại giao Israel - Avigdor Lieberman nói. Bộ trưởng Tình báo Yuval Steinitz cho rằng, thỏa thuận hạt nhân đã giúp Iran “tiến gần hơn” tới con đường sản xuất bom nguyên tử. |
|