Trong thời gian qua, khoa Tai Mũi Họng (BV. Nhi Đồng 1) liên tiếp nhận cấp cứu hai ca bị chó nhà cắn ở trẻ 1 tuổi và 4 tuổi. Những ngày cận Tết, phụ huynh bận bịu nên có phần nào lơ là trẻ. Một phút lơi lỏng có thể dẫn đến ân hận cả đời vì những tai nạn tưởng chừng như không bao giờ xảy ra. Đặc biệt là thú nuôi trong nhà gây thương tích, nhất là chó berger hay những con chó ta có trọng lượng gấp 3 - 4 lần em bé.
Khoảng 12h30 - 1g chiều ngày 3/1/2018, mẹ bé T. L để con chơi trên nhà một mình với chú chó ta, còn mình tranh thủ chạy xuống bếp dọn dẹp nhà cửa. Chỉ trong chốc lát, chị nghe con khóc, chạy lên đã thấy mặt con toàn là máu. Theo lời kể của người mẹ, chị vội ôm con vào bệnh viện địa phương, trong tay cầm theo phần mũi bị cắn đứt rời. Các bác sĩ ở bệnh viện địa phương vội vàng xử trí, ngâm phần mũi vào nước đá và chuyển xuống BV. Nhi Đồng 1. Bệnh nhi T. L nhập viện lúc 0g ngày 4/1. Hình ảnh ban đầu khi tiếp nhận bé, bác sĩ chúng tôi ai cũng sốc vì tổn thương dữ dội, nguyên phần mũi bị chó cắn đứt. Đến 12g30, chúng tôi bắt đầu ca phẫu thuật tạo hình lại cánh mũi và vùng mặt cho bé. May mắn, trong kíp mổ có một bác sĩ tạo hình thẩm mỹ bên ĐH Y Dược TP.HCM phối hợp. Ca mổ kéo dài đến 3g sáng.
BS. Nguyễn Tuấn Như đang thăm khám cho một bệnh nhi đang phải thở máy trong phòng Hồi sức Ngoại vì chó cắn
Hiện nay, tai nạn do chó cắn rất phức tạp. Những vết thương do chó cắn có hai vấn đề. Một là sự dập mô do răng chó sắt nhọn xé nát, do đó để chỉnh lại cái này, chúng tôi cần thời gian phẫu thuật tạo hình vùng mặt kéo dài rất lâu. Nhưng cho dù ca phẫu thuật có hoàn thiện đi nữa, vấn đề thứ hai xuất hiện và rất quan trọng vì quyết định cuộc mổ có thành công hay không là phải đối phó nhiễm trùng. Trong miệng con chó chứa rất nhiều vi trùng gây ra hoại tử vết thương, cộng thêm tuyến nước bọt là một chất phân hủy thức ăn, giống như cơ thể người, nên càng góp phần phân hủy mô nơi vết thương bị chó cắn.
Tai nạn do chó cắn đầu tiên ảnh hưởng vùng mặt là vùng thẩm mỹ, nhất là trẻ em thấp bé, phù hợp với chiều cao của con chó. Cho nên, khi chó tấn công sẽ đa số vào vùng mặt và vùng cổ họng của trẻ. Một bệnh nhi bị chó cắn ảnh hưởng đến chức năng sống. Đó là bệnh nhi Nguyễn T. Đ. (sinh ngày 12/6/2013, Long Thành, Đồng Nai) hiện vẫn đang thở máy, cần theo dõi trong phòng Hồi sức Ngoại. Bệnh nhi bị chó nhà tấn công, cắn đứt vùng cổ, đặc biệt là đường thở, gây ra nguy hiểm tức thời. BV. Nhi Đồng Nai chuyển bệnh nhi lên BV. Chợ Rẫy. Ghi nhận lúc nhập viện, tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, tràn khí dưới da. Tại đây các bác sĩ phải đặt hai ống xông dẫn lưu khí màng phổi hai bên, tiến hành hồi sức để tình trạng bé ổn định rồi chuyển sang BV. Nhi Đồng 1 vào lúc 3g30 sáng ngày 7/1. Do bệnh nhi bị cắn thủng khí quản, nên không khí tràn ra toàn thân, cổ sưng phù, khí tràn từ trên xuống tận đùi nên toàn bộ các khoang trong ngực em bé bị tràn khí. Chúng tôi phải phẫu thuật cấp cứu ngay lập tức, để tìm ra lỗ thủng và vá lại.
Bệnh nhi T. L bị chó cắn mất mũi và đã được phẫu thuật tạo hình lại
Riêng em bé có vết thương ở cánh mũi, ngay từ lúc đầu, chúng tôi đã đánh giá là quá tệ, mất chất quá nhiều, thời gian phần mũi tách rời khỏi cơ thể quá lâu, hơn nửa ngày. Hơn thế nữa, do phần mũi bị mất trắng nên tất cả phần sụn ở mũi mất hoàn toàn. Hiện tại vết mổ khô ráo, nhưng cánh mũi bắt đầu đổi màu, chỉ sống được một phần nhỏ, và sợ rằng phần lớn của mảnh ghép bắt đầu hoại tử không sống được. Do đó, ca này, chúng tôi tiếp tục cho sử dụng kháng sinh, ngừa nhiễm trùng và thay băng mỗi ngày, chăm sóc miếng da mỗi ngày. Trong trường hợp xấu, chúng tôi phải tiến hành một ca phẫu thuật thứ hai, lấy phần sụn bàn tay ghép lên mũi. Còn bệnh nhi T. Đ trước mắt hơi tỉnh táo, la khóc, tiếp xúc được, tiên lượng khoảng 1,2 ngày nữa bé sẽ được rút nội khí quản. Bên cạnh đó, hai bệnh nhi còn được chích ngừa dại.
Trên mạng hiện nay, chúng ta có thể thấy rất nhiều video clip quay lại hình ảnh của những chú chó chơi với trẻ em rất thân thiện, dễ thương. Tuy nhiên, đó chỉ là một vài hình ảnh hiếm hoi và có kiểm soát. Dẫn đến phụ huynh thường lầm tưởng và cho con chơi với chó kiểu đó, có ngày, con trẻ sẽ bị chó cắn vì chó là động vật nên bản năng hung dữ vẫn có. Khi em bé chơi với chó luôn luôn phải có người lớn đi kèm, theo dõi bên cạnh, để dè chừng trước những tác động của em bé lên con chó. Đối với chó nuôi trong nhà cần phải được chích ngừa đầy đủ, chăm sóc đàng hoàng.