Nhiều người cho rằng nếu cha mẹ giữ hộ tiền lì xì của con mà không trả thì sẽ bị phạt. Việc này liệu có đúng?
Phong tục lì xì ngày Tết trong văn hóa Việt Nam
Theo văn hóa Việt Nam thì lì xì là phong tục truyền thống của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán, khi những bao lì xì đỏ chứa tiền mừng được trao đi với mong ước một năm mới an lành và hạnh phúc.
Phong tục này đã trở thành biểu tượng của tình thân và là lời chúc tốt lành từ người lớn đến trẻ nhỏ, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết trong gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, màu đỏ của bao lì xì được cho là mang lại may mắn, xua đuổi những điều không tốt trong năm cũ, mở ra một khởi đầu thịnh vượng cho năm mới.
Việc trao lì xì không chỉ là một hành động chia sẻ về mặt vật chất mà còn là lời chúc phúc, mong muốn bình an và sung túc cho người nhận, từ người thân trong gia đình đến bạn bè, hàng xóm.
Cha mẹ giữ hộ tiền lì xì của con mà không trả liệu có bị phạt?
Giải đáp về tình huống này, luật sư Nguyễn Văn Dương - Giám đốc Công ty Luật TNHH Andy Law cho biết, trong một số trường hợp, việc cha mẹ thu tiền lì xì của con là vi phạm pháp luật.
Theo luật sư Nguyễn Văn Dương, theo Điều 75 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, trẻ em có quyền sở hữu tài sản riêng, bao gồm tài sản được thừa kế, tặng cho riêng, thu nhập từ lao động và các nguồn thu hợp pháp khác. Tiền lì xì là khoản tiền được người lớn tặng cho trẻ em trong dịp Tết, vì vậy, nó được coi là tài sản riêng của trẻ.
Đối với trẻ dưới 15 tuổi, cha mẹ có quyền quản lý tài sản riêng của con và chỉ được sử dụng vì lợi ích của con. Đối với trẻ từ 15 tuổi trở lên, trẻ có quyền tự quản lý tiền lì xì hoặc có thể nhờ cha mẹ giữ hộ. Nếu cha mẹ tự ý sử dụng tiền lì xì của con vào mục đích khác mà không phải vì lợi ích của con, hành vi này có thể bị coi là vi phạm pháp luật.
Theo Điều 58 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên trong gia đình có thể bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Điều này áp dụng nếu cha mẹ lấy tiền lì xì của con mà không được con đồng ý và không sử dụng vì lợi ích của con.
Cụ thể, mức xử phạt được áp dụng khi cha mẹ tự ý chiếm đoạt tài sản riêng của con, sử dụng số tiền này cho mục đích cá nhân thay vì vì lợi ích của con, không xem xét nguyện vọng của con khi sử dụng tài sản đối với trẻ từ 9 tuổi trở lên.
Trong thực tế, cha mẹ thường giữ tiền lì xì của con để giúp con tiết kiệm, tránh tiêu xài lãng phí hoặc sử dụng vào những khoản chi tiêu hợp lý như mua sách vở, quần áo, đóng học phí. Nếu việc giữ tiền nhằm đảm bảo lợi ích của con, hành vi này không bị coi là vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, nếu cha mẹ tự ý sử dụng số tiền này cho mục đích cá nhân mà không vì lợi ích của con, hoặc không hoàn trả khi con đủ tuổi quản lý tài sản riêng, thì có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Để tránh những tranh chấp không đáng có, cha mẹ nên giải thích rõ ràng cho con về giá trị và cách quản lý tài sản. Nếu giữ tiền giúp con, nên có sự thỏa thuận và giải thích hợp lý. Đối với trẻ từ 9 tuổi trở lên, cần tham khảo ý kiến của con khi sử dụng số tiền này. Khi trẻ đủ 15 tuổi, nên để con tự quản lý tài sản hoặc hỗ trợ quản lý theo mong muốn của con.