Cầu lông thế giới thời suy thoái

27-05-2013 08:00 | Văn hóa – Giải trí

All England Championships, một giải đấu được so sánh là “Wimbledon của cầu lông” đã diễn ra tháng 3 năm nay trong sự chú ý của giới mộ điệu. Mặc dù mới chỉ là giải lớn đầu năm 2013, nhưng All England Championships cũng đã cho thấy phần nào bức tranh toàn cảnh của cầu lông thế giới hiện nay.

All England Championships, một giải đấu được so sánh là “Wimbledon của cầu lông” đã diễn ra tháng 3 năm nay trong sự chú ý của giới mộ điệu. Mặc dù mới chỉ là giải lớn đầu năm 2013, nhưng All England Championships cũng đã cho thấy phần nào bức tranh toàn cảnh của cầu lông thế giới hiện nay.

Cả “làng” cùng... suy thoái

Để thấy rõ hơn vì sao All England Championships quan trọng đến thế, bạn hãy để ý rằng cây vợt Tine Baun của Đan Mạch đã nhân giải này để nói lời từ giã sự nghiệp, thay vì giải Denmark Super Series vào tháng 10/2012 trên quê hương mình. All England Championships là giải đấu lớn và Baun từng 2 lần vô địch ở Birmingham. Còn năm 2013, cô đã khép lại sự nghiệp của mình bằng chức vô địch thứ 3 sau khi đánh bại một trong những ngôi sao của thế hệ mới, cây vợt 18 tuổi Ratchanok Inthanon của Thái Lan. Làng cầu lông thế giới đã chứng kiến nhiều tên tuổi gác vợt kể từ sau Olympic 2012, trong đó có Peter Gade. Đi cùng với hiện tượng ấy, tính cạnh tranh và hấp dẫn của giải nam cũng giảm sút đáng kể cùng với những quyết định giải nghệ của Shon Wan Ho, Lee Hyun Il và sự giảm sút phong độ của Taufik Hidayat.

Cầu lông thế giới thời suy thoái 1
 Tay vợt Lin Dan Trung Quốc.

3 năm trước, giải đơn nam luôn có sự ganh đua quyết liệt ở top 4 và những cây vợt xuất sắc nhất, nổi tiếng nhất đến từ các quốc gia mạnh nhất, cũng là những nước có lượng fan đông nhất như Malaysia, Indonesia, Trung Quốc hay Đan Mạch... Sự góp mặt của những Lee Chong Wei, Taufik Hidayat, Lin Dan hay Peter Gade luôn được chờ đợi sẽ mang đến những bất ngờ, kịch tính ở các giải Super Series. Ngoài các cường quốc cầu lông kể trên, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có nhiều cây vợt xuất sắc. Chẳng hạn như Lee Hyun Il và Shon Wan Ho của Hàn Quốc thường xuyên đứng trong top 10, trong khi Sho Sasaki của Nhật Bản lọt vào nhóm này trước Olympic 2012. Olympic là sân chơi cao nhất và thể hiện được tài năng ở sự kiện thể thao này là đỉnh cao sự nghiệp mà bất cứ VĐV nào cũng mong muốn. Thế nhưng sau Olympic 2012, giới mộ điệu đã nhận ra rằng, cầu lông đang đi xuống một cách trầm trọng...

Sự kiện ầm ĩ nhất từ Olympic 2012 chính là scandal dàn xếp tỷ số giữa bộ đôi của Trung Quốc là Yu Yang và Wang Xiaoli gặp bộ đôi Ha Na Kim và Kyung Eun Jung của Hàn Quốc. Đôi thua nhận được một trận đấu “dễ dàng hơn” với cặp đôi Đan Mạch thay vì là cặp đôi khác của Trung Quốc. Thực tế thì kiểu dàn xếp này rất phổ biến trong làng cầu lông Trung Quốc nhưng chưa bao giờ người ta thấy sự việc diễn ra trắng trợn và công khai đến vậy ở các giải thế giới. Điều đáng nói là không chỉ có 2 đôi kể trên mà còn 2 bộ đôi khác cũng diễn trò tương tự, trước khi họ bị loại khỏi Olympic. Điều này khiến Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã cân nhắc khả năng loại cầu lông ra khỏi chương trình thi đấu kể từ Olympic 2020 (trước lúc quyết định này chính thức dành cho môn vật).

Tre đã già mà măng chưa mọc

Lẽ thường thì ở mọi môn thể thao đều luôn có xu hướng “tre già, măng mọc”, thế hệ trẻ thay cho thế hệ già nhưng ở cầu lông thì dường như không được vậy. Những cây vợt như Sony Dwi Kuncoro, Du Pengyu, Nguyễn Tiến Minh - thường nằm trong top 10 nhưng luôn bị Lin Dan, Peter Gade và Taufik Hidayat đánh bại. Việc họ thường có mặt ở nhóm đầu chủ yếu vì có quá ít sự cạnh tranh cũng như những tài năng mới. Để thấy rõ hơn thì khoảng cách giữa cây vợt số 1 Lee Chong Wei (92.199 điểm) và cây vợt số 3 Du Pengyu (66.646 điểm) là quá lớn. Vì thế,  cây vợt số 2 Chen Long hiện là đối thủ duy nhất của Lee Chong Wei và tại giải All England Championships vừa qua. Đây là lần thứ 13 họ gặp nhau trong trận chung kết. Chen Long thắng và người ta hy vọng cục diện của cầu lông thế giới sẽ có những thay đổi trong tương lai. Không chỉ có cầu lông nam suy thoái kể từ sau Olympic 2012 mà ở nội dung cầu lông nữ, Trung Quốc cũng không còn giữ được ưu thế tuyệt đối. Những tay vợt như Saina Nehwal (Ấn Độ), Ratchanok Inthanon và Minatsu Mitani (Nhật Bản) đã có nhiều chiến thắng vang dội sau Olympic London 2012 nhưng họ không có được sự ổn định để “vẽ” lại bản đồ cầu lông nữ thế giới.

Không như cầu lông nam, cơ hội dành cho các tay vợt nữ tại Super Series là ngang nhau. Năm 2013 đã có tới 3 nhà vô địch mà trong đó không có đại diện nào của Trung Quốc, dù Li Xuerui là đương kim vô địch Olympic và giữ vị trí số 1 trên bảng xếp hạng. Ngoài Trung Quốc thì tương lai của cầu lông tại một số quốc gia cũng rất ảm đạm. Chẳng hạn như Đan Mạch đã thất bại ở giải đồng đội châu Âu lần đầu tiên sau 16 năm, khi các cây vợt của họ chọn chuẩn bị cho All England hơn là cùng nhau đánh bại Đức. Cùng lúc, quyết định gác vợt của Tine Baun đã chấm dứt mọi hy vọng của Đan Mạch về một danh hiệu đánh đơn trong tương lai, khi cây vợt có thứ hạng cao nhất của họ lúc này là Karina Jorgensen đứng thứ 62 thế giới. Điều an ủi cho Đan Mạch là nếu như Trung Quốc giành cả 5 bộ huy chương tại Olympic London 2012 nhưng vị trí số 1 của quốc gia này đang bị đe dọa. Chỉ tính trong năm 2013, chiến thắng của Chen Long ở All England Championships là chiến thắng duy nhất mà Trung Quốc có được ở nội dung đánh đơn. Xem ra, “tre đã già” mà... măng chưa kịp mọc bởi trong nhiều tháng trở lại đây, một số cây vợt hàng đầu thế giới đã giải nghệ, trong khi thế hệ mới đều chưa chứng tỏ được gì. Viktor Axelsen của Đan Mạch được xem là người kế vị Peter Gade, nhưng tại All England Championships, thông tin đáng nói nhất về cây vợt này chỉ là việc anh chuyển sang nhà tài trợ Adidas, trước khi bị loại ngay từ vòng 1.

Thời gian sẽ trả lời xem cầu lông có tìm lại được sự quan tâm của người hâm mộ hay không, trước khi giải vô địch thế giới 2013 diễn ra ở Guangzhou, Trung Quốc vào tháng  5 tới.            

 

  Minh Hương

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn