Cụ Loan Anh chia sẻ về những kỷ niệm quý báu với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
3 bức ảnh quý giá của người đồng nghiệp, hàng xóm
Tôi được gặp gỡ cụ Loan Anh vào buổi trưa tháng 7 sau khi tin tức về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới được thông báo vài ngày. Trong căn phòng nhỏ yên tĩnh tại Khu tập thể Tạp chí Cộng sản trên phố Nguyễn Thượng Hiền, hình ảnh một bà cụ tóc bạc phơ với gương mặt hiền hậu khiến tôi bất chợt có cảm giác thân mật và gần gũi.
Gặp tôi, cụ mở lời: “Cháu đến đây hỏi về ông Trọng (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) phải không?”. Như hiểu được ý nghĩ của tôi, cụ nói tiếp: “Ngồi đấy tôi lấy cho xem cái này!”
Lát sau, cụ đưa cho tôi một tập ảnh nhỏ, trong đó có 3 tấm ảnh vô cùng đặc biệt.
Bức ảnh đầu tiên là một bức ảnh đen trắng chụp tập thể. “Đây là ảnh chụp tập thể Tạp chí Cộng sản, khi ấy Tổng Bí thư còn trẻ. Đây tôi đứng dưới bên phải này, ông xã tôi đứng bên trái, còn Tổng Bí thư đứng trên kia”, cụ vừa chỉ tay vào ảnh vừa kể rõ về chức danh và công việc của từng người thời điểm đó.
Trong tấm ảnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nở nụ cười tươi tắn, trẻ trung, và đặc biệt để kiểu tóc mái chéo – kiểu tóc không có nhiều thay đổi so với thời điểm sau này.
Trở về khoảng thời gian năm 1967, khi vừa ra trường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được phân công về công tác tại Tạp chí Cộng sản. Bắt đầu bằng công việc cán bộ Phòng Tư liệu, Tổng Bí thư đã trải qua thời gian công tác ở nhiều vị trí khác nhau: từ cán bộ biên tập, Bí thư Chi đoàn, Phó Ban Xây dựng Đảng, rồi tới Trưởng Ban Xây dựng Đảng, cho đến Phó Bí thư Đảng uỷ, Bí thư Đảng uỷ, Phó Tổng Biên tập rồi cuối cùng giữ vị trí Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản từ năm 1991 đến năm 1996.
Nhắc lại quá trình công tác đó, cụ Loan Anh tâm sự: “Sau khi được phân công về làm biên tập viên của tạp chí, gia đình Tổng Bí thư đã chuyển về căn nhà tập thể này. Suốt quãng thời gian công tác cùng cơ quan và sinh hoạt chung khu tập thể, gia đình tôi và gia đình Tổng Bí thư đã có rất nhiều kỉ niệm đẹp. Đơn giản như nấu được bát canh ngon, tôi cũng mang lên nhà biếu một bát”.
Nhà cụ Loan Anh là căn nhà cùng hướng với căn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng gia đình từng ở. Cụ ở tầng 2, còn Tổng Bí thư ở tầng 3, ngày xưa cả khu tập thể này dùng chung nhà vệ sinh và bể nước dưới sân tầng 1.
Theo lời kể của cụ, giai đoạn sống ở đây, gia đình Tổng Bí thư có 5 người, gồm: mẹ thân sinh ra Tổng Bí thư, 2 vợ chồng Tổng Bí thư cùng với 2 con. “Tôi lớn tuổi hơn Tổng Bí thư nên hai ông bà ấy (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân) gọi vợ chồng tôi là anh chị. Ông bà là người rất giản dị, thân tình, gặp nhau dưới sân hay ngoài cầu thang, chúng tôi đều cười nói hỏi thăm cuộc sống của nhau hằng ngày. Vì thế, cả gia đình, nhất là các con tôi đều rất quý mến và coi các thành viên trong gia đình Tổng Bí thư như chính những người thân trong nhà” – cụ kể tiếp.
Thấy tôi đang chăm chú nghe chuyện, cụ tiếp tục lật qua tấm ảnh thứ 2 và kể tiếp. Tôi đoán đây có lẽ là một bức ảnh trong đám cưới, bởi phía sau Tổng Bí thư có một đôi cô dâu chú rể.
“Đúng rồi, đây là đám cưới con ông ấy (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng), ông ấy đang nắm tay tôi đây. Đứng bên phải cạnh tôi là bà Mận (Phu nhân Ngô Thị Mận), còn đứng ngoài cùng bên trái là ông nhà tôi” – cụ giải thích cho tôi.
Tôi bảo: “Nhiều năm rồi mà tấm ảnh này vẫn còn sắc nét quá cụ nhỉ!?” Cụ nói ngay: “Ôi, tôi cất giữ cẩn thận lắm! Mấy tấm ảnh này như là những kỉ vật quan trọng với gia đình tôi, giờ đây ông ấy không còn, bức ảnh này lại càng quý giá, bức ảnh đã ghi lại những tình cảm chân thành mà hai gia đình đã có với nhau trước đây và cho tới tận bây giờ”.
Cuối cùng cụ đưa cho tôi bức ảnh thứ 3 chụp tháng 8 năm 2015. Đây cũng là bức ảnh cuối cùng mà cụ Loan Anh chụp lưu niệm với Tổng Bí thư. Vẫn là cái nắm tay giản dị, thân tình ấy. Tổng Bí thư đưa “người chị đồng nghiệp” lên sân khấu bắt tay các đại biểu trong Lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2 của Tạp chí Cộng sản.
Ba bức ảnh quý dù khác nhau về không gian và thời gian, nhưng trong đó đều toát ra sự thân thiện và chân thành mà Tổng Bí thư đã dành cho những người bạn, người đồng nghiệp cũ của mình. Dù thời điểm đó đang giữ vị trí lãnh đạo đất nước, nhưng chưa khi nào Tổng Bí thư tạo ra khoảng cách với những người xung quanh. Đó là điều đáng trân trọng khiến cụ Loan Anh luôn dành một sự cảm mến đặc biệt cho người đồng nghiệp năm xưa.
Vĩnh biệt người lãnh đạo đáng kính
Sáng nào trước cửa nhà cụ cũng có một tờ báo giấy. Mấy ngày gần đây, cụ đều đặn tìm đọc dòng tin về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dù tuổi cao nhưng đôi mắt cụ vẫn tinh anh và đọc báo mà không cần kính.
Cầm tờ báo trên tay, người làm báo năm xưa đọc cho tôi nghe một đoạn dài: “Trọn cuộc đời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta bằng một tinh thần, ý chí thép, không lùi bước trước những trở ngại, khó khăn; khẳng định một nhân cách lớn, coi “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, giữ vững nguyên tắc, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân. Đồng chí thực sự là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng trong sáng, “chí công vô tư”, lối sống giản dị, phong cách làm việc dân chủ, tận tụy, khoa học, tôn trọng và yêu thương con người…, được cán bộ, đảng viên và nhân dân kính trọng, tín nhiệm cao, tin tưởng và yêu quý, được bạn bè quốc tế trân trọng và đánh giá cao” (trích Bài viết “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).
Xúc động khi nhắc tới người đồng nghiệp cũ, cụ bảo: “Ngày nào tôi cũng theo dõi tin tức xem tang lễ của Tổng Bí thư tiến hành như thế nào, không biết chân đau như thế này liệu tôi có đi tới thắp hương được không! Nếu không, có lẽ khi công việc xong xuôi, gia đình tôi sẽ sang nhà thắp hương cho ông ấy”.
Trưa muộn, tôi xin phép cụ ra về. Bước xuống chiếc cầu thang xoắn ốc nhuốm màu thời gian, tôi mường tượng ra hình ảnh của Tổng Bí thư, phu nhân và các con đang sinh sống như những gì cụ Loan Anh đã kể…