Nhiều phụ nữ vì một lý do nào đó phải cắt bỏ vòi tử cung cảm thấy suy sụp, mất niềm tin vào cuộc sống. Câu hỏi họ luôn đặt ra là đã cắt 2 vòi tử cung thì có khả năng sinh con hay không?
Chị L.T.H ở Cao Phong, Hòa Bình (sinh năm 1994) mới kết hôn và mang thai, tuy nhiên, chị H lại được bác sĩ báo: chị chửa ngoài tử cung và buộc phải phẫu thuật cắt bỏ khối chửa ở vòi tử cung trái. Nếu không cắt khối chửa vỡ, nguy hiểm đến tính mạng. Vài tháng sau, chị H lại một lần nữa mang thai và lần này thai lại "bám" vào vòi tử cung bên phải. Chị H đành phải phẫu thuật cắt đi vòi tử cung còn lại. Điều này có nghĩa, khả năng có thai tự nhiên của chị không còn. Chị H đã rơi vào khủng hoảng, suy sụp tinh thần.
Mặc dù vậy, chị H vẫn được chồng động viên và qua tìm hiểu sách báo chị được biết, trường hợp của anh chị vẫn có thể có con nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Theo ThS.BS Trịnh Thị Thúy, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, đối với trường hợp người phụ nữ mắc các căn bệnh gây viêm nhiễm đường sinh dục như: viêm phần phụ do Chlamydia, lậu, lao sinh dục… vòi tử cung cũng sẽ bị viêm, dẫn đến tắc, ứ dịch, ứ mủ.
Bên cạnh việc cản trở trứng gặp tinh trùng, dịch ứ đọng tại vòi tử cung có thể chảy vào buồng tử cung gây viêm niêm mạc tử cung và khiến phôi khó làm tổ, hậu quả là bệnh nhân khó có thai, hoặc tăng nguy cơ lưu sảy thai ngay cả khi bệnh nhân đã thực hiện IVF.
Đặc biệt, trong một số trường hợp, tình trạng viêm vòi tử cung có thể diễn biến nặng hơn gây viêm phần phụ cấp, áp xe phần phụ, thậm chí đe dọa tính mạng bệnh nhân. Khi đó, người bệnh cần được phẫu thuật cắt vòi tử cung và loại bỏ khối áp xe.
Số khác, mặc dù vòi tử cung mềm mại, khả năng lưu thông tốt, trứng (noãn) của người vợ đã thụ tinh với tinh trùng, tạo thành phôi và đang trong quá trình di chuyển theo vòi tử cung về buồng tử cung làm tổ nhưng vì một lý do nào đó, phôi bị nghẽn lại trong quá trình di chuyển gây nên hiện tượng mang thai ngoài tử cung. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, vòi tử cung sẽ bị vỡ dẫn đến mất máu cấp và đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Người phụ nữ sau phẫu thuật cắt một bên vòi tử cung vẫn có khả năng thụ thai tự nhiên nếu vòi tử cung còn lại vẫn mềm mại, thông và nhu động bình thường, đồng thời tử cung không có bất thường và buồng trứng hoạt động bình thưởng.
Trong trường hợp cả hai bên vòi tử cung bị cắt bỏ, noãn không thể gặp tinh trùng theo chu trình tự nhiên, chị em phụ nữ phải áp dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản mới có thể mang thai.
Bs. Thuý cũng lưu ý, phòng bệnh vẫn là điều hết sức quan trọng để không phải khổ tâm về các căn bệnh phụ khoa viêm nhiễm, đặc biệt là các vấn đề về vòi tử cung gây ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản, nữ giới cần lưu ý các vấn đề sau:
Luôn giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ để ngăn chặn những mầm bệnh, vi khuẩn có thể gây hại đến tử cung, buồng trứng và vòi tử cung; Không lạm dụng các loại thực phẩm có tính kích thích; Luôn giữ cân bằng tâm lý trong công việc, cuộc sống hôn nhân, gia đình.
phẫu thuật cắt vòi tử cung có thể được chỉ định khi vòi tử cung bị viêm nhiễm dẫn đến ứ dịch, ứ mủ hoặc khi bệnh nhân mang thai ngoài tử cung.
Đặc biệt, chị em phụ nữ nên đến thăm khám phụ khoa thường xuyên, hoặc theo định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, từ đó tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.