Hà Nội

Cấp thiết bảo vệ vùng lõi di sản Vịnh Hạ Long đang bị "bêtông hóa chóng mặt"

26-05-2019 10:24 | Thời sự
google news

SKĐS - Trước thông tin phản ảnh trên báo chí về "Vùng lõi di sản Vịnh Hạ Long bị bê tông hóa chóng mặt", Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo kiểm tra việc quản lý vùng lõi di sản Vịnh Hạ Long.

Theo đó, văn bản số 415/VP-TT gửi Cục Di sản Văn hóa, Thanh tra Bộ nêu rõ, ngày 22/5/2019, báo chí có bài viết "Vùng lõi di sản Vịnh Hạ Long bị bê tông hóa chóng mặt" phản ánh việc vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đang bị hàng loạt doanh nghiệp xâm hại trái phép để làm du lịch.

Văn phòng Bộ VHTTDL thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện giao Cục Di sản văn hóa chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh Quảng Ninh về vấn đề quản lý Vịnh Hạ Long, đề xuất phương án bảo vệ di tích.

Văn bản cũng nêu rõ, Thanh tra Bộ chủ động triển khai kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có).

Bờ kè bê tông kiên cố ngay giữa vùng lõi vịnh Hạ Long. Ảnh TPO.

Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí về vẻ đẹp cảnh quan vào ngày 17/12/1994. Sau đó, nơi đây lần thứ hai được vinh danh là di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí về giá trị địa chất.

Vịnh Hạ Long nằm trong danh sách 25 kỳ quan thiên nhiên đẹp nhất thế giới, có diện tích khoảng 1.553 km2 với 1.969 hòn đảo lớn, nhỏ khác nhau. Địa hình đặc biệt của Vịnh Hạ Long có liên quan chặt chẽ tới lịch sử khí hậu và quá trình vận động kiến tạo của Trái Đất.

Bên cạnh giá trị địa chất và giá trị thẩm mỹ độc đáo, khu vực Vịnh Hạ Long hiện nay còn lưu giữ được nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới (đồi núi, hang động, rừng ngập mặn, tùng áng, rạn san hô, cỏ biển …), tạo nên giá trị đa dạng sinh học nổi bật của Vịnh Hạ Long.

Được biết, trong những động thái nhằm ngăn chặn sự tác động tiêu cực của con người đến thiên nhiên vùng vịnh Hạ Long, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã cấm các loại xuồng máy cao tốc phục vụ du khách trong khu vực Vịnh để bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học trong vùng Vịnh.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng thực hiện di dời các hộ dân sinh sống trên các vạn chài vào đất liền để bảo vệ môi trường nước của vịnh Hạ Long; đồng thời cấm bốc dỡ than đá trong khu vực di sản để chống ô nhiễm bụi than và bùn than cho Vịnh theo khuyến cáo của UNESCO. Tại Vịnh, một số người dân đã có ý thức tự nguyện giữ gìn cảnh quan, thông qua việc lập tổ hợp tác tự nguyện thu gom và xử lý rác thải.

Trước đó, thông tin trên báo chí phản ánh, nằm ở trung tâm bảo tồn Cống Đỏ (vịnh Hạ Long, Quảng Ninh), hòn Soi Cỏ với danh thắng cảnh hang Cỏ (hang Thiên Cảnh Sơn) được xem là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, vài năm nay hòn Soi Cỏ bị xâm phạm nghiêm trọng bởi các hoạt động xây dựng trái phép.

Được biết, công trình xây dựng trên đảo Bà Men vẫn đang triển khai sau khi ban Quản lý vịnh Hạ Long lập biên bản.

Hàng loạt công trình trái phép đã và đang được xây dựng ngay giữa vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới như: Công trình kè đầm phía sau đảo Đầu Gỗ, công trình kè đầm và một số hạng mục phụ trợ tại hang Hanh, công trình kè đầm tại hòn Vụng Ba Cửa, công trình kè đầm tại Vụng Ong, công trình kè đầm hòn Vụng Hà,…

Trả lời trên báo chí, ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long, thừa nhận các công trình đã và đang triển khai tại khu vực Cống Đỏ và đảo Bà Men đều xây dựng trái phép tại vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

T.H
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn