Cảo thơm lần giở: Lidman nghĩ gì?

18-06-2018 06:12 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - "Một tâm linh! Sara Lidman (nữ nhà văn Thụy Điển) là một tâm linh!” Chị Carina, cán bộ văn hóa nhận xét như vậy khi chúng tôi đi dạo trên một đại lộ ở Thủ đô của Thụy Điển.

Ý của chị Carina nói đúng như ý tôi. “Một tâm linh”, tôi không tìm được từ nào khác để diễn tả ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp Sara Lidman (Lit-man, 1923-2004).

Ở phòng đợi tại Viện Thụy Điển cách đây mấy chục năm. Chị vừa ở miền Bắc xa xôi về, nghe tin tôi có mặt ở Thụy Điển, chị đến đón tôi đi ăn cơm trưa để có thì giờ trò chuyện vì tôi sắp về nước. Chị người mảnh dẻ, mặc bộ đồ đen xuềnh xoàng làm nổi bật khuôn mặt trắng xanh như một bà xơ. Tinh anh của chị tập trung vào đôi mắt trong suốt vừa trinh bạch vừa sâu lắng, nhìn vào mắt người đối thoại như chờ đợi một phát hiện gì đó trong câu trả lời.

Ở Thụy Điển, tôi biết số nhà văn sống bằng nhuận bút sách không quá chục người, trong đó có Sara, không những là một tác giả ăn khách, mà còn là người đi tiên phong của một trào lưu chính trị - xã hội.

Sara Lidman sinh năm 1923 tại một làng quê cách Thủ đô Stockholm trên 1.000km, trên miền Norland hẻo lánh, lạnh lẽo. Dẫu nổi tiếng, Sara vẫn thích sống ở đây, vùng thưa thớt dân cư. Chị còn sống biệt lập đến mức trong mỗi phòng còn để một chiếc đồng hồ. Chị tâm sự: “Tiếng tích tắc gắn tôi với con người và cuộc sống. Không có nó, tôi sẽ bị cắt đứt với thực tế và dễ mất trí”.

Năm 1949, chị đỗ cử nhân ở Đại học Uppsala. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên xuất bản năm chị 30 tuổi: Lò nấu nhựa thông miêu tả đời sống của tập thể xóm làng, đi sâu vào tâm lý với một ngòi bút vừa hiện thực vừa trữ tình. Những tác phẩm đầu tiên ấy đã nói lên những nét đặc trưng cho toàn bộ sáng tác của chị: băn khoăn về đạo đức, quan niệm về tội lỗi và trách nhiệm, cái thiện và cái ác, sự phản bội và đức tin... quan điểm của đạo Tin lành Luther coi con người sinh ra đã tội lỗi, ai cũng bị xét xử. Chị là ngọn cờ đầu, hiện thân của lý tưởng, hoài bão chính đáng của phe tả Thụy Điển đối với thế giới thứ ba.

Những năm 60 là những năm phẫn nộ, “dấn thân” cao độ của Sara. Cuộc thể nghiệm về châu Phi là một bước ngoặt trong nhận thức của chị. Những năm 50, văn hóa và xã hội Thụy Điển phát triển trong tầm quốc gia hẹp hòi, tập trung vào những vấn đề thẩm mỹ, phúc lợi xã hội.

Hai tác giả Per Wasberg và Sara Lidman đã đi tiên phong trên con đường giác ngộ quốc tế hóa, thâm nhập vào một thế giới đầy xung đột. Sara đã viết hai cuốn tiểu thuyết về châu Phi, đề cập đến sự phân biệt chủng tộc và phê phán thái độ ngây thơ của người Thụy Điển đối với người châu Phi da đen.

Giữa thập kỷ 60, Sara nổi lên như một nhân vật lãnh đạo phong trào Thụy Điển chống chiến tranh Mỹ ở Việt Nam. Vì nhu cầu đấu tranh, Sara đã bỏ hình thức văn học thuần túy mà sử dụng vũ khí báo chí và tiểu thuyết tư liệu. Chị thăm Bắc Việt Nam, miêu tả những cố gắng phi thường của một dân tộc trước sự phá hoại có hệ thống của Mỹ: Chuyện trò ở Hà Nội (1966), Bạn bè và bạn bè đang xuất hiện (1969).

Sara đã khám phá ra ý nghĩa biểu tượng và nhân văn của địa lý miền Bắc (Thụy Điển), xứ của đầm lầy, rừng nguyên thủy đầy băng tuyết, nhà cửa thưa thớt, con người chặt cây, đào mương, đoàn kết với nhau để khỏi bị thiên nhiên nuốt chửng. Nhưng khi văn minh bắt đầu đứng vững thì con người lại bóc lột nhau, phân biệt giàu nghèo. Đó là tấn bi kịch được kể lại trong bộ ba tiểu thuyết: Tên đầy tớ dễ bảo của Người, Những đứa con của phẫn nộ và Đá của Na-bốt.

Sara viết về công việc đặt đường sắt để nói về cái giá mà con người và môi trường phải trả để khai thác miền Bắc hoang sơ. Chủ đề của tác phẩm đồ sộ này vẫn tiếp tục dòng cảm xúc của cả ba giai đoạn sáng tác của Sara.

Chị đến và mời thêm bạn đến nghe buổi nói chuyện của tôi về văn hóa Việt Nam ở Thư viện Hoàng gia. Chị chân thành bộc lộ: “Tôi cảm thấy thoải mái ở làng xóm Keya và Việt Nam hơn là ở môi trường hàn lâm. Tôi không quên được hai vùng đất đã làm trái tim tôi xúc động”.

Năm 2004, Sara Lidman qua đời, hưởng thọ 81 tuổi.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn