Cảnh giác các chiêu trò dụ dỗ mua sắm ở sàn thương mại điện tử giá rẻ

25-10-2024 17:05 | Xã hội
google news

SKĐS - Một sàn thương mại điện tử mới xuất hiện với "cơn bão" hàng giá rẻ khiến không ít người dùng tò mò trải nghiệm. Theo các chuyên gia, người dùng cần thận trọng với chiêu khuyến mại, sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán...

Bị "vạch mặt", sàn TMĐT Temu vội vã nộp hồ sơ xin cấp phépBị 'vạch mặt', sàn TMĐT Temu vội vã nộp hồ sơ xin cấp phép

SKĐS - Sàn TMĐT Temu vừa có văn bản gửi Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) về việc thực hiện các yêu cầu khi gia nhập thị trường Việt Nam.

Chiêu trò giới thiệu khách hàng để nhận hoa hồng

Những ngày qua, sự xuất hiện của sàn thương mại điện tử Temu đến từ Trung Quốc khiến không ít người dùng phải chú ý. Ngoài chính sách bán hàng giá rẻ, sàn thương mại điện tử này cũng tạo làn sóng "rần rần" trên mạng cho người tham gia vì mang lại hoa hồng hấp dẫn.

Cảnh giác các chiêu trò dụ dỗ mua sắm ở sàn thương mại điện tử giá rẻ- Ảnh 2.

Sàn thương mại điện tử giá rẻ đổ bộ thị trường Việt Nam.

Khi cài đặt ứng dụng Temu, người dùng có thể nhận được 50K vào tài khoản mua hàng. Nếu chia sẻ link đăng ký tài khoản của mình và có người sử dụng link đó để đăng ký, bạn sẽ nhận tiếp 150K. Số tiền thưởng có thể cao hơn nhiều nếu mời được một người dùng có kênh TikTok hay YouTube với lượng theo dõi lớn. Ngoài ra, khách hàng có thể giới thiệu những sản phẩm bán trên sàn và nhận về hoa hồng chia sẻ từ doanh thu của người bán, tối đa 30%.

Sàn này còn tạo mô hình chia hoa hồng nhiều cấp. Ví dụ, khi có tài khoản tham gia chương trình affiliate theo đường dẫn, người chia sẻ sẽ được một số tiền nhất định. Nếu thành viên cấp dưới kiếm thêm đối tác, người bậc trên hưởng tiếp 20% hoa hồng.

Ông Lê Hải Vũ, CEO của Velasboost, chia sẻ, chỉ trong 1 ngày tham gia thử Temu, ông đã nhận được hơn 300 triệu đồng tiền thưởng. Ông Vũ gọi đây là tiền "treo" bởi chưa thể rút tiền. Temu chạy chiến dịch tiếp thị liên kết, với mỗi lần giới thiệu có người cài đặt ứng dụng qua link của mình sẽ được tặng 150.000 đồng. Tuy nhiên để rút được 150.000 đồng này cũng không dễ, bởi sàn này đi kèm yêu cầu: Người tải ứng dụng phải có phát sinh mua hàng trong vòng 60 ngày thì lời giới thiệu này mới có giá trị. Như vậy thì 300 triệu này chưa chuyển thành tiền thật.

Do vậy, không thể kỳ vọng có thể lấy toàn bộ hoa hồng theo mức cao nhất, mà chỉ có thể được khoảng 10-15% số tiền trên đã là rất tốt. Tuy nhiên, việc rút tiền cần thực hiện nhiều thao tác, cũng sẽ không đơn giản lấy được tiền.

Hiện tại, sàn thương mại điện tử này chưa cho phép người dùng Việt Nam sử dụng hình thức thanh toán khi nhận hàng, nghĩa là người dùng phải thanh toán ngay khi đặt hàng, sau đó mới nhận sản phẩm. Temu chỉ hỗ trợ thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc Apple/Google Pay, chưa hỗ trợ các loại ví điện tử phổ biến khác. Theo chuyên gia bảo mật Phạm Tuấn Anh, đây chính là rủi ro người mua hàng phải đối mặt bởi thông tin thẻ tín dụng là vô cùng quan trọng.

Ngoài ra, chính vì không cho phép thanh toán khi nhận hàng, người dùng sẽ đối mặt với rủi ro mua hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng không đúng mô tả dù đã thanh toán từ trước. Mặc dù có chính sách đổi trả sản phẩm và hoàn tiền, nhưng do đây là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, với người bán đều từ Trung Quốc, nên quá trình đổi trả sản phẩm và hoàn tiền diễn ra không dễ dàng, mất nhiều thời gian.

Nguy cơ nhiễm mã độc, đánh cắp tài khoản thẻ tín dụng

Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ, Công ty Cổ phần Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam đánh giá, việc người dùng mua hàng trực tuyến bằng những đường link không xác thực rất dễ bị gài bẫy lừa đảo. Những kẻ lừa đảo thường lợi dụng các vấn đề, sự kiện nóng để trục lợi. Khi có 1 sản phẩm mới, nền tảng mới xuất hiện, nhu cầu trải nghiệm hoặc đôi khi chỉ là tò mò với các chương trình khuyến mãi, hoa hồng lớn sẽ là một sức hấp dẫn rất lớn với người dùng. Lợi dụng điều này, những đối tượng lừa đảo có thể thực hiện 1 số hành vi lừa đảo mà người tiêu dùng cần cảnh giác.

Cụ thể kẻ lừa đảo tạo ra các đường link có tên miền nhái hoặc giao diện nhại với sản phẩm mới, gửi cho người sử dụng với những lời chào mừng hấp dẫn, nhằm dụ người dùng cung cấp thông tin nhạy cảm như tên đăng nhập, mật khẩu, hoặc thông tin thẻ tín dụng. Một khi người dùng cung cấp thông tin, tin tặc có thể sử dụng chúng để xâm nhập vào các tài khoản hoặc thực hiện các hành vi lừa đảo tài chính.

Ông Vũ Ngọc Sơn cảnh báo, kẻ lừa đảo có thể yêu cầu nạn nhân cài ứng dụng qua các liên kết được chia sẻ, từ đó dẫn người dùng đến các chợ không chính thống, cài đặt mã độc và chiếm quyền điều khiển điện thoại người dùng. Từ đó, chúng âm thầm thu thập thông tin, điều khiển điện thoại, chiếm đoạt tài khoản, tiền, thậm chí mã hóa dữ liệu tống tiền.

Ngoài ra kẻ lừa đảo còn áp dụng mời gọi đầu tư, nhập hàng để hưởng hoa hồng cao, thực chất là các chương trình lừa đảo hoặc không tồn tại, dẫn dụ nạn nhân chuyển tiền rồi cắt liên lạc.

Để phòng tránh việc mất tiền oan hay tài khoản cá nhân, chuyên gia an ninh mạng Vũ Ngọc Sơn khuyên người dùng cần nâng cao cảnh giác, kiểm tra tính hợp pháp của liên kết: Trước khi nhấp vào bất kỳ liên kết nào, hãy kiểm tra nguồn gốc, xác minh xem liên kết có phải từ nguồn đáng tin cậy hay không. Sử dụng phần mềm bảo mật bằng việc cài đặt phần mềm diệt virus và các công cụ bảo mật khác để bảo vệ thiết bị khỏi phần mềm độc hại.

Bên cạnh đó, người dùng không cung cấp thông tin cá nhân hoặc tài chính, đặc biệt thông tin thẻ tín dụng qua các liên kết không rõ ràng hoặc các trang web không bảo mật. Nâng cao cảnh giác, phòng tránh các nguy cơ an ninh mạng từ những liên kết mời gọi hoặc sản phẩm công nghệ mới.

Theo các chuyên gia, không thể phủ nhận rằng sự "đổ bộ" của một sàn thương mại điện tử mới sẽ giúp người dùng tại Việt Nam có thêm một sự lựa chọn để mua hàng trực tuyến với mức giá cạnh tranh. Dù vậy, người dùng cũng cần phải thực sự tỉnh táo, lựa chọn sản phẩm phù hợp, đừng bị mức giá rẻ của các sản phẩm đánh lừa để cuối cùng "tiền mất, tật mang".

Bộ Công Thương đang rà soát sàn thương mại điện tử xuyên biên giới TemuBộ Công Thương đang rà soát sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương đang rà soát, đánh giá đối với hàng hóa giá thấp tràn vào Việt Nam thông qua các kênh thương mại điện tử để có biện pháp quản lý phù hợp.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Sáng 25/10: Phơi bày “bộ mặt thật” kẻ máu lạnh sát hại bạn gái ở nhà nghỉ sau màn cầu hôn lãng mạn


Tô Hội
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn