Hà Nội

Cảnh báo mối liên quan giữa COVID-19 và bệnh tiểu đường

14-06-2021 08:24 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Không giống như các loại virus khác, SARS-CoV-2 có thể gây ra tình trạng viêm nghiêm trọng khắp cơ thể, ảnh hưởng không chỉ hệ hô hấp mà còn cả tim, thận, não… Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng, một nguy cơ “đáng lo ngại" khác của COVID-19 có liên quan đến các trường hợp mắc mới bệnh tiểu đường.

Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), SARS-CoV-2 có thể nhắm mục tiêu và làm suy giảm các tế bào sản xuất insulin của cơ thể. Chính điều này có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.

BS Thomas Russo, Đại học Buffalo ở New York, cho biết, cần suy nghĩ nhiều hơn về những hậu quả sức khỏe tiềm ẩn lâu dài của việc bị nhiễm bệnh. Nếu người bệnh COVID-19 mắc bệnh tiểu đường, sẽ ảnh hưởng tới suốt quãng đời còn lại.

Bệnh tiểu đường là gì?

Insulin giúp đường đi vào tế bào

Bệnh tiểu đường xảy ra khi lượng đường trong máu (đường huyết) quá cao. Đường huyết là nguồn năng lượng chính của cơ thể và đến từ thực phẩm khi chúng ta ăn vào. Thông thường, lượng glucose đó thông qua insulin (một loại hormone do tuyến tụy tiết ra) để đưa đến các tế bào (nơi glucose sẽ được sử dụng để tạo năng lượng).

Nhưng với bệnh tiểu đường, cơ thể không tạo ra đủ insulin hoặc không sử dụng tốt loại hormone này. Điều đó có nghĩa là glucose sẽ không vận chuyển đến các tế bào sẽ nằm trong máu và có thể gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như bệnh tim, tổn thương thần kinh, các vấn đề về mắt và bệnh thận.

Bệnh tiểu đường cũng được chia thành hai loại chính: Bệnh tiểu đường loại 1 (là khi cơ thể không tạo ra insulin do hệ thống miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào tạo ra insulin trong tuyến tụy) và bệnh tiểu đường loại 2 (là khi cơ thể không tạo ra hoặc sử dụng insulin một cách hiệu quả). Cả hai loại bệnh tiểu đường đều không có cách chữa khỏi, nhưng bệnh có thể được kiểm soát bằng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống và luyện tập.

Tìm ra mối liên quan giữa COVID-19 và bệnh tiểu đường

Một phân tích tổng hợp từ tám nghiên cứu được thực hiện trên khắp thế giới từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2020, về các trường hợp mới được chẩn đoán bệnh tiểu đường ở những người có COVID-19. 

Phân tích đã xem xét 3.711 bệnh nhân với COVID-19 và thấy rằng 14,4% (492 bệnh nhân) gần đây được chẩn đoán mắc mới bệnh tiểu đường. Điều này đã cho thấy, có mối liên quan giữa nhiễm trùng COVID-19 và các chẩn đoán bệnh tiểu đường mới. Theo các nhà nghiên cứu, bệnh tiểu đường mới được chẩn đoán ở bệnh nhân COVID-19 có thể là do phản ứng căng thẳng liên quan đến bệnh nặng hoặc điều trị bằng glucocorticoid (tác dụng phụ gây bệnh tiểu đường) trong điều trị COVID-19.

Mối liên quan giữa COVID-19 và  bệnh tiểu đường

Hai nghiên cứu mới do NIH hỗ trợ đã nghiên cứu sâu hơn về mối liên quan này, từ bên trong cơ thể. Các nhà khoa học đã tìm thấy và xác nhận sự lây nhiễm tế bào beta tuyến tụy trong các mẫu khám nghiệm tử thi của những người chết do COVID-19-và thấy rằng SARS-CoV-2 có thể "lây nhiễm ưu tiên" những tế bào sản xuất insulin này.

Nghiên cứu mới cũng phát hiện ra rằng nhiễm trùng coronavirus cũng có thể thay đổi các cụm tế bào được gọi là đảo nhỏ trong tuyến tụy, nơi chứa các tế bào beta. Cụ thể, cả hai nhóm nghiên cứu đều phát hiện ra rằng mô đảo tụy bị giảm sản xuất và giải phóng insulin sau khi bị nhiễm coronavirus - và đôi khi, nhiễm trùng cũng dẫn đến cái chết của một số tế bào beta. Thậm chí, một số tế bào beta còn lại được phát hiện đã trải qua quá trình "phân biệt hóa" hoặc "tái lập trình", trong đó chúng bắt đầu sản xuất ít insulin hơn và nhiều glucagon hơn (một loại hormone khác kiểm soát lượng glucose). Điều này mặc dù chưa được xác nhận nhưng có thể "làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu insulin và tăng mức đường huyết”.

Hai nghiên cứu do NIH tài trợ đã được thực hiện thông qua khám nghiệm tử thi ở những người đã chết do COVID-19 để xem chính xác cách nhiễm trùng SARS-CoV-2 có thể ảnh hưởng đến các tế bào tuyến tụy, đặc biệt là các tế bào beta sản xuất insulin. Vì vậy, cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để làm rõ cách thức SARS-CoV-2 ảnh hưởng đến tuyến tụy và hệ thống miễn dịch có thể đóng vai trò gì trong việc gây ra bệnh tiểu đường.

Bước tiếp theo trong việc nghiên cứu mối liên hệ giữa COVID-19 với bệnh tiểu đường là đối sánh những kết quả nghiên cứu này (một lần nữa, được tiến hành thông qua khám nghiệm tử thi trong phòng thí nghiệm) với "sự phát triển lâm sàng thực tế của bệnh tiểu đường ở những bệnh nhân còn sống". Các nhà nghiên cứu cho biết.

Những phát hiện này rất quan trọng, giúp các bác sĩ xem xét kỹ hơn các bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là những người có các triệu chứng "COVID-19 kéo dài” và nhấn mạnh vai trò của việc tiêm phòng COVID-19 để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Đối với bệnh nhân COVID-19 được chẩn đoán mắc mới bệnh tiểu đường cần được quản lý sớm, thích hợp và theo dõi chặt chẽ để phát hiện bệnh tiểu đường toàn phát và các rối loạn chuyển hóa tim mạch khác trong tương lai. 

 


Dương Sơn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn