Hà Nội

Cảnh báo: Đột quỵ não "tấn công" người trẻ

17-12-2019 07:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Các chuyên gia lĩnh vực thần kinh của Bệnh viện Việt Đức cảnh báo về tình trạng gia tăng đột quỵ não ở người trẻ tuổi. Trong vòng 12 năm qua, số người trẻ bị đột quỵ não tăng tới gần 50%; nhóm tăng cao nhất là những người lạm dụng bia, rượu, hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, tình trạng "béo phì văn phòng".

Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế

Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng máu cung cấp cho một phần não bị gián đoạn hoặc giảm nặng khiến cho vùng não đó bị thiếu ô-xy và dinh dưỡng. Nếu vùng tế bào não bị tổn thương nặng hoặc lan rộng, đột quỵ có thể dẫn đến chết người hoặc để lại những di chứng nặng nề về rối loạn vận động, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác…

Hiện, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế trên thế giới. Theo thống kê gánh nặng bệnh tật toàn cầu 2016, có khoảng 80,1 triệu người trên thế giới hiện mắc đột quỵ ở các lứa tuổi (chiếm khoảng 1,1% dân số), ti lệ nữ/nam là 1,05/1. Tại châu Âu, có 90-290/100.000 người đột quỵ mới mắc hàng năm.

TS Nguyễn Anh Tuấn cùng các đồng nghiệp đánh giá tổn thương của những người bị đột quỵ não

Ở Việt Nam, có tới 230.000 ca tử vong do đột quỵ mỗi năm, đây được cũng được cho là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại nước ta.  TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội - Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Việt Đức cho biết trong vòng 12 năm qua, số lượng người trẻ đột quỵ tăng gần 50%, nhất là đột quỵ não (hay còn gọi là tai biến mạch máu não).

Có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ não, nhưng thường gặp ở những người bị đái tháo đường (nguy cơ gấp 4 lần so với người bình thường), tăng huyết áp (nguy cơ gấp 3 lần), bệnh tim mạch (gấp 6 lần), rối loạn mỡ máu, những người béo phì, ít vận động, hút nhiều thuốc lá, lạm dụng rượu, chất gây nghiện… “Những người trẻ hay lạm dụng bia, thuốc lá hay sử dụng các chất kích thích để "giải sầu" sẽ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn. Bên cạnh đó, những người lười vận động hay tình trạng "béo phì văn phòng", ngồi ì một chỗ chứ không muốn vận động cũng dễ bị đột quỵ”- TS Nguyễn Anh Tuấn nêu thực trạng.

 


Để giúp người dân hiểu rõ hơn về cách phòng, chăm sóc và điều trị các bệnh lý tai biến mạch máu não, ngày 21-22/12/2019, Bệnh viện Việt Đức sẽ tổ chức Chương trình khám và tư vấn miễn phí về các bệnh lý tai biến mạch máu não.

Đến với chương trình, người dân sẽ được khám và tư vấn miễn phí cùng các chuyên gia hàng đầu về thần kinh nhằm phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời các bệnh lý như: Nhồi máu não, xuất huyết não, di chứng tai biến mạch máu não.

Địa điểm: Phòng khám số 13, Tầng 2, nhà C4, Khu khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Việt Đức, 40 Tràng Thi – Hoàn Kiếm – Hà Nội.
Đăng ký trực tiếp qua Tổng đài CSKH 19001902.

 

Cần đưa người bị đột quỵ đến cơ sở y tế trong “giờ vàng”

TS Nguyễn Anh Tuấn cũng lưu ý, trong điều trị tai biến mạch máu não, cần chú trọng tái thông mạch máu càng sớm càng tốt, đối với những trường hợp nhồi máu não cần được đưa đến bệnh viện sớm trong “giờ vàng” (dưới 4,5 giờ sau khi bị đột quỵ) và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học (dưới 6 giờ sau khi bị đột quỵ). Người bệnh tuyệt đối không tự xử lý tại nhà.

Với đột quỵ chảy máu não, tùy vào từng trường hợp, người bệnh có thể được cân nhắc phẫu thuật lấy máu tụ, kẹp túi phình, phẫu thuật cắt bỏ khối dị dạng mạch máu não (nếu có). Bên cạnh đó, cần hạn chế biến chứng, tìm nguyên nhân đột quỵ não để dự phòng đột quỵ tái phát.

Phòng ngừa đột quỵ: Có chế độ ăn uống, vận động hợp lý

TS Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, các triệu chứng của nhồi máu não xảy ra đột ngột, tăng nặng dần, thường gặp như liệt nửa người, liệt các dây thần kinh sọ, méo miệng, nói khó, tê bì rối loạn cảm giác… Triệu chứng có thể rất kín đáo hoặc rầm rộ, rối loạn ý thức trong trường hợp người bệnh tổn thương nhồi máu não rộng, nhồi máu hai bên bán cầu não hoặc nhồi máu thân não.

Nhồi máu não là căn bệnh nguy hiểm có nguy cơ tái phát cao, vì vậy để điều trị dự phòng tái phát, người bệnh cần lưu ý: Điều trị các nguyên nhân gây nhồi máu não: các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, rối loạn lipid máu; Có chế độ ăn uống hợp lý: Thực hiện chế độ giảm chất béo, giảm mặn, giảm tinh bột, đường tăng cường ăn nhiều rau xanh, thể thao mỗi ngày 30 phút, ngưng thuốc lá, rượu bia và tránh béo phì; Tái khám theo định kỳ và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ...

 

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ:
Để nhận biết các dấu hiệu đột quỵ, hãy nhớ tới từ F.A.S.T (Tiếng Anh có nghĩa là nhanh chóng):



- Liệt mặt (Face): Miệng bị lệch sang một bên, nếp nhăn mũi - má mờ.

- Yếu, liệt tay (Arm) hoặc chân: Khi cho bệnh nhân giơ cả hai tay thì một tay yếu hơn không nâng được.

- Rối loạn ngôn ngữ (Speech): nói khó, nói không rõ hoặc không hiểu lời nói.

- Thời điểm phát bệnh (Time): Khi gặp những triệu chứng trên, cần gọi cấp cứu ngay. Người bệnh cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.

 

 

 


Thái Bình
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn