Thực phẩm bẩn đang là nỗi nhức nhối của toàn xã hội. Liên tiếp xuất hiện các vụ vận chuyển, chế biến các loại thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, từ Bắc chí Nam khiến người tiêu dùng hoang mang. Người tiêu dùng dù “thông minh” đến mấy cũng không thể phân biệt được đâu là thực phẩm sạch, thực phẩm nào đã bị phun, tẩm hóa chất, gây hại cho sức khỏe của con người.
Khách mời tham dự chương trình gồm: PGS.TS Phạm Duệ, Bác sĩ cao cấp đến từ Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai; PGS. TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Nghiên cứu phòng, chống ung thư. Chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ; ThS.BS. Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Chương trình được thực hiện với sự tài trợ của nhãn hàng Lifebuoy.
Mong mỏi có chế tài xử phạt mạnh đối với những người sản xuất thực phẩm bẩn
Trong chương trình, PGS.TS Phạm Duệ, Bác sĩ cao cấp đến từ Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trăn trở trước việc chưa có nhà hàng nào bị đóng cửa bị bán thực phẩm bẩn hay chưa, hay là có cơ sở chăn nuôi, trông trọt nào bị đóng cửa vì cung cấp thực phẩm bẩn. TS Duệ bày tt mong mỏi là có chế tài mạnh như thế chứ việc chỉ dựng ở mức độ phạt tiền không thôi thì chưa đủ sức răn đe.
Theo TS Duệ, với những người đã cho những thứ rất bẩn vào thức ăn, ví dụ như người ta cho dầu nhớt vào hạt dưa để cho bóng hay những người phân biệt rau cho nhà ăn và rau mang ra chợ bán, đó là hành vi cố tình và những người ấy không đủ đạo đức để chế biến hay kinh doanh thực phẩm. Những người đó dù có phạt tiền bao nhiêu cũng không đủ mà cần phải mạnh tay hơn nữa.
PGS.TS. Trần Văn Thuấn cũng đồng tình với ý kiến của TS Duệ. TS Thuấn bày tỏ rằng để làm tốt hơn nữa thì chúng ta cần phải tiến hành nhiều biện pháp khác nhau. Thứ nhất là phải tăng xử phạt đủ để có tính răn đe. Thứ hai là phải tăng cường công tác quản lý, điều tra, giám sát. Thứ ba là tăng cường truyền thông để giáo dục đạo đức kinh doanh.
ThS.BS. Lê Thị Hải cho biết: “Tôi nghĩ là những người đã biết là độc hại, là giết người mà vẫn làm thì cần phải bị truy tố trước pháp tội hình sự chứ không phải là dân sự, và phải tước hẳn giấy phép hành nghề chứ không chỉ là phạt. Ngoài ra những người làm công tác quản lý giám sát trong bộ máy công quyền cũng cần phải hết sức công minh, không vì phong bì mà tiếp tay cho thực phẩm bẩn hoành hành, đầu độc chính người dân mình. Việc tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng, của những người sản xuất và kinh doanh thực phẩm cũng là yếu tố hết sức quan trọng để ngăn chặn tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay”.
Các chuyên gia sức khỏe tham dự buổi tư vấn truyền hình trực tiếp "Giữ sức khỏe trước cơn bão thực phẩm bẩn" do Báo Sức khỏe & Đời sống thực hiện.
Làm thế nào để trở thành người tiêu dùng thông thái?
Theo BS Hải, với thực tế bây giờ, dù có thông thái đến mấy thì chúng ta cũng không thể phân biệt được chính xác đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch hoặc thực phẩm đó có bị nhiễm độc hay tiêm thuốc kích thích, chất độc hai hay không…. Tuy nhiên, dù sao, nếu có chút hiểu biết thì chúng ta cũng sẽ chọn được được những thực phẩm đỡ bẩn hơn.
Cụ thể, đối với rau củ quả, nên áp dụng hình thức mua "mùa nào thức đấy", không nên mua trái mùa vì các loại quả trái mùa thường có thuốc kích thích, thuốc tăng trưởng hoặc bị ủ v.v... Không nên mua những loại rau bất thường thì xanh quá, to quá, mướt quá. Ngoài ra, không nên chọn những loại rau dễ bị ngộ độc, nên mua củ quả ăn. Có thể mua củ quả, rửa sạch và để trong tủ lạnh một thời gian để các loại thuốc có thời gian bay bớt.
Đối với cả biển, bằng mắt thường, rất khó để phân biệt cá bị nhiễm độc kim loại nặng hay nhiễm độc loại gì thì rất khó. Để phân biệt được phải xét nghiệm trong phòng xét nghiệm thì mới biết rõ được cá bị nhiễm độc loại kim loại gì v.v... Song về mặt tiêu dùng, chúng ta có thể nhận biết được một số loại cá bị nhiễm kim loại nặng bằng một số đặc điểm sau:
1. Hình dáng con cá bị biến dạng đi. Thường là phần đầu to, phần đuôi quắt lại. Phần thân thì gồng lên.
2. Với những cá biển đã được đông lạnh, nếu không bị nhiễm kim loại nặng, thì phần vẩy vẫn còn xếp đều, không bị tróc thành từng mảng, không có những đốm đen, đốm xuất huyết ở phần thân.
3. Lưu ý phần mang. Nếu cá không bị ngộ độc thì mang cá vẫn còn tươi hồng. Nếu mang cá đã chuyển sang sẫm màu, hoặc có màu đen thì cá đó có thể đã bị chết lâu rồi, bị nhiễm độc hoặc bị ươn.
4. Mắt cá bị chết lâu hoặc nhiễm độc sẽ bị trũng sâu, không còn sáng và trong nữa.
Ngoài ra, thời gian gần đây, trên TV, trên báo, chúng ta được nghe rất nhiều đến việc chất vàng O được dùng để ngâm măng, hay tẩm thịt gà để thịt có màu vàng đẹp. Chúng ta đều biết rằng, chất vàng O là một cất nhuộm, dùng trong công nghiệp là chính, dùng để nhuộm vải, nhuộm giấy, nhuộm sơn v.v..., và bị cấm cho vào thực phẩm vì tính vô cùng độc hại của nó. Tuy nhiên, để thực phẩm trở nên bắt mắt với người tiêu dùng, một số người sản xuất đã dùng để cho vào thực phẩm. Tôi cho rằng đây là một chất vô cùng độc hại.
Để phân biệt măng không bị nhuộm chất vàng O và măng bị nhuộm chất vàng O, trước tiên hết chúng ta dựa vào màu sắc của măng. Măng để lên men chua tự nhiên có màu vàng nhạt, có mùi hơi chua chua. Đối với măng nhuộm chất vàng O, khi chúng ta đem rửa và luộc thì nước rửa và luộc măng cũng có màu vàng luôn.
Còn măng lên men chua tự nhiên thì nước rửa, luộc măng không có màu vàng, trong khi măng sau khi luộc lại trở nên vàng hơn. Trong khi, măng nhuộm chất vàng O thì sau khi luộc thì măng lại trở nên nhạt màu hơn, thậm chí còn chuyển sang thâm đen.
Theo BS Hải, nếu an toàn nhất thì chúng ta nên mua măng tươi và tự muối là tốt hơn cả.
Cách nhận biết thịt lợn sạch bao gồm những bước sau: Không nên mua thịt nạc quá. Loại thịt có lớp mỡ sát bì không nên mua, nên mua loại thịt có lớp mỡ dày từ 1,5 - 2cm. Màu sắc thịt mà không bị nhiễm salbutamol sẽ có màu hồng tươi, còn thịt bị nhiễm salbutamol thì có màu hồng đậm. Bên cạnh đó, thịt sạch sẽ không có dịch chảy ra còn thịt nhiễm salbutamol sẽ có chất dịch màu vàng. Thịt có khoảng long giữa mỡ và thịt nạc cũng không nên mua. Khi mua, chúng ta nên dùng tay ấn vào thịt, nếu thịt tươi sẽ dẻo, mềm, dính vào tay và khi chúng ta bỏ tay ra thì vết lõm trở lại ngay như cũ. Còn thịt bơm nước, thịt nhiễm bẩn thì không dính tay và vết lõm phải lâu sau mới trở về cũ. Khi thái miếng thịt sạch, miếng thịt sẽ đứng, chứ không bị đổ.
Hiện nay, không ít người sản xuất đã dùng chất tẩy trẳng để làm sợi bún, phở trở nên trắng, bóng đẹp. Chất tẩy trắng huỳnh quang khi cho vào sợi bún sẽ làm sợi bún trở nên trắng tinh, dai. Vậy cách tốt nhất để phân biệt là bạn không nên mua những loại bún trắng bóng đến mức phát sáng lên, và khi sờ mà sợi bún lại không dính, khi ngửi mà bún không hề có mùi chua dịu dịu của gạo. Ngoài ra, các bạn có thể dùng máy soi tiền để soi bún thì có thể phát hiện bún có dùng chất tẩy trắng huỳnh quang hay không. Đối với bún dùng hàn the, bạn có thể rắc bột nghệ vào và nếu bột nghệ chuyển sang xanh tím, thì chắc chắn loại bún đó đã bị dùng hàn the.
Ngộ độc thực phẩm – Tác hại và cách sơ cứu
Trong chương trình, không ít bạn đọc đã gửi câu hỏi hỏi về tình trạng ngộ độc thực phẩm, tác hại và cách sơ cứu triệu chứng bệnh này. TS Duệ cho hay rằng hiện nay, ngộ độc thực phẩm đang chiếm tỉ lệ cao nhất trong các loại ngộ độc. Việc sơ cứu ngộ độc nói chung hay ngộ độc thực phẩm nói riêng có mấy nguyên tắc sau: Thứ nhất, ngừng tiếp xúc (ngừng ăn khi phát hiện thức ăn có mùi vị lạ) và nhanh chóng loại bỏ độc chất bằng gây nôn (móc họng hoặc cạo mùn thớt cho uống) và cho uống than hoạt (liều thông thường cho ngộ độc thực phẩm là 1-2 gram than hoạt cho 1 kg cân nặng, liều cao hơn chỉ dùng trong cơ sở y tế theo chỉ định của bác sĩ, nên uống than hoạt dạng nhũ tương). Thứ hai, vì ngộ độc thực phẩm triệu chứng rất đa dạng nên cần phải được khám xét vì nhiều triệu chứng chúng ta không thể nhận biết được mà phải khám và xét nghiệm.
Với trẻ 2-10 tuổi thì uống oresol cũng như người lớn vì oresol là để bù nước và điện giải, mất đi bao nhiêu thì bù bấy nhiêu, còn khát nước thì còn uống, chỉ uống oresol khi bị ngộ độc thực phẩm và tiêu chảy nhiều, nhưng với trẻ càng nôn nhiều thì lại không nên ép cháu uống vì cháu sẽ nôn nhiều hơn và có nguy cơ sặc vào phổi. Như vậy trường hợp cháu bị ngộ độc thực phẩm mà vừa nôn vừa tiêu chảy thì cần nhanh chóng đưa cháu đến cơ sở y tế để cháu được an toàn hơn.
Còn nếu cháu không bị nôn mà phải uống oresol thì chúng ta phải theo dõi lượng phân và nước tiểu bị tiêu ra để bù lượng oresol tương ứng, còn nếu không theo dõi được thì khi trẻ khát, hoặc theo dõi thấy trẻ khô môi, khô lưỡi, ít nước bọt thì chúng ta cho uống. Hoặc trẻ từ sáng đến chiều mà không thấy đi tiểu thì cũng phải tăng oresol lên vì chứng tỏ có mất nước rồi, mà mất nước trong tiêu chảy thì bao gồm cả mất điện giải.
Dung dịch oresol có cả nước, điện giải và một chút đường glucose để tiếp thêm năng lượng trong khi đường tiêu hoá bị tổn hại, không ăn uống được, nguyên tắc bù nước và điện giải chung cho cả người lớn và trẻ em khi bị tiêu chảy nhiều là mất bao nhiêu thì bù bấy nhiêu. Những trường hợp nặng hơn thì vừa phải cho uống oresol vừa phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám, điều trị kịp thời.
Trước câu hỏi của một bạn đọc về việc nếu ăn phải các loại hải sản nhiễm kim loại nặng hoặc loại hải sản đánh bắt bằng thuốc diệt cỏ thì có bị ngộ độc không và cách xử trí như thế nào, TS Duệ cho biết người ăn có thể bị ngộ độc còn mức độ ngộ độc tuỳ theo con cá đấy bị nhiễm độc cấp hay nhiễm độc mạn, nồng độ độc chất trong thịt cá là bao nhiêu, câu trả lời cụ thể thì rất khó vì cá chết có rất nhiều nguyên nhân. Thông thường những ngộ độc do nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm nói chung chứ không riêng gì cá thường dẫn đến bệnh lý mạn tính hơn là cấp tính. Đã từng có căn bệnh mang tên địa danh ở Nhật Bản (minamata) chính là do ăn hải sản ở vùng biển nhiễm chất thải công nghiệp, rong rêu ở đấy bị nhiễm thuỷ ngân và cá ăn rong rêu ở đấy cũng bị nhiễm thuỷ ngân và cư dân ở vùng đó ăn hải sản vào bị nhiễm những chứng bệnh thần kinh. Bệnh đấy sau khi được các nhà khoa học Nhật Bản nghiên cứu hàng chục năm đã đưa ra kết luận là bệnh nhiễm độc thuỷ ngân từ cá bị nhiễm độc thuỷ ngân, gọi là bệnh minamata.
BS Hải tư vấn thêm rằng khi bị ngộ độc, bạn phải bù nước bằng các gói oresol... và nên ăn cháo thịt nạc, ăn cháo lườn gà nấu với cà rốt, khoai tây...Nếu nguy kịch hơn, bạn cần thiết phải đi bệnh viện để thăm khám.
Theo các chuyên gia sức khỏe, việc tay không rửa cũng là một con đường gây ngộ độc thức ăn vì tay nếu không rửa thì có thể bị ô nhiễm vi khuẩn hoặc virus và truyền sang thực phẩm. Bởi phần lớn thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày mà gây ngộ độc thì đều bị nhiễm khuẩn, gây sốt, tiêu chảy…, ngoài ra, tay chúng ta có thể vấy bẩn các độc tố tự nhiên, hoá chất trong công việc, trong công nghiệp…. Vì vậy tốt nhất chúng ta nên rửa tay trước khi ăn,. BS Hải lưu ý việc vửa tay rất quan trọng song việc rửa tay đúng cách còn quan trọng hơn. Phải rửa bằng xà phòng và quy trình rửa kỹ, rửa tay xong thì lau tay bằng khăn sạch, tránh thói quen lau tay vào quần áo vì như thế thì rửa tay cũng bằng không.
TS Thuấn khẳng định chúng ta cần thiết phải tập thói quen rửa tay trước khi ăn và rửa tay đúng cách để tránh ngộ độc thực phẩm. Nhiều khi mùi thơm của xà phòng và chất sát khuẩn sẽ tạo cảm giác ngon miệng cho chúng ta trong bữa ăn.