Hà Nội

Cần thu hút nhân tài vào quản trị đất nước

10-11-2020 17:20 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 10/11, sau phần trả lời của các phó thủ tướng và một số bộ trưởng, trưởng ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời đại biểu Quốc hội. Theo Thủ tướng, trong bối cảnh khó khăn, chúng ta đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong 5 năm trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Việt Nam được coi là 1 trong những nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Tuy nhiên, Chính phủ và tất cả chúng ta vẫn phải nỗ lực rất nhiều, "bằng cả trái tim và khối óc".

Cần thu hút nhân tài vào quản trị đất nước

Trả lời chất vấn về gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ chậm, Thủ tướng nhìn nhận việc hỗ trợ cho người dân doanh nghiệp chưa tốt, chưa kịp thời nên Chính phủ đã sửa đổi theo hướng có thuận lợi hơn cho người được hỗ trợ. “Chúng tôi thấy rõ tồn tại này để sửa đổi phù hợp hơn”, Thủ tướng nói.

Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí và Lê Thanh Vân về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, Thủ tướng đánh giá đây là việc quan trọng. Chính phủ đã xây dựng đề án trình Bộ Chính trị. Theo người đứng đầu Chính phủ, nhân tài không nhất thiết trong cơ quan Đảng, Nhà nước. Nhân tài có thể ở doanh nghiệp tư nhân, đầu tư nước ngoài, cần thu hút nhiều người tài tham gia vào quản trị đất nước.

“Mục tiêu kép”

Trả lời một số đại biểu về “mục tiêu kép”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Tại một số nước ở EU và Nhật Bản, Campuchia... dịch đã quay trở lại. Mục tiêu kép là vừa không để dịch lây lan ra cộng đồng, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đây là mục tiêu ưu tiên hàng đầu, nhưng cũng vừa giữ được nền kinh tế không tăng trưởng âm.

“Chúng ta phải giữ vững ổn định xã hội, nhất là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng trưởng mức cần thiết”, ông chia sẻ.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần đề cao tự lực, tự cường, xây dựng nền kinh tế tự chủ, an toàn hơn trong chuỗi cung ứng, bảo đảm an ninh lương thực, khai thác tốt thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Hiện tại, một tín hiệu vui là Việt Nam đã xuất siêu gần 20 tỷ USD.

Thủ tướng nói cần coi trọng nông nghiệp, dịch vụ, kết hợp với công nghiệp, kinh tế số… Phát triển đô thị, mật độ thấp hơn, đường giao thông và công viên cây xanh nhiều hơn. Chú trọng phát triển nông thôn mới, kết hợp với hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng hạ tầng văn hóa nông thôn, hạ tầng nông nghiệp kết hợp với công nghiệp chế biến. Trong bối cảnh dịch Covid-19, chúng ta cũng chú trọng phát triển kinh tế số, ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành như y tế, giáo dục, du lịch, hành chính…

Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh việc sớm có vắc xin Covid-19 do Việt Nam sản xuất để có thể chủ động trong việc phòng chống dịch.

Thiên tai cướp đi tính mạng nhiều người dân vô tội

Nhắc đến việc thời gian gần đây thiên tai và thời tiết khắc nghiệt, tần suất dày hơn, Thủ tướng nêu thực tế đau lòng khi thiên tai, bão lũ cướp đi sinh mạng nhiều người dân vô tội. Đau xót nhất khi nhiều thi thể trẻ em được tìm thấy tại hiện trường các vụ sạt lở.

“Có đến 6 thi thể trẻ nhỏ, chưa được học hết trên lớp, chưa chơi xong trò chơi và nhiều ước mơ chưa thực hiện được”, Thủ tướng chia sẻ.

Theo ông, thiên tai, bão lũ xảy ra do biến đổi khí hậu cực đoan và nhiều lý do khác, tạo ra nhiều tranh luận về thủy điện nhỏ. Song, dù nguyên nhân trực tiếp là gì, Thủ tướng vẫn quán triệt phải bảo vệ rừng nghiêm ngặt.

“Đầu nhiệm kỳ tôi yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên và nhất quán quan điểm này. Độ che phủ tăng trở lại, song còn thấp nên phải tiếp tục trồng cây gây rừng như lời dạy của Bác Hồ”, Thủ tướng nhấn mạnh và đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới.

Về hạ tầng, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung vào hạ tầng trọng yếu như sân bay Long Thành, các tuyến cao tốc, phấn đấu 2030 có 5.000 km đường cao tốc. Cùng với đó, tăng cường hạ tầng thủy, bảo đảm an toàn hồ chứa, chống ùn tắc giao thông, đẩy mạnh hạ tầng số, kết nối đồng bộ...

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý không bỏ sót các dự án nhỏ - nơi tạo ra việc làm và đáp ứng nhu cầu của bà con. Thủ tướng chia sẻ xót xa khi thấy trẻ đu dây đến tường ở Tây Bắc, chèo xuồng ở ĐBSCL…

Thách thức lớn nhất là thiếu ý chí vươn lên, thiếu quyết tâm hành động

Trước những băn khoăn về đề ra mức tăng trưởng còn thấp, Thủ tướng cho biết mức đề ra còn khiêm tốn so với tiềm năng. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh còn phức tạp, căng thẳng; diễn biến chính trị trong khu vực và trên thế giới còn khó lường có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu và khu vực.

Chính phủ chỉ đạo xây dựng các kịch bản, phương án để chủ động thực hiện chiến lược, hoàn thành mục tiêu tốt nhất. “Thách thức lớn nhất không phải thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, thoát khỏi sự tụt hậu về kinh tế, mà là thiếu ý chí vươn lên, thiếu quyết tâm hành động”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Do đó, dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng đề ra 2030 nước ta thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 2045 thành nước phát triển có thu nhập cao. Thủ tướng nhắc đến xu thế hiện nay là cần kiên trì biện pháp nhằm củng cố niềm tin của nhân dân và sự lạc quan, tin tưởng của các nhà đầu tư; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, loại trừ xung đột chồng chéo, ưu tiên đầu tư triển khai nhanh kết cấu hạ tầng chiến lược về cả số lượng, chất lượng và đồng bộ.

Thu nhập đầu người của Việt Nam tăng gần 145%

Theo người đứng đầu Chính phủ, chúng ta đều đang thấy nguồn năng lượng rất lớn ở thế hệ trẻ hiện nay. Vì vậy, trong lễ khai mạc ngày hội khởi nghiệp, ông đã khơi dậy, hun đúc tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ của thanh niên Việt Nam.

Chứng kiến nhiều công trình khởi nghiệp táo bạo của thế hệ trẻ, Thủ tướng cho rằng cần trang bị kỹ năng cần thiết cho thanh niên, tạo nhiều việc làm mới thông qua đầu tư tư nhân, có cơ chế thu hút nhân tài.

Trong hơn 4 năm qua, chúng ta đã tạo hơn 8 triệu việc làm mới cho người lao động, năng suất lao động được cải thiện rõ nét, tăng 5,8%/năm - cao hơn nhiều mức 4,3% giai đoạn trước.

“Nhiệm kỳ qua, thu nhập đầu người bình quân của Việt Nam tăng gần 145%. Nhìn trên tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới, thu nhập người dân Việt Nam tương đương gần 9.000 USD”, Thủ tướng thông tin.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, người đứng đầu Chính phủ cho biết tầng lớp trung lưu của Việt Nam hiện nay xấp xỉ dân số của một số quốc gia trong nhóm “4 con hổ châu Á” cộng lại. Đến năm 2045, chiếm trên 50% dân số - tức tương đương dân số của Hàn Quốc. Với kết quả tỷ lệ hộ nghèo bền vững giảm, Thủ tướng nêu quyết tâm sẽ không ngừng nghỉ để giảm nghèo.

Tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong 5 năm

Báo cáo một số vấn đề trước khi trực tiếp trả lời chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm lại nhiều kết quả đã đạt được trên các lĩnh vực trong năm 2020.

Theo người đứng đầu Chính phủ, không chỉ năm 2020, mà ngay từ bắt đầu nhiệm kỳ, chúng ta đã đối đầu với những thách thức lớn chưa từng thấy như hạn mặn ở ĐBSCL, sự cố môi trường Formosa, thiên tai, sạt lở đất. Tuy nhiên, chúng ta đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong 5 năm trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.

“Việt Nam được coi là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Năm 2020, Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất, kiên trì duy trì tăng trưởng dương ở mức khá”, Thủ tướng nhận định.

Ông nhắc lại bài học, sức mạnh của tinh thần đoàn kết được khẳng định trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt trong năm 2020 khi Việt Nam đối phó dịch Covid-19 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam cũng hoàn thành tốt các trọng trách như chủ nhà APEC, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc…


Dương Tuấn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn