Thuốc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây hạ kali máu?
Có nhiều loại thuốc có tác dụng không mong muốn là gây hạ kali máu khi áp dụng điều trị cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (TNMT). Thuốc thường xuyên được sử dụng là các thuốc giãn phế quản.
Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Nhóm thuốc giãn phế quản loại kích thích thụ thể beta-2 giao cảm gây hạ kali máu thông qua việc tăng vận chuyển kali vào trong tế bào nhờ kích thích bơm ion Na / K -ATPase. Với một liều khí dung albuterol đơn thuần có thể làm kali máu hạ từ 0,2 - 0,4 mEq/L và khi dùng liều nhắc lại có thể làm kali máu giảm tới 1 mEq/L trong vòng 1 giờ. Theophylin - một loại thuốc giãn phế quản nhóm xathin cũng làm kali máu giảm với cơ chế tương tự là đẩy kali máu vào trong tế bào. Sử dụng lâu dài theophylin làm hạ kali máu đáng kể.
Các thuốc steroid như prednison, hydrocortison, methylprednisolon... thường được dùng phối hợp trong dự phòng và điều trị đợt cấp bệnh phổi TNMT có thể gây giảm kali máu tới 0,4 mE/L nếu dùng kéo dài. Các thuốc loại này gây giảm kali máu thông qua cơ chế làm tăng đào thải kali ở thận.
Ở một số bệnh nhân bệnh phổi TNMT có tình trạng phù do có suy tim, suy thận hoặc có tình trạng thừa dịch kèm theo, các thuốc lợi tiểu được sử dụng và hầu hết các thuốc lợi tiểu mạnh như thiazide, furosemide đều gây tăng đào thải kali qua nước tiểu và đương nhiên làm kali máu giảm mạnh. Trường hợp này, cơ thể mất kali ra ngoài hay kali máu giảm “thật”.
Khi có nhiễm khuẩn phổi ở bệnh nhân bệnh phổi TNMT, các thuốc kháng sinh sẽ được sử dụng và các thuốc này có thể làm giảm kali máu. Ở liều cao penicillin, ampicillin, nafcillin, carbenicillin có thể làm tăng đào thải kali qua ống thận. Tác dụng tương tự cũng có thể xảy ra với các kháng sinh loại aminoglycoside và amphotericin B.
Hình ảnh phổi trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. |
Hậu quả của hạ kali máu ở bệnh nhân bệnh phổi TNMT?
Trên cơ sở một bệnh nhân có bệnh phổi TNMT, nồng độ ôxy bão hòa máu động mạch thường xuyên ở mức thấp thì việc hạ kali máu ảnh hưởng rất lớn tới bệnh nhân. Trước hết, hạ kali máu gây yếu cơ, liệt cơ nên làm giảm hoạt động của các cơ hô hấp làm bệnh nhân vốn đã bị suy hô hấp thường xuyên càng thêm khó thở. Như vậy, từ tình trạng bệnh phổi TNMT, bệnh nhân sẽ bị bùng phát “đợt cấp” và phải nhập viện. Kali máu giảm gây loạn nhịp nguy hiểm ở bệnh nhân bệnh phổi TNMT và nhiều trường hợp là nguyên nhân tử vong nếu lượng kali máu quá thấp, không được bổ sung kịp thời.
Dự phòng và điều trị ra sao?
Rất cần thiết phải dự phòng hạ kali máu khi đang sử dụng các thuốc nói trên ở bệnh nhân bệnh phổi TNMT. Vấn đề cơ bản là theo dõi thật sát nồng độ kali máu, sau đó có kế hoạch bổ sung qua thức ăn giàu kali như chuối, đu đủ… Bổ sung kali qua đường uống cũng thường được khuyến cáo. Khi lượng kali máu quá thấp hoặc khi đã có biểu hiện triệu chứng của hạ kali như rối loạn nhịp tim, liệt hai chi dưới…, nhất thiết phải bù kali bằng đường truyền tĩnh mạch. Tốt nhất là đặt một đường truyền vào tĩnh mạch lớn như tĩnh mạch cảnh trong, tĩnh mạch dưới đòn để lượng kali truyền vào được hòa loãng nhanh, tránh gây kích ứng tĩnh mạch. Không nhất thiết phải dừng các thuốc đang được sử dụng để điều trị bệnh phổi TNMT trong quá trình bù thêm lượng kali thiếu hụt.
|