"Cần có một tấm lòng..."

08-08-2010 14:13 | Thời sự
google news

Đằng sau vẻ rắn rỏi và cương nghị của một võ sư, tôi đọc thấy trong mắt ông sự hiền từ và lòng đôn hậu của một lương y từ tâm. Sau này, chắc sẽ còn nhiều người nhắc đến ông, ca ngợi việc ông "cứu nhân độ thế" và cống hiến cho nền y học cổ truyền nước nhà.

Đằng sau vẻ rắn rỏi và cương nghị của một võ sư, tôi đọc thấy trong mắt ông sự hiền từ và lòng đôn hậu của một lương y từ tâm. Sau này, chắc sẽ còn nhiều người nhắc đến ông, ca ngợi việc ông "cứu nhân độ thế" và cống hiến cho nền y học cổ truyền nước nhà. Ông chính là lương y, TS. Nguyễn Hữu Khai, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Tập đoàn Y dược Bảo Long.

Thương hiệu Bảo Long là kết quả của một chặng đường dài gian khó. Dựa vào đó, các nhà làm phim đã dựng lên một câu chuyện với nhan đề Đường đời (bộ phim truyền hình nhiều tập) với nguyên mẫu chính là lương y, TS. Nguyễn Hữu Khai.

"Nghèo vốn, giàu lòng"

Trong tâm tưởng của tôi, ông phải là người trải đời, phong trần và rất "chịu chơi"! Thậm chí, hồi tôi còn là sinh viên, cuộc đời và sự nghiệp của ông đã trở thành một hiện tượng mà rất nhiều người tò mò muốn giải mã cho bằng được. Vừa chữa bệnh, nghiên cứu thuốc, sáng lập "Bảo Long y võ", là tổng giám đốc của một tập đoàn tiếng tăm, ông lại vừa làm thơ, viết báo... Ở lĩnh vực nào ông cũng có niềm đam mê và tâm huyết hết mình. Động lực, ý chí nào đã "mài giũa" nên con người đa tài, đa năng ấy?

 Lương y, TS. Nguyễn Hữu Khai, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Tập đoàn Y dược Bảo Long.
Mang theo câu hỏi ấy trong đầu, cầm khư khư quyển truyện thơ Tình quê của lương y, TS. Nguyễn Hữu Khai trong tay, tôi lên chuyến xe xuôi về xã Cổ Đông (Sơn Tây - Hà Nội), tìm đến Bệnh viện Đông dược Bảo Long, nơi ông đang tâm huyết với nghề. Chừng 1 tiếng đồng hồ sau, tôi đã có mặt trước cổng bệnh viện khang trang, sạch sẽ, quanh khuôn viên được trồng nhiều cây xanh rợp  bóng; có sân tennis, bóng đá... Trời ngả về chiều, bệnh nhân vào khám còn khá đông, họ xếp hàng rất trật tự. Nhân viên bệnh viện đi lại, nói năng nhỏ nhẹ, dễ nghe. Quang cảnh đó thật khác xa những gì mà tôi được chứng kiến tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội.

Người cán bộ trợ lý, trong lúc tiếp chuyện chúng tôi đã chỉ tay về phía chồng bản thảo để ngổn ngang trên bàn và nói: "Thơ của bác Khai đấy. Bận bịu nhưng hễ rảnh ra một chút là bác ấy lại làm thơ''. Tôi lật vội vài trang, lẩm nhẩm đọc:

"... Làm trai như một cái nơm

Sông dài, đồng rộng cá cơm

                             thiếu gì"

Và "Bóng rơm ấp ủ đàn gà

Bếp tranh nhả khói la đà ngọn

                                           tre"...

Tôi nhắm mắt lại tưởng tượng, hình dung ra một làng quê nghèo nằm sau dãy núi đá vôi, có đàn gà mẹ dẫn con đi kiếm mồi và khói lam chiều la đà vấn vương nơi ngọn tre, rặng dừa. Nơi ấy đã sinh ra một Nguyễn Hữu Khai...

"Tôi làm việc với anh Khai đã nhiều năm. Anh là người nặng tình nặng nghĩa với quê hương. Khi khốn khó thì lăn lộn kiếm sống. Lúc ổn định thì lại tìm đường về quê. Đối với ngay chính bản thân, anh Khai căn cơ từng đồng, nhưng lại sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu đồng, thậm chí cả tài sản để giúp đỡ, góp phần xây dựng quê hương. Dạo nọ, anh Khai đã cho xây lại một phòng mạch ở quê nhà. Chủ nhật nào anh cũng về, tự tay bắt mạch, bốc thuốc cho bà con chòm xóm" - anh cán bộ trợ lý khẽ khàng nói.

Trong đời, tôi chưa bao giờ gặp một vị tổng giám đốc nào giản dị, dân dã và chu đáo như anh Khai. Trò chuyện hay tiếp xúc với những nhân viên trẻ của mình, lúc nào anh cũng tự xưng là "thầy" và gọi họ là "con". Cái sự ấy thật thân tình, đằm thắm và ấm cúng như trong một gia đình - điều không dễ tìm thấy ở nhiều doanh nghiệp đang chạy theo cơ chế thị trường hiện nay.

Như một cơ duyên...

Ông vốn là một sinh viên Trường Đại học Kiến trúc, nhưng vì hoàn cảnh gia đình lúc đó nghèo quá nên đành bỏ học giữa chừng. Ký ức một thời trong ông chẳng thể nào quên.

TS. Nguyễn Hữu Khai nhớ lại: "Ngày ấy, phần lớn người dân quê tôi đều lâm cảnh nghèo, ốm đau không có tiền chạy chữa. Bà tôi đau bụng, nhưng không một bệnh viện nào chữa khỏi. Quẫn trí, cụ uống luôn nửa chai dầu hỏa, may mà không... chết. Rồi đến cả cô em gái tôi, mắt không may mắc chứng bệnh kéo màng... Chứng kiến cảnh nhà, cảnh quê neo túng, lam lũ, tôi suy nghĩ và đi đến quyết định: Sang Trung Quốc tìm thầy, theo học nghề thuốc. Thật may cho tôi là đã tìm được một ông thầy vừa giỏi võ, lại vừa giỏi nghề. Sau những tháng ngày miệt mài học hỏi, tôi trở về quê, sốt sắng mở ngay phòng mạch. Nhưng mà nghèo quá, nghèo tới mức đến 1 cái kim để châm cứu cũng không có. Tôi lại cất công lần mò vào tận rừng sâu tìm cây thuốc với mục đích nhằm thay thế các vị thuốc đắt tiền, khó mua. Đã không ít lần tôi bị rắn độc cắn; thậm chí nếm phải lá độc, lưỡi co rụt lại, suýt chết mấy lần. Lâu dần thành quen - trở thành kinh nghiệm. Sau này, chỉ cần nhìn màu sắc lá, tôi cũng có thể đoán khá chính xác thứ lá đó có thể chữa bệnh gì. Vừa làm vừa suy ngẫm, đúc rút những kinh nghiệm cho bản thân. Cứ thế, tôi mày mò tìm kiếm lá thuốc, rồi ghi ghi chép chép thành những bài thuốc. Nhờ đó mà tôi đã chữa khỏi bệnh cho khá nhiều người ở quê. Còn nhớ, một lần khi xem tử vi cho tôi, ông nội tôi nói rằng tôi "hợp với nghề thầy thuốc hoặc thầy cãi" - sau này ngẫm lại thấy đúng quá!"...

Giã từ quê hương ra đi, ông chỉ có một ước mơ rất nhỏ, đó là tìm được thuốc để cứu người. Khi có một chút vốn liếng về nghề thuốc, ông mong tìm được một khu rừng hay trái núi nào đó để mở lớp dạy về Đông y và môn võ. Nhưng khi có công ty rồi, ông lại mong muốn thành lập trường cao đẳng Đông y, muốn có trung tâm thể thao, có võ sư truyền thụ nội công để các lương y có công lực chữa bệnh... Khi có bệnh viện vài chục giường bệnh thì ông lại... đòi lên hàng trăm, thậm chí hàng nghìn... Nhiều người bảo "ông tham quá!". Còn ông, ông chỉ cười mà rằng: "Tôi có tham tiền đâu, tôi chỉ tham làm việc thôi. Tiền bạc đối với tôi không quan trọng. Thương hiệu Bảo Long mới là tài sản của cả cuộc đời tôi. Đã nhiều lúc, tôi trắng tay vì nó và rồi lại tự đứng lên vì nó. Bởi vậy mà không ít lần tôi muốn trao trọng trách điều hành Tập đoàn cho ai đó. Việc tôi nắm giữ cương vị này có khi lại là một lãng phí lớn. Bởi ham muốn của tôi là toàn tâm, toàn sức cho việc trị bệnh, cứu người". 

Chuyện kể rằng...

Một lần, ông lên núi hái thuốc bị ngã, may nhờ giỏi võ nên thoát chết. Sau lần đó, ông đã phát hiện ra vùng dược liệu quý Sìn Hồ (Lai Châu). Vậy là cơ hội đã đến và ông quyết định thành lập Công ty TNHH Dược liệu Sìn Hồ...

Công ty TNHH Dược liệu Sìn Hồ trực thuộc Tập đoàn Bảo Long, được thành lập vào ngày 10/10/2005 với hơn 100 công nhân. Đây là nơi cung cấp nguyên liệu chính cho sản xuất thuốc của Bảo Long. Sự ra đời  của Công ty - có thể nói - chính là một viên đá tảng, có ý nghĩa vô cùng quan trọng: chấm dứt tình trạng khan hiếm nguồn dược liệu, hạn chế đáng kể việc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc và các nước. Về lâu dài mà nói, nếu được đầu tư lớn theo hướng phát triển bền vững thì Sìn Hồ không những cung cấp đủ nguồn nguyên liệu cho chế biến dược liệu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu. Đây cũng chính là kế hoạch, lộ trình đang hướng tới của Bảo Long.

Ở Bệnh viện Đông dược Bảo Long, mọi người đều gọi ông là thầy Khai. Đó là niềm vui lớn nhất đối với một thầy thuốc. Còn lý do vì sao ông trở thành thầy dạy võ là bởi vì ông quan niệm rằng: Nghề y và nghề võ luôn có sự bổ trợ đắc lực cho nhau. Học võ là để có thêm công lực chữa bệnh, để học lấy cái đạo, cái cốt cách ngay thẳng, cương trực và công tâm mà giữ lấy lòng mình trong việc trị bệnh cứu người. Cứu người còn hơn cả cứu hỏa! Không năng động, nhanh nhẹn, không có sức khỏe thì không thể cứu người trong gang tấc. 

Tôi cứ nhìn mãi đôi bàn tay gân guốc của ông. Mười ngón tay thon dài và rất mảnh. Không biết tôi có nhìn lầm hay không, nhưng dường như ngón út có hơi dài so với ngón áp út thì phải. Các cụ bảo, ai có bàn tay như thế thì rất đào hoa lẫn tài hoa. Câu nói này có lẽ đúng với cuộc đời ông. Có tận mắt nhìn ông bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc mới thấy hết sự nhiệt tình và hết mình của vị lương y này. Từ sáng đến tối, hễ có mặt ở bệnh viện là ông lao vào khám, chữa bệnh. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo, vậy mà hầu như ngày nào cũng 1 - 2 giờ chiều ông mới ăn cơm trưa. Khổ một nỗi là bệnh nhân nào cũng tín nhiệm thầy và "đòi" phải tự tay thầy khám cho mới yên tâm. Thậm chí, có người còn tình nguyện "ăn chực, nằm chờ" cả tuần lễ ở bệnh viện để đợi thầy Khai khám.

Đường đời sang trang

Qua hơn 16 năm phát triển, đến nay, Tập đoàn Y dược Bảo Long đã xây dựng được một thương hiệu danh tiếng cả trong và ngoài nước. Bảo Long hiện có 7 đơn vị thành viên, hoạt động trên nhiều lĩnh vực: văn hóa, thể thao, giáo dục và đặc biệt là y tế. Hiện đội ngũ nhân lực của Tập đoàn đã được trải dài trên cả nước với hơn 1.000 lao động, mức thu nhập bình quân đạt khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Tập đoàn lấy phương châm chủ đạo là "Kế thừa và tôn vinh nền y học cổ truyền Việt Nam" làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Đồng thời, Tập đoàn cũng luôn biết kết hợp với khoa học - công nghệ hiện đại nhằm chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng một cách hiệu quả nhất.  

Lương y, TS. Nguyễn Hữu Khai cho biết, hiện 85% nguồn dược liệu trong nước đang phải nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, Công ty TNHH Dược liệu Sìn Hồ - chuyên thu hái dược liệu sạch trên diện tích 500 ha tại Sìn Hồ đang hoạt động có hiệu quả - chính là lời giải của bài toán "khát nguồn dược liệu". Hàng trăm con em các dân tộc thiểu số trong vùng đã được Tập đoàn nhận vào nhằm đào tạo phương pháp gieo trồng, bảo quản và chế biến dược liệu.

Nếu như trước đây, vùng đất Sìn Hồ chỉ trồng cây thuốc phiện - loại cây gây ra hàng loạt cái chết trắng cho cộng đồng thì đến nay, vùng đất này đã được phủ xanh bởi nhiều loại dược liệu quý hiếm, có khả năng cứu người. Cũng trên mảnh đất này, Tập đoàn đã cho xây dựng một công ty chuyên sản xuất thuốc Đông dược và mỹ phẩm từ thảo dược với trang thiết bị, công nghệ hiện đại vào bậc nhất hiện nay. Bởi vậy, sản phẩm của Tập đoàn không chỉ có uy tín trong nước mà còn xuất khẩu sang Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Séc, các nước SNG... Người tiêu dùng tại các quốc gia này đều có ấn tượng rất tốt về sản phẩm của Bảo Long.

Tuy nhiên, theo lương y, TS. Nguyễn Hữu Khai thì việc xuất khẩu thuốc Đông dược của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân đó là Đông dược Việt Nam chưa hề có một đơn vị nào sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP. Trong khi rất nhiều quốc gia lại quy định phải có tiêu chuẩn này mới được xuất khẩu thuốc vào nước họ. Từ suy nghĩ đó, Tập đoàn Y dược Bảo Long đã mạnh dạn đầu tư 60 tỷ đồng để xây dựng xưởng sản xuất Đông dược đạt tiêu chuẩn GMP.      

Viết tiếp những trang mới trong câu chuyện Đường đời, lương y, TS. Nguyễn Hữu Khai cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên luôn không ngừng phát huy thành tích đã đạt được. Bệnh viện đa khoa Bảo Long đang được nâng cấp từ quy mô 50 giường bệnh lên 200 giường bệnh. Tuy gặp không ít khó khăn trong việc xin giấy phép, song có thể khẳng định rằng, thời gian không xa, Trường Cao đẳng Y dược Bảo Long sẽ ra đời. Tập đoàn Y dược Bảo Long với thương hiệu vững mạnh sẽ củng cố vững chắc hơn trong sự nghiệp "chữa bệnh, cứu người!"...

 "Bảo Long y võ"

Khi được hỏi về cảm nghĩ của mình trước sự tín nhiệm của người bệnh, TS. Nguyễn Hữu Khai khiêm tốn bộc bạch: "Ở đời, tôi sợ nhất là không ai tin mình nữa. Với tôi, mất tiền, mất của là chưa mất gì, mất lòng tin là mất một nửa, mất ý chí là mất tất cả"...

Tôi ngồi nghe ông giảng những bài thuốc dân gian bằng chữa mẹo, cả những chuyện ông đi tìm thuốc trên núi rồi suýt ngã xuống vực sâu, nằm mãi mới đứng dậy được... một cách chăm chú như con chiên được nghe chúa giảng giải về đạo. Tiếc rằng, chuyện ông chữa bệnh bằng cách truyền "điện nhân" sang người bệnh thì tôi không được chứng kiến mà chỉ nghe người trợ lý kể lại. Quả thật, không tận mắt nhìn, tai nghe thì khó lòng tưởng tượng ra cách chữa bệnh huyền bí này lại có thật trên đời.

Trong nhiều năm qua, Tập đoàn Y dược Bảo Long đã có những đóng góp tích cực cho xã hội, cộng đồng mang đúng ý nghĩa "sứ mệnh trị bệnh, cứu người", tạo được uy tín lớn trên thương trường. Bản thân người Tổng Giám đốc, TS. Nguyễn Hữu Khai cũng như hết thảy mọi cán bộ, nhân viên trong Tập đoàn luôn thể hiện rõ tính nhân văn "Sống ở trên đời cần có một tấm lòng"...

Gần 60 tuổi đời, lương y, TS. Nguyễn Hữu Khai có vẻ già hơn so với tuổi của mình. Đích thân Tổng Giám đốc dẫn chúng tôi xuống tham quan siêu thị thuốc của Bảo Long. Tìm hiểu, tôi được biết, hiện tại, Bảo Long đã có hàng trăm sản phẩm, kể cả thuốc và mỹ phẩm, trong đó nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu ra nước ngoài. Ông tâm sự: "Đối với tôi, tiền bạc, của nả không phải là thứ quá quan trọng mà cái quý nhất đối với tôi chính là thương hiệu Bảo Long. Cũng đã có doanh nhân nước ngoài ngỏ ý muốn mua, song cho dù số tiền có lớn đến mức nào thì tôi cũng không bán. Không bao giờ bán! Ở đây, có một ý niệm vô cùng quan trọng mà tôi cũng như nhiều đồng nghiệp đang và luôn luôn hướng tới, đó là: xây dựng cho được một thương hiệu mang tính nhân văn. Bởi chỉ có như vậy thì lẽ sống của đời tôi mới có ý nghĩa".

Có lẽ, cũng chính vì điều tâm niệm đó mà bao năm nay, lương y, TS. Nguyễn Hữu Khai luôn canh cánh và tâm đắc một điều: "Không phải làm nhiều thuốc để bán mà làm thuốc để bán cho nhiều người".

Tôi đứng ngắm mãi bức tranh hoa sen treo chính giữa phòng làm việc của vị Tổng Giám đốc. Phải chăng, đóa sen đang căng mình, nở hết cỡ để khoe sắc hương, bất chấp bùn lầy kia chính là thông điệp về nhân sinh quan của lương y, TS. Nguyễn Hữu Khai? Sống ở trong bùn nhưng giữ lòng luôn thánh thiện, trong sạch và đẹp đẽ như đóa hoa sen thơm hương tỏa ngát. Sự ấy chính là một triết lý cuộc sống ý vị mà sâu xa. Tôi đi đây đó cũng nhiều, gặp gỡ, tiếp xúc với không ít người, đủ mọi thành phần nên cũng gom được cho mình một chút vốn liếng về châm ngôn - triết lý cuộc sống. Nhưng quả thật, tôi thấy ông thuộc "típ" người... xưa nay hiếm.

Bất giác, anh bạn đi cùng khều tay tôi nói khẽ: "Mình nghĩ, vẻ bề ngoài thật khó thể hiện được hết nhân cách của con người". Nhưng không, rõ ràng chính tai tôi đã nghe thấy TS. Khai tâm sự: "Giá như có ai đó gánh vác được chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn thay tôi - tôi sẽ dành toàn bộ thời gian, công sức và phần cuộc đời còn lại để... sống chết với nghề y". 

Đọng lại chữ TÂM

Vâng! Có câu "Sinh nghề, tử nghệ" rõ ràng đang hiện hữu trong con người vị Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Khai - một người đã từng nếm trải nhiều đắng cay, khổ cực trong đời rồi mới có được sự thành công, nhờ mồ hôi, công sức, biết quý trọng cuộc sống và có trách nhiệm với mỗi lời nói ra. Tôi tin vào cái tâm và cái tài mà trời đã ban cho ông.

Chiều buông, Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Khai chia tay chúng tôi để ra sân tập võ cùng cán bộ, học viên toàn Bệnh viện. Đó là một nét sống đẹp và rất riêng mà bao lâu nay, doanh nghiệp Bảo Long vẫn duy trì đều đặn. Từ giã vai trò của một lương y, lúc này Nguyễn Hữu Khai khoác lên mình bộ áo của "Bảo Long y võ". Khi ông xuống tới sân, hết thảy mọi người đều đồng loạt đặt tay lên ngực trái và nói: "Chúng con chào thầy!". Tôi chứng kiến cảnh một võ sư quắc thước, đạo mạo, đĩnh đạc và cái nhìn đầy thiện cảm, trìu mến trong đôi mắt trầm buồn của một người thầy.

Trên đường xuôi Hà Nội, trong đầu tôi cứ vấn vương mãi về cái điều mà trong lúc đàm đạo, lương y, thầy dạy võ, TS. Nguyễn Hữu Khai đã tâm sự: "Chỉ khi chết đi, con người ta mới thôi lo lắng, bận mọn". Có phải vì thế mà quá nửa cuộc đời, ông toàn tâm, toàn ý đi theo nghề y, sống chết vì nghề? Ông không chỉ chữa bệnh bằng nghề y mà còn chữa bệnh bằng cả tâm, sức, thơ, văn và võ thuật. Với ông, nghề võ và nghề thuốc có sự bổ trợ lẫn nhau. "Thầy tu không võ chẳng thể bảo vệ được đạo. Võ mà thiếu y thì sẽ thành võ biền" - ông nói.

Tôi nhớ đến lời của một bài hát mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết: Sống ở trên đời cần có một tấm lòng... Và tôi biết tấm lòng ấy, cả bầu huyết nóng trong con người Nguyễn Hữu khai nữa... đã - đang và sẽ hướng đến cái gọi là ngọn nguồn của cuộc sống, đó là: Chân - Thiện - Mỹ. Ông đã đắc đạo sau hơn nửa cuộc đời và sẽ cống hiến, tận tâm cả phần đời còn lại vì một chữ "tâm".

Ghi chép của Mai Phong


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn