Hà Nội

Cán bộ, y bác sĩ Điện Biên sau những ngày tháng 'kiệt sức ngủ vệ đường'

24-02-2023 10:20 | Y tế

SKĐS - Sau đại dịch COVID-19, những cán bộ, y bác sĩ của ngành Y tế Điện Biên từng "kiệt sức ngủ vệ đường" lại tiếp tục sứ mệnh phụng sự vì sức khỏe cộng đồng…

Thời gian qua, ngành y tế tỉnh Điện Biên đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác chăm lo bảo vệ sức khỏe cho nhân dân nói chung, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 nói riêng. Thành công này có sự đóng góp lớn của đội ngũ các y bác sỹ, những người thầy thuốc tận tâm với nghề khoác trên mình chiếc áo blouse trắng.

Những ngày chống dịch khốc liệt

Hẳn nhiều người còn nhớ hình ảnh hai người trong bộ quần áo bảo hộ ngủ gục bên cạnh chiếc xe cứu thương bên vệ đường huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên vào rạng sáng 18/5/2021.

Người đi đường nghĩ đây là một vụ tai nạn nên lại gần, lay một trong hai người đang nằm dậy và hỏi: "Có làm sao không?".

Lúc này họ bật dậy, trả lời: "Không ạ, chúng cháu mệt quá không thể đi tiếp được, chúng cháu đang tham gia dập dịch ở huyện Nậm Pồ, chỉ cần ngủ khoảng 15 phút là đi tiếp được thôi ạ".

Cán bộ, y bác sĩ Điện Biên sau những ngày tháng "kiệt sức ngủ vệ đường" - Ảnh 1.

Cán bộ, y bác sĩ Điện Biên sau những ngày tháng "kiệt sức ngủ vệ đường" - Ảnh 1.

Sau khi hình ảnh cán bộ, y bác sĩ Điện Biên "kiệt sức ngủ vệ đường" đăng tải trên mạng xã hội, rất nhiều người đã gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới lực lượng tuyến đầu chống dịch, vất vả vì bình yên cho nhân dân.

Một cán bộ khác chúng tôi từng gặp trong đêm là bác sĩ Lò Thị Thanh Hợp (Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ).

Chị kể: "Có hôm làm xét nghiệm xong đã khoảng 12h đêm. Lúc đó một mình trên chiếc xe máy đi từ điểm bản trở ra ngoài, đêm xuống sợ lắm. Nhiều khi mệt rã rời nhưng phải cố gắng để làm tốt nhất có thể.

Thời điểm đó, Nậm Pồ là điểm nóng COVID-19. Thiếu cả nhân lực và vật lực, nhưng "thời gian là vàng", các bác sĩ và nhân viên y tế không thể để chậm trễ dù chỉ một phút giây. Đường sá vùng núi xa xôi, hiểm trở. Từ trung tâm huyện xuống từng xã, từng bản có khi mất nửa ngày mới đến được tận nơi.

Chị Hợp nhớ nhất là đợt phải đi lấy mẫu xét nghiệm ở xã biên giới cách trung tâm y tế khoảng 20km đường núi. Lúc đến nơi, bà con không ở nhà mà đang đi làm trên nương rẫy. Anh em cán bộ y tế kiên nhẫn chờ đợi đến khi đêm buông xuống thì bà con đi làm nương mới trở về và công tác lấy mẫu xét nghiệm, truy vết được tiến hành ngay trong đêm.

Có những ngày vừa hoàn thành xong tour trực 24 giờ ở trung tâm y tế, cả đêm phải thức trắng chữa trị cho bệnh nhân nhưng sáng hôm sau nhận nhiệm vụ xuống bản. Đi suốt cả ngày lẫn đêm, trưa không nghỉ, đôi mắt đỏ hoe vì mệt mỏi nhưng những cán bộ y tế chỉ tranh thủ chút ít thời gian chợp mắt để lấy lại sức lực, tiếp tục với cuộc chiến chống COVID-19.

Cán bộ, y bác sĩ Điện Biên sau những ngày tháng "kiệt sức ngủ vệ đường" - Ảnh 3.

Các trạm Y tế lưu động tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19.

Thời điểm ấy, chia sẻ với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế Điện Biên không khỏi nghẹn ngào cho biết: "Họ là cán bộ y tế tại Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ và lái xe làm công việc vận chuyển F0, F1 đến khu cách ly, điều trị".

Theo ông Nam, tháng 5/2021, Điện Biên đã ghi nhận hàng chục ca mắc COVID-19. Đặc biệt, ổ dịch từ xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ liên quan đến một nữ kế toán tại trưởng phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Tân Phong đã lan rất nhanh.

Nhiều ca bệnh trong chùm này có lịch sử tiếp xúc phức tạp nên những ngày tới, dự báo tình hình dịch có nguy cơ lan rộng nên những ngày qua, lực lượng y tế tại địa phương phải căng mình làm việc với 200% sức lực.

"Cả ngày lẫn đêm nhân viên y tế phải điều tra truy vết, xét nghiệm, test nhanh, hướng dẫn cách ly, vận chuyển các trường hợp F0 về Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ trên tinh thần thần tốc để khoanh vùng dập dịch nhanh nhất. Chính vì thế, nhìn hình ảnh cán bộ của mình kiệt sức, nằm nghỉ bên vệ đường mà tôi không cầm được nước mắt", Giám đốc Sở Y tế Điện Biên chia sẻ.

Cán bộ, y bác sĩ Điện Biên sau những ngày tháng "kiệt sức ngủ vệ đường" - Ảnh 4.

Cán bộ y tế không quản ngại vác từng bình oxy, từng thùng vaccine, lội bùn, băng suối... đi đến từng bản làng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Sau cuộc trò chuyện trong đêm với phóng viên, hôm sau khi lên Nậm Pồ kiểm tra công tác chống dịch, ông Nam đã mang theo nhiều thịt lợn, thịt bò, trứng, thịt hộp, sữa và các nhu yếu phẩm khác do cán bộ y tế và các nhà hảo tâm đóng góp để anh em bồi dưỡng thêm. Ông rưng rưng nói: "Ở tỉnh vùng cao thiếu thốn cán bộ, họ mà ốm ra thì không có ai làm việc nữa…".

Thời điểm bùng phát dịch trên diện rộng, Bộ Y tế đã cử các chuyên gia chống dịch và điều trị hàng đầu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Y tế Dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai tới Điện Biên hỗ trợ chống dịch.

Đáp lại ân tình của ngành Y tế và sự quan tâm của nhân dân cả nước đến tỉnh vùng cao còn nhiều khó khăn, tháng 8 và tháng 9/2021, Điện Biên đã cử các đoàn công tác lên đường hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương phòng, chống dịch COVID-19.

Những y, bác sỹ được cử hỗ trợ miền Nam chống dịch đều là lực lượng y tế tinh nhuệ của tỉnh Điện Biên. Họ lên đường với tinh thần "cả nước vì Điện Biên - Điện Biên vì cả nước. Bao giờ địa phương bạn kiểm soát dịch bệnh họ sẽ trở về quê nhà tiếp tục sứ mệnh phụng sự vì sức khỏe cộng đồng…

Cán bộ, y bác sĩ Điện Biên sau những ngày tháng "kiệt sức ngủ vệ đường" - Ảnh 3.

Đoàn công tác ngành Y tế tỉnh Điện Biên lên đường hỗ trợ các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch COVID-19.

Tiếp tục sứ mệnh phụng sự vì sức khỏe cộng đồng

Chia sẻ với phóng viên nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2023), ông Phạm Giang Nam - Giám đốc Sở Y tế Điện Biên tâm sự: "Dù dịch COVID-19 đã được khống chế nhưng chúng tôi vẫn chưa dám "thảnh thơi". Sau khi dịch bệnh được khống chế, toàn ngành Y tế Điện Biên lại tập trung vào khôi phục các cơ sở khám chữa bệnh để phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân".

"Bên cạnh đó, cả hệ thống y tế từ tỉnh đến xã lại tiếp tục vượt suối, băng rừng thực hiện chiến dịch tiêm vaccine COVID-19", ông Phạm Giang Nam nói thêm.

Cùng với đó, ngành Y tế Điện Biên cũng tích cực triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, xây dựng lộ trình tiêm vaccine cho trẻ em thận trọng, an toàn, khoa học. Tính đến thời điểm hiện tại, đối tượng từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1 đạt trên 99%; mũi 2 đạt trên 96%. Đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi 1 đạt 98,8%; mũi 2 đạt 98,1%. Đối tượng trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1 đạt 98,1%; mũi 2 đạt 91%...

Cán bộ, y bác sĩ Điện Biên sau những ngày tháng "kiệt sức ngủ vệ đường" - Ảnh 4.

Các y bác sỹ ở tỉnh vùng cao Điện Biên cấp cứu sản phụ trong lần khám chữa bệnh lưu động.

"Với quan điểm không lơ là, chủ quan sau đại dịch, ngành Y tế Điện Biên vẫn tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở", Giám đốc Sở Y tế Điện Biên bày tỏ.

Ông Phạm Giang Nam chia sẻ: "Nhìn lại kết quả phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh Điện Biên trong những năm qua, càng thấy rõ những nỗ lực, hi sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ y tế. Vượt lên trên nguy cơ bị lây nhiễm, vượt qua những khó khăn vất vả, bất kể ngày đêm những cán bộ y tế luôn có mặt trên tuyến đầu chống dịch.

Thời điểm các ổ dịch bùng phát tại huyện Nậm Pồ và huyện Điện Biên, ngành Y tế đã huy động hàng trăm lượt cán bộ tăng cường cho cơ sở để thực hiện công tác chống dịch. Hình ảnh những cán bộ, y bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ bất kể mưa nắng, bất kể ngày đêm thực hiện truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm mẫu trở nên quen thuộc với người dân. Những y, bác sĩ hết lòng vì người bệnh trong các khu cách ly, khu điều trị để lại nhiều câu chuyện xúc động. Tất cả những nỗ lực, cống hiến thầm lặng ấy của đội ngũ cán bộ y tế đã góp phần giúp Điện Biên là một trong những tỉnh có ca nhiễm cộng đồng thấp so với toàn quốc. Kết quả đó cũng góp phần giúp tỉnh đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ".

Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Ngành y cao quý nhưng để cán bộ y tế tự nói về bản thân mình thì rất khóBộ trưởng Đào Hồng Lan: Ngành y cao quý nhưng để cán bộ y tế tự nói về bản thân mình thì rất khó

SKĐS - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, ngành y là một ngành rất đặc biệt, đặc thù, một ngành rất cao quý nhưng để đội ngũ cán bộ y tế tự nói về chính bản thân mình thì chắc là rất khó..

Cao Tuân
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn