Cần bêu tên các hàng quán "chặt chém" người tiêu dùng

15-04-2016 15:37 | Xã hội
google news

SKĐS - Thời gian qua, tình trạng "chặt chém" người tiêu dùng của các hàng quán ăn uống đã và đang diễn ra phổ biến, làm cho người tiêu dùng bức xúc, bị dư luận lên án như chủ quán bán tô phở giá 300.000 đồng ở Hà Nội, hộp cơm hải sản giá 200.000 đồng ở Đà Nẵng..., trong khi đó cơ quan có thẩm quyền lại chưa đề ra phương án xử lý hữu hiệu nên tình trạng này vẫn tồn tại, tiếp diễn.

Những hàng quán "chặt chém" người tiêu dùng khi bị dư luận lên án, tẩy chay không thể làm ăn nên đã núp bóng, thay đổi địa điểm kinh doanh và tiếp tục thực hiện hành vi "chặt chém" người tiêu dùng. Điều đáng nói là tình trạng "chặt chém" xảy ra phổ biến đối với khách du lịch là người nước ngoài dẫn đến nhiều du khách phàn nàn và không còn hứng thú khi đến Việt Nam du lịch. Nhiều địa phương để thu hút khách du lịch đều có những giải pháp tích cực như tuyên truyền, phối hợp với người dân cùng làm du lịch như không chèo kéo, "chặt chém" du khách khi kinh doanh các dịch vụ...Tuy nhiên, đây vẫn là số ít vì rất nhiều hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống, các hành vi "chặt chém" thường khó phát hiện, đưa người tiêu dùng vào thế như ăn xong mới báo giá, thấy khách du lịch nước ngoài là tổ chức nâng giá, nhiều hàng quán còn sử dụng "đầu gấu" để răng đe nếu khách hàng không trả tiền.

Khi xảy ra hành vi "chặt chém" thì các chủ hàng quán biện minh trước dư luận như "nếu vừa lòng thì khách sử dụng, không vừa lòng thì thôi" hay "người tiêu dùng vẫn có quyền chọn hoặc không chọn việc sử dụng dịch vụ". Sở dĩ, người tiêu dùng phản ứng là do các hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống không tổ chức niêm yết giá nên khi tính tiền mới thấy bất ngờ và phản ứng đối với hành vi "chặt chém".

Để hạn chế và ngăn ngừa hành vi "chặt chém" người tiêu dùng của các hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống, theo tôi cần thực hiện những giải pháp cụ thể như: Một là, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan đến việc kinh doanh dịch vụ này nhằm nâng cao nhận thức cho các chủ hộ kinh doanh, hạn chế các hành vi vi phạm có thể xảy ra. Hai là, cơ quan có thẩm quyền thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi tự thu tiền vượt quá giá niêm yết và các quy định của pháp luật có liên quan như vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự...Đối với các hàng quán tái phạm lần thứ hai thì ngoài việc tiến hành xử phạt, cần phải bêu tên hàng quán trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để người tiêu dùng không đến sử dụng dịch vụ. Ba là, thiết lập đường dây nóng để người tiêu dùng phản ánh các hành vi "chặt chém" người tiêu dùng. Bốn là, đối với người tiêu dùng cần thận trọng trong việc sử dụng các dịch vụ, nhất là tìm hiểu giá được niêm yết trước khi quyết định; nếu phát hiện các trường hợp thu tiền vượt quá giá đã được niêm yết cần thông báo ngay với cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý hành vi vi phạm. Có như vậy, mới có thể hạn chế tình trạng "chặt chém" của các hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống đối với người tiêu dùng, nhất là người nước ngoài đến Việt Nam du lịch hiện nay.


Đỗ Văn Nhân
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn