Người tham gia BHXH, BHYT quan tâm việc khi nghỉ trên 14 ngày trong tháng thì không đóng BHXH. Vậy 14 ngày đó có tính cả thứ 7, chủ nhật, ngày lễ... không?
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam cho biết căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 85, khoản 4 Điều 86 Luật BHXH năm 2014, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì cả người lao động và người sử dụng lao động không đóng BHXH tháng đó.
Thời gian này không được tính để hưởng BHXH trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Việc xác định số ngày làm việc trong tháng của người lao động thực hiện theo nội quy, quy chế của doanh nghiệp, hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động theo quy định của pháp luật về lao động; Cơ quan BHXH căn cứ hồ sơ đăng ký tham gia BHXH do đơn vị sử dụng lao động lập để thực hiện thu BHXH đối với người lao động tại đơn vị.
Do đó, người sử dụng lao động và người lao động đối chiếu các quy định nêu trên để biết và thực hiện.
Cũng liên quan đến chính sách BHXH, người tham gia hỏi: BHXH bắt buộc khác BHXH tự nguyện như thế nào? Nếu tham gia BHXH tự nguyện thì có được cộng nối quá trình tham gia BHXH bắt buộc đã tham gia 1 năm trước đó không? Tham gia BHXH Tự nguyện có được giám định sức khỏe để về nghỉ hưu trước không?
Về nội dung này, BHXH Việt Nam cho biết, căn cứ quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, BHXH bắt buộc khác BHXH tự nguyện như sau:
- Khác nhau về căn cứ đóng:
- Đối với BHXH tự nguyện: Tỷ lệ đóng 22% tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn; bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.
- Đối với BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ 32% tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động, mức đóng cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Tỷ lệ đóng 32% bao gồm: Đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất là 22%, Quỹ BHYT là 4,5%, đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 2%, đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động là 0,5%, đóng vào Quỹ ốm đau, thai sản là 3% tiền lương làm căn cứ đóng.
- Khác nhau về chế độ hưởng:
- Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, không có các chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động như đối với người tham gia BHXH bắt buộc.
(Khi hưởng chế độ hưu trí thì được cấp thẻ BHYT do quỹ BHXH đóng; hàng năm người hưởng lương hưu được điều chỉnh mức hưởng lương hưu theo chỉ số giá tiêu dùng. Ngoài ra người đang hưởng lương hưu hoặc người đang tham gia BHXH tự nguyện từ đủ 5 năm trở lên, khi qua đời thì thân nhân được hưởng tiền mai táng phí và tiền tuất một lần).
- Người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN được hưởng các chế độ: Ốm đau; Thai sản; Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Hưu trí; Tử tuất.
Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 3, khoản 3 Điều 5 Luật BHXH năm 2014, thời gian đóng BHXH là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng BHXH cho đến khi dừng đóng.
Cũng theo BHXH Việt Nam, trường hợp người lao động đóng BHXH không liên tục thì thời gian đóng BHXH là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, người lao động vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng BHXH.
Thời gian đóng BHXH đã được tính hưởng BHXH một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH.
Vì vậy, nếu bạn tham gia BHXH tự nguyện thì thời gian đóng BHXH bắt buộc trước đó (nếu chưa tính hưởng BHXH một lần) thì được cộng với thời gian đóng BHXH bắt buộc trước đó để giải quyết chế độ BHXH theo quy định,
BHXH Việt Nam đồng thời cho biết theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 71 Luật BHXH năm 2014: Người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện, nếu có từ đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên thì điều kiện, mức hưởng lương hưu thực hiện theo chính sách BHXH bắt buộc (được hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động).
Người tham gia đối chiếu các quy định nêu trên để biết và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.