Cách nào giúp con 'cai nghiện' các thiết bị điện tử?

07-08-2023 17:27 | Thời sự

SKĐS - Sau 2 tháng nghỉ hè, nhiều trẻ có xu hướng "nghiện" chơi game và sử dụng mạng xã hội. Cha mẹ cần làm gì để "tách" con khỏi các thiết bị điện tử và quay về nhịp sinh hoạt, học tập thường ngày khi chỉ còn 3 tuần nữa là hết hè?

Trẻ "nghiện" các thiết bị điện tử ngày càng gia tăng, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè

Từ tháng 6 tới nay, khi hai con của chị Đỗ Hoài Thu (ở Mỹ Đình, Hà Nội) nghỉ hè là khoảng thời gian chị đau đầu vì không biết làm thế nào để con bớt xem tivi, bớt dùng mạng xã hội, bớt xem TikTok, Youtube… "Con gái lớn của tôi năm học tới sẽ lên lớp 12 thì lúc nào cũng dùng điện thoại hoặc máy tính, trừ lúc ngủ. Còn cháu thứ hai, ngoài thời gian quy định được xem điện thoại thì cháu lại "dán mắt" vào tivi bởi cũng chẳng biết đi đâu vì nhà tôi bước ra cửa là đường".

Chia sẻ của chị Thu cũng là nỗi niềm của nhiều bậc cha mẹ trong những ngày này, khi chỉ còn gần một tháng nữa là tới năm học mới.

Hai tháng qua, cứ mỗi sáng trước khi đi làm anh Phú Thanh (quận Thanh Xuân) đều dặn hai con trai, đứa lớn 15 tuổi, đứa bé 8 tuổi ở nhà xem điện thoại ít thôi. Nhưng khi đến cơ quan kiểm tra camera thì lúc nào cũng thấy hai cháu mải miết "cắm đầu" vào điện thoại hoặc máy tính bàn.

Anh Thanh cho biết, mỗi chiều khi đi làm về anh thường "tịch thu" điện thoại và ngắt mạng internet trong khung giờ buổi tối thì các con phụng phịu, cáu bẳn. "Vợ chồng tôi hằng ngày vẫn phải đi làm nên nếu chỉ trông chờ vào sự tự giác của các con thì quả thật không hiệu quả, tôi không biết làm thế nào để "tách" con ra khỏi các thiết bị điện tử khi kỳ nghỉ hè chỉ còn 3 tuần nữa.

Tôi lo các cháu xem TikTok, chơi game… trong thời gian dài có thể làm giảm khả năng tập trung, dễ dẫn đến việc khi quay trở lại trường học sẽ khó có thể chú tâm học tập khi tâm hồn đã bị mạng xã hội "đánh cắp", anh Thanh chia sẻ.

Cách nào giúp con "cai nghiện" các thiết bị điện tử? - Ảnh 1.

Sau hai tháng con nghỉ hè, nhiều phụ huynh căng thẳng vì trẻ "nghiện" game, tivi, điện thoại...

"Nếu trẻ nghiện ở mức độ cao có thể sử dụng đến tâm lý trị liệu"

Theo chuyên gia tâm lý học - PGS.TS Trần Thành Nam, "cai nghiện" dù là Internet hay mạng xã hội… đều không hề dễ dàng. Một điều rất quan trọng là không dừng hoạt động chơi game, sử dụng mạng xã hội… đột ngột.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, các bậc phụ huynh cần có thời gian cho con thích ứng. Thay vì dừng sử dụng đột ngột, hãy giảm dần thời lượng trong ngày dành cho ứng dụng đó. Cùng với đó, tăng cường các hoạt động thể chất như chơi thể thao…

Rảnh rỗi sẽ khiến trẻ không biết làm việc gì ngoài việc đắm chìm trong trò chơi, mạng xã hội để giết thời gian. Những hoạt động này nên có sự đồng hành của gia đình, người thân và bạn bè thì hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều. "Đối với những trường hợp "nghiện" ở mức độ cao hơn thì có thể sử dụng đến tâm lý trị liệu. Tâm lý trị liệu là phương pháp bạn sẽ tiến hành cùng chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ, xác định và thay đổi những cảm xúc, suy nghĩ và hành vi phiền muộn",PGS.TS Trần Thành Nam.

Còn theo TS. Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, muốn con từ bỏ thói quen lạm dụng smartphone thì cha mẹ phải làm gương đầu tiên. Hãy thực sự chăm sóc cho con, chỉ dùng smartphone hay tablet khi ngồi vào bàn làm việc. Khi cả gia đình sinh hoạt cùng nhau như ăn cơm hay xem ti vi, hãy tham gia vào những cuộc trò chuyện, bàn luận và hỏi han đến con. Hạn chế sử dụng thiết bị trước mặt con, không cổ súy cho việc con biết sử dụng thiết bị thông minh quá sớm là giỏi, là tiếp thu nhanh.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần nghiêm khắc trong vấn đề thưởng, phạt. Bởi nhiều gia đình lấy điện thoại, máy tính bảng làm phần thưởng cho con khi đạt được kết quả tốt trong học tập… Thắt chặt quản lý giờ giấc sử dụng điện thoại thông minh của con. Duy trì việc quản lý giờ giấc của con thật sự cần sự kiên trì. Vì đôi lúc bận bịu công việc, các bậc cha mẹ thường "quên" đi một vài ngày và thế là mọi việc lại bắt đầu lại.

Ngoài ra, hãy dành cho con thời gian nhất định để sử dụng thiết bị và giữ lại khi đã hết thời gian. Đối với các gia đình cho con sử dụng phòng ngủ riêng thì không nên để con mang thiết bị vào phòng ngủ. Hãy giữ điện thoại/máy tính bảng và trao trả vào sáng hôm sau. Cha mẹ cũng có thể tắt thiết bị phát sóng wifi nếu không thể quản lý được giờ giấc sử dụng thiết bị điện tử vào ban đêm của con. Như vậy sẽ buộc trẻ phải đi ngủ và tránh được tình trạng trẻ online muộn hoặc thức suốt đêm để chơi.

TS. Vũ Thu Hương cũng cho rằng, cha mẹ cũng cần cho trẻ tham gia nhiều các hoạt động ngoại khóa cùng bạn bè hoặc đưa con đi chơi ngoài trời vào mỗi dịp cuối tuần, hoặc cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường, lớp cùng bạn bè. Việc cho trẻ giao tiếp nhiều khiến chúng quên dần những chiếc điện thoại và máy tính bảng. Cho trẻ chơi những trò chơi kích thích sự sáng tạo và khả năng tưởng tượng, chăm chơi cùng con, không để con "rảnh rỗi" để có thời gian chơi các trò chơi trên điện thoại và máy tính bảng.

Nhiều địa phương cấm tổ chức dạy thêm, học thêm trong dịp nghỉ hèNhiều địa phương cấm tổ chức dạy thêm, học thêm trong dịp nghỉ hè

SKĐS - Để học sinh có một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa, nhiều nơi đã yêu cầu các trường phổ thông trong thời gian nghỉ hè không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào.


Đỗ Vi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn