Đường hầm nhỏ - Lối thoát cho ổ sỏi phức tạp
Bác T từng có tiền sử mổ mở lấy sỏi thận trái năm 1997, mổ sỏi thận, niệu quản phải năm 1998 và 2018. Tuy nhiên sỏi vẫn tiếp tục tái phát gây ra triệu chứng điển hình là cơn đau quặn thận dữ dội khu vực hông lưng trái, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống.
Đến Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế (ĐKQT) Thu Cúc TCI thăm khám, bác T. được chẩn đoán mắc sỏi thận trái, số lượng 4 viên lấp kín các đài bể thận. "Ổ" sỏi được xác định gồm có 1 viên sỏi bể thận kích thước 2,1x5,8cm (dài gần 6cm), 1 viên sỏi đài giữa kích thước 0,9x1,2cm, 2 viên sỏi đài dưới kích thước lần lượt là 1,3x1,8cm và 0,8x1,1cm. Tình trạng sỏi đã gây tắc nghẽn nước tiểu đổ từ thận qua niệu quản xuống bàng quang, hình thành biến chứng giãn đài bể thận.
Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII Phạm Huy Huyên - Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, phụ trách Ngoại thận, tiết niệu, Phó chủ tịch Hội thận, tiết niệu miền Bắc, người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân T. nhận định, đây là một trường hợp mắc sỏi thận phức tạp hiếm gặp mà bệnh viện tiếp nhận trong thời gian gần đây.
Với số lượng và kích thước sỏi lớn "bành trướng" trong một quả thận, bác T. hoàn toàn có thể được chỉ định mổ mở lấy sỏi. "Tuy nhiên nhận thấy bệnh nhân đã từng 3 lần can thiệp phẫu thuật loại bỏ sỏi thận, nếu tiếp tục mổ mở sẽ gây suy giảm chức năng thận nghiêm trọng không chỉ với thận trái, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quan của cả 2 thận. Chính vì vậy chúng tôi đã sử dụng phương pháp tán sỏi qua da đường hầm nhỏ thay thế mổ mở truyền thống để loại bỏ ổ sỏi phức tạp cho người bệnh", bác sĩ CKII Phạm Huy Huyên chia sẻ.
Phương pháp này đặc biệt phù hợp với bệnh nhân T. vì không tạo thêm vết rạch dài 10 - 20cm trên nhu mô thận - nguyên nhân làm giảm chức năng thận sau điều trị từ 20 - 30%. Thay vào đó, kỹ thuật ứng dụng năng lượng laser công suất cao và áp lực hút chân không thông qua "đường hầm nhỏ" xuyên từ vết rạch siêu nhỏ 5mm trên da vào thận để làm vỡ viên sỏi và hút ra ngoài, đảm bảo tán sạch sỏi, ít tổn thương, hạn chế biến chứng, không mất sức, bảo toàn chức năng hệ tiết niệu.
Sạch sỏi nhanh sau 1 lần điều trị
Trường hợp sỏi có số lượng 4 viên mọc như "rạn san hô" ở một bên thận, thậm chí viên sỏi kích thước lớn nhất đạt gần 6cm thì việc tán 2 đến 3 lần để lấy được toàn bộ ổ sỏi ra khỏi hệ tiết niệu là không tránh khỏi. Tuy nhiên rất may mắn, bệnh nhân N.H.T đã trải qua ca tán sỏi thành công chỉ với 1 lần điều trị duy nhất.
Ca tán sỏi không những được lên kế hoạch chặt chẽ vừa đảm bảo an toàn, vừa cố gắng hạn chế số lần tán, mà còn được tính toán kỹ lưỡng hạn chế xâm lấn tối đa vào thận. Cụ thể, chỉ bằng 1 đường hầm duy nhất nhưng có thể tán vỡ được toàn bộ tảng sỏi ở các vị trí bể thận, đài giữa và đài dưới. Bác sĩ Huyên cũng cho biết: "Với phương án điều trị tối ưu chỉ sử dụng 1 đường hầm duy nhất làm sạch toàn diện 4 viên sỏi trong 1 lần điều trị là thách thức đối với ekip phẫu thuật. Quá trình xử lý yêu cầu kỹ thuật chọc dò tạo đường hầm vào thận chuyên nghiệp, kỹ thuật bắn phá sỏi khéo léo bằng laser dưới hướng dẫn của màn hình nội soi để phá viên sỏi ra sao cho an toàn, đạt hiệu quả cao".
Trong hơn 1 giờ đồng hồ, toàn bộ quá trình tán sỏi qua da đường hầm nhỏ "xử gọn" ổ sỏi thận trái 4 viên nằm tại các vị trí khác nhau trong thận của ekip bác sĩ Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc đã kết thúc thành công, đúng kế hoạch. Sau 1 ngày tán sỏi bác T. hoàn toàn hồi phục và tỉnh táo.
Bác sĩ CKII Phạm Huy Huyên khuyến cáo, người mắc sỏi thận, sỏi tiết niệu nên điều trị càng sớm thì càng đơn giản, nhanh chóng, không mổ mở. Người bệnh không nên chủ quan, để sỏi phát triển thành kích thước lớn gây biến chứng mới bắt đầu tìm đến bệnh viện. Lúc này không chỉ tốn kém, khó khăn trong việc điều trị mà còn để lại những hệ lụy không đáng có, ảnh hưởng đến chức năng hệ tiết niệu lâu dài.