Nhằm bảo vệ thí sinh khỏi những rủi ro không đáng có, các trường đại học liên tục cập nhật các hình thức lừa đảo phổ biến và khuyến nghị biện pháp phòng tránh.

Trường Đại học Giáo dục cho biết, không gửi bất kỳ email nào công bố kết quả trúng tuyển.
Tại Hà Nội, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã đăng bài viết cảnh báo về sự xuất hiện của email giả mạo Hội đồng tuyển sinh của trường. Đại diện Trường Đại học Giáo dục khuyến cáo thí sinh tuyệt đối không phản hồi hay làm theo hướng dẫn trong các email này.
Trường này khẳng định không gửi bất kỳ email nào công bố kết quả trúng tuyển, mà chỉ gửi email thông báo đã nhận hồ sơ Đánh giá Năng lực hoặc cộng thưởng điểm. Nếu có bất kỳ thông tin nào trong email không chính xác, thí sinh cần phản hồi trực tiếp email đó hoặc gọi điện về số điện thoại chính thức của trường hoặc phòng đào tạo để xác minh.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội vừa phát đi cảnh báo khẩn về thông tin tuyển sinh giả mạo ngành Hàng không đang lan truyền trên mạng xã hội.
Theo nhà trường, các đối tượng lừa đảo đang mạo danh trường để thu hút thí sinh với những lời hứa hẹn hấp dẫn về việc làm và thu nhập "khủng" hoàn toàn không có thật. Nhà trường khẳng định không có ngành đào tạo Hàng không bậc đại học chính quy như quảng cáo.
Nhà trường lưu ý thí sinh và phụ huynh tuyệt đối không liên hệ, nộp hồ sơ hay bất kỳ khoản phí nào cho các cá nhân, tổ chức đăng tải thông tin sai lệch này. Mọi thông tin tuyển sinh chính xác cần được tra cứu trực tiếp trên các kênh chính thức của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Tại TP. Hồ Chí Minh, trang tuyển sinh của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã phát đi cảnh báo chi tiết về các hình thức lừa đảo trong mùa tuyển sinh 2025. Nhà trường khuyên thí sinh và phụ huynh cần đặc biệt cảnh giác trước các chiêu trò tinh vi. Bốn hình thức lừa đảo phổ biến được thống kê gồm: giả danh cán bộ tuyển sinh gọi điện, nhắn tin qua Zalo/Facebook; gửi đường link giả mạo website trường yêu cầu đăng nhập để tra cứu, xác nhận thông tin xét tuyển hoặc nộp lệ phí; tạo lập các hội nhóm Facebook, Zalo có tên giống trường để đăng tin tuyển sinh sai lệch, giới thiệu dịch vụ; và dụ dỗ mua các loại hàng hóa, khóa học, dịch vụ "chuẩn bị cho đại học" không rõ nguồn gốc.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên khẳng định không thu bất kỳ phí tuyển sinh nào, và thí sinh tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số CCCD, số tài khoản ngân hàng hay chuyển tiền cho bất kỳ cá nhân/tổ chức lạ nào.

Trường Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh phát cảnh báo lừa đảo tới thí sinh.
Trường Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh cũng đăng tải thông báo cụ thể: "Nếu bạn nhận được cuộc gọi, tin nhắn, hoặc bưu gửi yêu cầu thanh toán 'phí ship', 'phí hồ sơ', 'phí nhận tài liệu' dưới tên Đại học Hùng Vương (DHV) – hãy tuyệt đối KHÔNG cung cấp thông tin cá nhân, KHÔNG chuyển khoản và liên hệ xác minh ngay với nhà trường".
Nhà trường khẳng định không thu bất kỳ khoản phí nào dưới hình thức chuyển phát, giao nhận hoặc xử lý hồ sơ qua điện thoại, tin nhắn, hay qua bên trung gian. Mọi hoạt động truyền thông – tư vấn đều được thực hiện minh bạch, trực tiếp từ Nhà trường và các kênh chính thức.
Ngoài ra, nhiều trường đại học khác trên cả nước cũng đã tăng cường cảnh báo tương tự tới thí sinh. Đại học Kinh tế Quốc dân thường xuyên khuyến cáo sinh viên, thí sinh chỉ truy cập thông tin qua các kênh chính thức của trường như website, fanpage đã được xác thực, tránh các trang giả mạo.
Đại học FPT cũng đã có những thông báo cụ thể về việc không yêu cầu thí sinh nộp các loại "phí giữ chỗ" hay "phí xác nhận nhập học" qua các kênh không chính thức, đồng thời nhấn mạnh quy trình nhập học chuẩn chỉ được thực hiện trực tiếp tại trường hoặc qua cổng thông tin chính thức.
Để tự bảo vệ mình, thí sinh và phụ huynh cần luôn tỉnh táo, chỉ tin tưởng thông tin từ các kênh chính thức của trường đại học (website có tên miền rõ ràng, fanpage có tích xanh, số điện thoại công khai trên đề án tuyển sinh). Mọi yêu cầu về tài chính hay thông tin cá nhân qua điện thoại, tin nhắn hay email lạ đều cần được xác minh kỹ lưỡng trực tiếp với nhà trường trước khi thực hiện.