Hà Nội

“Cá heo” sông Hồng

23-05-2008 10:19 | Thời sự
google news

Có người gọi ông là "kình ngư", nhưng có người lại gạt phắt đi bảo: "Kình ngư là cá dữ, phải gọi ông là cá heo mới đúng, vì cá heo là loài chuyên đi cứu người". Người đàn ông được mệnh danh "cá heo" là Nguyễn Văn Nở, tên thân mật là Tư Nở.

Thanh Hoa

Có người gọi ông là "kình ngư", nhưng có người lại gạt phắt đi bảo: "Kình ngư là cá dữ, phải gọi ông là cá heo mới đúng, vì cá heo là loài chuyên đi cứu người". Người đàn ông được mệnh danh "cá heo" là Nguyễn Văn Nở, tên thân mật là Tư Nở.

Tay trần ôm xác thối

"Các chú thấy xác thối chắc nôn mửa ngay chứ gì. Còn đôi tay này không biết bao nhiêu lần ôm xác thối, nhung nhúc những dòi", cách mở đầu câu chuyện của ông Tư Nở khiến tôi sởn cả gai ốc.

Nhưng ông Tư Nở không bịa chuyện. Ở cái vạn chài dưới chân cầu Long Biên (phường Phúc Tân - quận Hoàn Kiếm) này, không ai không biết ông từng mấy chục năm vớt xác, mấy chục năm cứu người.

Cho đến giờ, ông Tư Nở không còn nhớ mình đã tình cờ đến với cái "nghề" vớt xác từ khi nào. Chỉ biết rằng gia đình ông theo nghề sông nước đã nhiều đời. Từ bé lớn lên ở ngay dưới chân cầu Long Biên và sống bám vào sông Hồng. Mà đã theo nghề sông nước, thì đến với cái "nghề" cứu người, nghề vớt xác như một lẽ hiển nhiên. Hơn năm mươi năm gắn cùng sông nước, hầu như không năm nào ông không cứu vài ba người khỏi chết đuối, cũng hầu như không năm nào, không vớt dăm cái xác trôi sông. Nếu cứ làm một phép tính nhẩm, thì số người phải chịu ơn ông đã nhiều, nhiều lắm.

Có nhiều cách đối xử khác nhau với những cái xác trôi sông. Có người ngoảnh mặt làm ngơ, vì ghê sợ. Nhưng không ít dân chài thích "vớ" được xác người trôi sông. Họ có cái lý riêng: Vớt được xác là có "màu", là thế nào người thân cũng tìm đến cảm ơn. Đi kèm cảm ơn, thường có "hậu tạ". Không ít người vớt được xác rồi, cắm sào buộc chân người xấu số vào và đợi người thân tìm đến. Nếu là cái xác vô thừa nhận, có thể, người ta lại để cho nó trôi đi theo dòng nước. Thậm chí có cả làng sống bằng nghề "câu" xác người. Nhưng ông Tư Nở không thế. Ông không chờ đợi thấy những cái xác trôi đến như một cách kiếm cơm...

"Có lần cái xác thối lâu ngày quá, tôi bê lên thì nó rời rụng ra hết cả. tôi phải nhặt nhạnh mãi mới đầy đủ các bộ phận. Thú thật với các chú, không phải thân thiết ruột thịt gì, ai mà chả ghê. Nhưng mà nghĩ đi cũng phải nghĩ lại. Người ta chết trôi chết nổi trên sông, rồi làm mồi cho cá. Nghĩ tội lắm, dù là xác thừa nhận hay vô thừa nhận, nếu bắt gặp, tôi đều vớt. Nếu chưa thối, đợi người đến nhận, nếu thối rồi tìm chỗ nào đấy an táng. Cũng gọi là chôn cất sơ sài thôi, nhưng thắp cho người ta nén hương cho họ đỡ tủi phận. Người Việt mình sau khi chết, cái ước vọng lớn nhất là được mồ yên, mả đẹp. Nếu có giấy tờ, tôi giữ lại, hoặc nhớ những đặc điểm quần áo nhận dạng, để nếu người thân tìm đến còn có cái mà nhận", ông Nở tâm sự.

Cuộc đời bao nhiêu lần cứu người, bao nhiêu lần vớt xác. Đôi bàn tay ông ráp xì, những cục chai chen vai thích cánh trên đôi bàn tay cho biết một quãng đời đầy vất vả. Một trận nhớ đời trong việc ngụp lặn tìm xác, là lần vớt một gia đình hai bố mẹ và hai đứa con về quê ngoại ở Bắc Ninh. Cả gia đình trên một chiếc xe tắc xi, xe bị mất lái lao xuống sông khiến cả nhà họ bị thiệt mạng. Ngay hôm đấy ông chỉ lặn vớt được xác của người bố và đứa con trai, còn mẹ và con gái bị cuốn trôi đến ngày hôm sau mới tìm được. Theo lý giải của ông Nở thì khi xe mất lái lao xuống sông mẹ và con gái ngồi ghế sau xe đổ bị va đập mạnh đã văng ra khỏi xe, còn bố và con trai ngồi trên có dây bảo hiểm nên khi xe lao xuống bị mắc kẹt trên xe. Lần đấy, dù không phải người thân thích, ông Nở cũng bần thần cả người suốt mấy ngày. Gia đình bốn mạng người, không còn một ai...

Ông Nở thở dài: "Có lần tôi vớt được cái xác mà không cầm được nước mắt, nhìn nét mặt ngây thơ, trên người tử thi còn nguyên bộ áo dài trắng." Về nguyên nhân dẫn đến những cái chết thương tâm này cũng nhiều lắm - một mắc mớ nhỏ lứa tuổi học trò, bế tắc trong chuyện tình yêu, gia đình, học hành thi cử... Với tất cả những lý do tưởng chừng đơn giản đó mà không ít người đã vội vàng tìm đến cái chết bi thảm.

Cái việc vớt xác, đem lại cho ông Tư Nở không ít phiền toái, vì không ít lần, ông "được" các anh công an mời lại làm chứng. Rồi sau đó, chính những người thân của nạn nhân chết trôi đứng cách xa hàng chục mét vẫn lấy khăn bịt mũi, còn ông, cứ thấy tay trần "tắm rửa" để họ được tươm tất trước khi nhập quan. Nhiều người chứng kiến những cảnh đó, về mấy hôm không gắp nổi hạt cơm vì ghê. Nhưng cuộc đời ông Tư Nở hàng ngày vẫn thế...

 Cuộc sống của người dân chài đơn sơ nhưng thấm đượm tình người.

Nguy hiểm, và... qua sông phụ sóng

Trở về sau một chuyến ngược lên mạn cầu Thăng Long đánh cá, ông Tư Nở cởi trần trùng trục, vận đúng một chiếc quần đùi. Dạo này ông cũng ít đi đánh cá hơn. Dáng ông thấp đậm, ngoại bảy mươi, dấu tích của một thân hình cường tráng vẫn còn nguyên, khi những đường gân, theo thời gian vẫn xoắn xuýt như một cụm rễ si già. Nước da ông có màu đỏ quạch, như đã được nhuộm bởi chính phù sa của sông Hồng. Cả mái tóc cũng thế, nó nhuốm bạc, nhưng cái bạc khác người, cái bạc có cả màu nâu đỏ của đất, của phù sa.

Nửa thế kỷ vớt xác, nhưng luôn luôn, ông coi đó là chuyện vạn bất đắc dĩ. Điều mong muốn lớn hơn của ông, đó là không phải vớt xác. Chả thế mà nhiều lần ông liều mình lao vào những xoáy nước lớn giữa dòng sông cứu người.

Một trong những lần đó là ông cứu được 3 trong số 7 em học sinh ra sông tắm chẳng may gặp dòng nước xoáy cuốn trôi. Khi ông Nở đến "hiện trường", lúc đấy trời mưa to, nước sông mỗi lúc một dâng cao, dòng nước cuồn cuộn. Bản thân ông Nở cũng hơi "chờn", khi nhiều cánh thợ lặn khác rủ nhau quay về trước con nước dữ. Những người thân của ông Nở một mực can ngăn. Nhưng nghĩ đến người thân của các cháu học sinh đang cạn nước mắt chỉ trông vào ông như nguồn hi vọng cuối cùng, ông tợp mấy ngụm nước mắm và lao xuống xoáy nước cuộn chảy... Sự liều lĩnh của ông được trả công bằng ba mạng sống được trở về sau khi suýt lọt vào vòng tay Hà Bá... Hôm ấy, ông đã bao nhiêu lần lặn xuống và trồi lên đến kiệt sức. Ông vẫn cứ muốn lao xuống dòng sông thêm nữa, khi chưa đem hết được bọn trẻ mà ông coi như con như cháu lên bờ. Mãi sau người ta mới tìm thấy xác của bốn đứa trẻ.

Mỗi lần như thế, lại đối mặt với không ít hiểm nguy. Ở độ sâu trên dưới 10 m, thợ lặn phải chịu một áp lực nước rất lớn, rất dễ dẫn đến chảy máu tai, mũi... Còn khó khăn hơn người thợ lặn trục vớt, mò xác ở các con tàu lớn bị đắm, đòi hỏi thợ mò xác có bề dầy kinh nghiệm. Phải thật cẩn trọng khi lặn vào trong các khoang tàu, bởi các khoang rất nhiều cọc sắt, chúng có thể sẽ là "tử thần" với các thợ lặn. Khi lặn xuống tầm sâu người thợ chỉ dùng đôi tay trần lần mò từng tý, cho nên khi vào trong khoang phải định hình cửa vào, cửa ra, và cẩn thận tuyệt đối không để dây bình oxy bị tuột, bởi tuột ra thì thợ lặn chỉ có con đường chết. Chưa hết, một nguy hiểm khác thường xuyên rình rập là có những đoạn sông dày đặc ống tiêm, kim tiêm của đội quân nghiện ngập dùng xong xả xuống sông.

Một điều khá hài hước là vớt người chết thì thường được trả ơn, còn cứu người sống thì lắm khi lại gặp hoàn cảnh trớ trêu, "tức thở" không kém gì lặn xuống sông lôi họ ra khỏi miệng Hà Bá. Đó là những người thực sự muốn trở thành mồi cho Hà Bá, lúc được vớt lên hết lời trách móc. Lại có người được cứu sống, nhưng người thân một mực sỉ vả ông sao không để kẻ gặp nạn kia chết đi cho rảnh nợ. Nhưng có trường hợp đáng buồn hơn, ấy là có bận ông phải nhảy xuống sông cứu người trong ngày giá rét, khi vớt được nạn nhân lên rồi, phải lấy quần áo của người nhà cho mặc, phải đốt bếp sưởi ấm... Và ông nhận được "ân nghĩa" bằng cái phủi đít ra đi không một lần gặp lại! Ông Tư Nở cũng không lấy làm buồn khi ông có một đống con nuôi, cháu nuôi từ những lần cứu người, nhưng Tết nhất có khi chả có ai trong số đó đến thăm cả.

Ông Tư Nở cho chúng tôi xem thành quả của chuyến đánh cá từ cầu Long Biên ngược lên cầu Thăng Long, đó là khoảng hơn hai cân cá trôi, loại cá to hơn hai ngón tay chút xíu. Ông Nở khoe cá sông bây giờ dễ bán. Chỉ tội bây giờ cá ngày càng hiếm. Xưa còn thi thoảng bắt được con lăng, con anh vũ, chứ bây giờ bói cũng chẳng ra. Một chiếc thuyền máy khác phì phạch trở về. Ông Tư Nở hỏi với sang thuyền bạn. Một câu trả lời uể oải: "Chán lắm, đặt đến tám trăm cái rọ tôm mà may ra mới được nửa cân". Từ bãi sông này, chỉ mấy trăm mét là đến chốn phồn hoa đô thị, mà cuộc sống khác nhiều quá. Với thu nhập như thế, biết bao giờ người dân vạn chài mới ngẩng mặt lên được... Ừ, họ là anh hùng cứu người, nhưng họ vẫn chất phác, giản dị thế.

Mấy cơn mưa đầu mùa khiến nước sông Hồng lên cao hơn. Và lẽ thường, mùa lũ, người gặp nạn thường nhiều hơn mùa cạn. Nghèo thì nghèo, nhưng dân vạn chài Thái Thủy này, hễ thấy người gặp nạn là ra tay cứu, ông Nở bảo thế.


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn