Ca bít tiểu nhĩ qua da đầu tiên bằng dụng cụ thế hệ mới

21-10-2012 18:10 | Tin nóng y tế
google news

Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch (TTTM) Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội vừa can thiệp thành công ca bít tiểu nhĩ qua da cho một bệnh nhân (BN) cao tuổi bị loạn nhịp tim bằng dụng cụ mới do chính bác sĩ Việt Nam tham gia thiết kế.

(SKDS) - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch (TTTM) Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội vừa can thiệp thành công ca bít tiểu nhĩ qua da cho một bệnh nhân (BN) cao tuổi bị loạn nhịp tim bằng dụng cụ mới do chính bác sĩ Việt Nam tham gia thiết kế. Đây là lần đầu tiên dụng cụ thế hệ mới được đưa ra ứng dụng và cũng là lần đầu tiên kỹ thuật bít tiểu nhĩ được thực hiện ở nước ta.

Bệnh nhân đầu tiên được bít tiểu nhĩ qua da

Bà Lê Thị Hồng X., 72 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội bị tăng huyết áp kèm rung nhĩ mạn tính 10 năm nay, được điều trị bằng thuốc hạ huyết áp và chống đông. Cứ vài tháng bà lại đến BV để kiểm tra huyết áp cũng như xét nghiệm máu, theo dõi tình trạng sử dụng thuốc chống đông. Ngày 6/10/2012, đột nhiên bà thấy hoa mắt, chóng mặt, người rất khó chịu. Huyết áp đo tại nhà thấy tăng vọt, cảm giác quay cuồng, nôn thốc tháo, sau đó nôn khan và bắt đầu nói khó.
 
Bà được các con đưa vào BV Đại học Y Hà Nội cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ thăm khám, làm siêu âm tim, siêu âm qua thực quản, chụp CT sọ não và kết luận tai biến mạch máu não. Với những trường hợp sử dụng thuốc chống đông liên tục thời gian dài mà xảy ra tai biến mạch não, nguy cơ đột quỵ cao như vậy, giải pháp cuối cùng là bít tiểu nhĩ. May mắn là bà X. đã được các bác sĩ TTTM lựa chọn ứng dụng thành công kỹ thuật bít tiểu nhĩ bằng dụng cụ thế hệ mới nhất (thế hệ thứ 3).
 TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu (người thứ 3 từ trái qua) làm trưởng kíp cùng PGS.TS. Yat - Yin Lam (người thứ 5 từ trái qua) cùng kíp can thiệp cho bệnh nhân X.

Khoảng 90% các tai biến mạch não ở bệnh nhân rung nhĩ không có bệnh van tim xuất phát từ tiểu nhĩ trái.

Khoảng 50% các trường hợp huyết khối nhĩ trái ở bệnh nhân có bệnh van tim có nguồn gốc ở tiểu nhĩ trái.

Khi dòng chảy trong tiểu nhĩ trái chậm ở bệnh nhân suy tim, huyết khối vẫn có thể hình thành trong tiểu nhĩ trái ở bệnh nhân nhịp xoang.

Kết quả nghiên cứu từ Protec AF cho thấy bít tiểu nhĩ giảm 90% nguy cơ chảy máu não (do nhóm chứng tiếp tục dùng chống đông kéo dài trong khi nhóm bít tiểu nhĩ dừng chống đông trong vòng 45 ngày); giảm 39% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân; giảm 26% nguy cơ tắc mạch não.

Tìm tòi – sáng tạo chinh phục

những kỹ thuật đỉnh cao

TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu - Phó Giám đốc TTTM BV ĐH Y Hà Nội - cho biết: Tiểu nhĩ là một cấu trúc cơ hình ống nối thông với tâm nhĩ trái; có vai trò điều chỉnh cân bằng trương lực thần kinh giao cảm và phó giao cảm, giảm áp lực buồng nhĩ trong suy tim. Với BN bị loạn nhịp tim (rung nhĩ) và hẹp van tim, máu sẽ vào tiểu nhĩ với dòng chảy chậm (vì tiểu nhĩ không có chức năng co bóp) khiến huyết khối hình thành trong tiểu nhĩ. Huyết khối vỡ sẽ gây các tai biến tắc mạch, nặng nhất là tai biến mạch não.
 
Khoảng 90% các ca tai biến mạch não ở BN rung nhĩ không có bệnh van tim, cục máu đông sẽ hình thành từ tiểu nhĩ trái, sau đó sẽ “bắn” vào đại tuần hoàn gây biến chứng tắc mạch nguy hiểm. Trước đây, giải pháp cho BN rung nhĩ là sử dụng thuốc chống đông (để giảm nguy cơ tai biến mạch não). Tuy nhiên, sử dụng thuốc chống đông ở BN rung nhĩ mạn tính có nhiều hạn chế do phải xét nghiệm máu thường xuyên và tương tác thuốc với chế độ ăn và thuốc khác, hơn nữa việc dùng thuốc ở người cao tuổi cần thận trọng. Do vậy, giải pháp tối ưu lúc này đối với BN X. là bít tiểu nhĩ để ngăn máu vào tiểu nhĩ.
 
Trên thế giới, có 2 loại dụng cụ bít tiểu nhĩ (thế hệ 1 và thế hệ 2) được làm bằng kim loại nhớ hình, có độ đàn hồi cao. Dụng cụ bít thế hệ 1 có màng ngăn (đĩa) bên ngoài để máu không lọt vào tiểu nhĩ nhưng lại không chắc vì không có các chỗ bám vào thành tiểu nhĩ, dụng cụ dễ bị tuột. Dụng cụ thế hệ 2 thiết kế có thêm các chỗ bám khiến dụng cụ bám chắc hơn nhưng lại không có đĩa (dễ gây biến chứng bít không kín hoàn toàn tiểu nhĩ). Giá của 2 dụng cụ trên còn khá cao (trên dưới 7.000 USD).
 
Từ ưu, nhược điểm của 2 loại dụng cụ trên, các bác sĩ Việt Nam đã cùng các chuyên gia tim mạch thế giới không ngừng tìm tòi, sáng tạo, nghiên cứu ra một dụng cụ mới (thế hệ thứ 3) được thiết kế có những chân kim loại tì vào thành tiểu nhĩ để cố định chắc chắn dụng cụ và có thêm đĩa ở bên ngoài tạo thành màng ngăn máu, giá thành lại rẻ hơn 1 nửa. TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu đã mời PGS.TS. Yat – Yin Lam của Đại học Trung Hoa Hồng Kông - người đã thực hiện hơn 50 ca bít tiểu nhĩ trên thế giới cùng tham gia kíp can thiệp.
 Dụng cụ thế hệ 3 được bít ở tiểu nhĩ.

Quá trình bít tiểu nhĩ qua da

bằng dụng cụ thế hệ mới

Kíp can thiệp tiến hành đưa catheter từ tĩnh mạch đùi phải lên tâm nhĩ phải, chọc qua vách liên nhĩ vào nhĩ trái, tiếp đó vào tiểu nhĩ. Sau đó đưa dụng cụ theo dây dẫn vào tiểu nhĩ. Tiến hành thả một phần dụng cụ. Sau khi chụp kiểm tra, dụng cụ vẫn nằm đúng vị trí trong tiểu nhĩ, thả toàn bộ dụng cụ (cánh bên trong cố định dụng cụ vào thành tiểu nhĩ, đĩa bên ngoài làm nhiệm vụ cản máu không đi vào tiểu nhĩ). Chụp lại kiểm tra. Tháo rời dụng cụ khỏi dây dẫn. Trong suốt quá trình bít tiểu nhĩ, BN đồng thời được siêu âm qua thực quản để đảm bảo vị trí chính xác của dụng cụ trong tiểu nhĩ.

Ca bít tiểu nhĩ đầu tiên đã diễn ra hết sức thuận lợi trong vòng 30 phút, nhanh hơn so với thời gian phẫu thuật mổ mở hàng tiếng đồng hồ. Ngay sau khi can thiệp, BN hoàn toàn tỉnh táo, tiếp xúc tốt; 12 tiếng sau, BN có thể ngồi dậy sinh hoạt bình thường. So với phương pháp mổ truyền thống, kỹ thuật bít tiểu nhĩ qua da sẽ giúp giảm biến chứng và BN chỉ phải nằm viện trong thời gian ngắn, đồng thời, kỹ thuật này cũng mở ra triển vọng mới để điều trị cho các BN rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao nhưng không thể dùng thuốc chống đông kéo dài với chi phí thấp hơn nhiều so với nước ngoài.

Những thành công liên tiếp trong lĩnh vực tim mạch can thiệp thời gian gần đây mở ra triển vọng và hướng điều trị hiệu quả cho BN tim mạch có nguy cơ cao nhưng không cần phẫu thuật, khẳng định sự sáng tạo không ngừng của các bác sĩ Việt Nam để vươn tới những kỹ thuật đỉnh cao của thế giới.   
   Mai Linh

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn