"Chúng ta rất thiếu sự sáng tạo về chất liệu...", có thể nói, nhận xét trên thường gặp tại bất kỳ cuộc "trình diễn" hội họa nào. Đáng buồn là số đông anh em nghệ sĩ không tự đứng lên để phản biện ý kiến đó, bởi sự thật là họ có thừa chất liệu để "chơi" hội họa, không kể đến những chất liệu quen thuộc như sơn dầu, sơn mài, đá, gỗ... mà ngay cả hoa cỏ cũng có thể "vào tranh" một cách rất tự nhiên, sống động mà không kém phần nghệ thuật.
Có thể lâu nay, quan niệm cứng nhắc của giới hội họa đã trở thành những định kiến làm thu hẹp khả năng sáng tạo nghệ thuật. Ví như vấn đề chất liệu thì nhất thiết cứ phải là chất liệu do ta sáng tạo nên thì mới được đánh giá cao về giá trị thẩm mỹ, còn nếu học hỏi, kế thừa của "tây" thì sẽ bị cho là bắt chước.
Trong lĩnh vực hội họa, sự học hỏi, kế thừa không nên bị đánh đồng với "bắt chước" bởi chỉ có sự chia sẻ, giao lưu mới khiến cho hội họa thế giới phát triển. Quay trở lại chủ đề tranh cỏ, không ai có thể khẳng định nó xuất phát từ châu Âu hay châu Á bởi ý tưởng đưa hoa cỏ thật vào tranh xuất hiện trong ý tưởng của rất nhiều người, bất kể là nghệ sĩ hay người bình thường. Nhưng có thể nói, một trong những tác giả thành công nhất chính là họa sĩ người Nga Alexander Yurkov. Ông nổi tiếng với những bức tranh lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Điều đặc biệt trong tranh của ông là chúng hoàn toàn được tạo nên từ những chiếc lá cây đủ màu sắc ghép lại với nhau.
![]() Tranh của Trịnh Kim Chi. |
Công việc này đòi hỏi thời gian, sự kiên trì, tỉ mẩn bởi nghệ sĩ phải ghép từng chút, từng chút lá để tạo ra những sắc màu sống động và đa dạng như tranh màu dầu. Có thể hàng tuần liền bạn phải ngồi bên một tác phẩm, căng mắt để tìm ra màu sắc phù hợp cho họa tiết tiếp theo. Ngoài ra, nó cũng đòi hỏi sự tinh tế bởi bạn phải nhận ra màu sắc cần tìm trong đám lá khô rơi rụng.
Tại Việt Nam, tranh cỏ không phải thể loại phổ biến, thậm chí có người còn không biết đến chứ chưa nói đến việc dòng tranh này được xếp vào hạng ngang ngửa với tranh khắc gỗ hay tranh đá... Ngay cả cái tên của nó cũng khó thuyết phục được những người xem lâu nay tôn sùng yếu tố hội họa hàn lâm. Vì thế, người làm tranh cỏ thường được xếp vào hàng ngũ nghệ nhân, còn tác phẩm của họ thì được xếp vào "danh mục" sản phẩm thủ công.
Tìm kiếm những đôi tay miệt mài, say sưa với tranh cỏ cũng khó như tìm kim đáy bể. Ở một góc nhỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh (TP. Huế) là trú ngụ hiếm hoi của những bức tranh cỏ. "Gia chủ" chính là chị Trịnh Kim Chi - người tự nhận mình là nghệ nhân chứ không phải một họa sĩ chuyên nghiệp. Từ những cọng rong biển, cỏ lau, cỏ ốc... vô giá trị, chị đã cắt ghép để tạo hình thành những bức tranh với hình ảnh cây đa bến nước, hình ảnh cò sải cánh trên cánh đồng mênh mông. Trước đây, khi cắt từng gọng cỏ trang trí cho tấm thiệp, chị nảy ra ý tưởng phóng to bức thiệp thành bức tranh hoàn chỉnh để những hình ảnh về thôn quê được sinh động hơn. Để có nguyên liệu cho những bức tranh, cứ mỗi dịp hè về, chị lại đi khắp các cánh đồng, vùng chân núi trên địa bàn thành phố để nhặt cỏ, về nhà phơi khô, tẩm màu...
Cứ nghĩ làm tranh cỏ để thỏa mãn niềm đam mê của bản thân, thêm vào đó là chia sẻ tình yêu nghệ thuật, yêu thiên nhiên với những ai có chung sở thích, bởi nhiều khách ghé qua không gian nghệ thuật của chị đã phải thốt lên: "Tranh làm từ cỏ mà đẹp lạ lùng!". Chị coi đó là phần thưởng cho sự nghiệp làm tranh cỏ của mình, đâu nghĩ đến ngày tác phẩm của chị có dịp được tham dự triển lãm tranh do tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, tác phẩm tranh cỏ của chị được chọn để trưng bày trong gian hàng chính và nhận được sự chú ý đặc biệt từ người xem.
Tuy vậy, tác giả vẫn khẳng định, chị làm tranh theo sở thích và chưa bao giờ nghĩ đến chuyện làm đại trà để kiếm lợi nhuận. Mỗi bức tranh cỏ của chị là câu chuyện gần gũi, giản dị, đậm chất làng quê Việt... Mong muốn của chị là làm thật nhiều tranh có hồn để du khách dừng chân ngắm chứ không phải là việc nâng tầm hình ảnh hay giá trị của tranh cỏ trong giới hội họa.
Kiều Thủy