Giải thưởng khoa học rạng danh nền y học nước nhà
GS.TSKH Helmut Schwarz - Chủ tịch Quỹ Alexander von Humboldt cho biết, giải thưởng Friedrich Wilhelm Bessel là một trong những giải thưởng khoa học (KH) danh giá nhất của Đức do Quỹ Alexander von Humboldt trao tặng cho những công trình nghiên cứu đặc biệt xuất sắc và có tính đột phá, có tiềm năng ứng dụng lâm sàng và được cộng đồng KH quốc tế công nhận.
Đề tài giúp PGS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng giành giải thưởng này mang tên: "Tân tạo tuần hoàn trong vạt vi phẫu chủ động và nuôi cấy tế bào trên khuôn vật liệu sinh học để tạo các tổ chức sống mới có cấu trúc không gian ba chiều được nuôi dưỡng dạng trục mạch". Với phương pháp nghiên cứu này, người ta có thể chủ động tạo ra được các cơ quan mới từ chính các tế bào lành lặn trên cơ thể của mình qua việc lấy ra những tế bào khỏe mạnh, nhân giống chúng để tạo ra các cơ quan tương ứng, rồi dùng chính những cơ quan mới được chủ động tạo ra này để cấy ghép nhằm thay thế cho các cơ quan, các tổ chức trong cơ thể đã bị bệnh tật hoặc đã bị hư hỏng từ trước đó. Ví dụ như nếu một bệnh nhân nào đó bị mất tai, mũi hoặc bị mất một bộ phận nào đó trên cơ thể (một đoạn xương, đoạn ruột hay thậm chí là cả 1 quả tim, quả thận, cánh tay, bàn chân...) có hình dáng không gian 3 chiều, người ta có thể nuôi cấy và nhân giống các tế bào tương ứng trong ống nghiệm rồi dịch chuyển chúng vào các khuôn vật liệu sinh học thích hợp để tạo ra các cấu trúc sống mới nhân tạo có hình dáng giống như bộ phận đã bị mất với các đặc tính sinh học theo mong muốn. Tiếp đó, người ta đưa cấu trúc này vào cơ thể đồng thời với việc cấy một cuống mạch vào đó. Sau khi quá trình tân tạo tuần hoàn trong vạt phức hợp đã đầy đủ, vạt tổ chức sống mới nhân tạo này sẽ được dịch chuyển tự do ứng dụng kỹ thuật vi phẫu.
Tổng thống CHLB Đức Joachim Gauck tiếp thân mật PGS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng trong buổi vinh danh khoa học tại Dinh Tổng thống Bevelue ở thủ đô Berlin (7/6/2013). |
PGS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng đã miệt mài nghiên cứu theo ý tưởng khoa học (KH) này trong suốt 14 năm. Cụm đề tài NCKH với cách đề cập độc đáo cùng phương pháp giải quyết sáng tạo đã được cộng đồng KH quốc tế đánh giá rất cao về ý tưởng KH cũng như tiềm năng ứng dụng lâm sàng. Với việc đoạt giải thưởng Friedrich Wilhelm Bessel, ngoài số tiền thưởng trị giá 45.000 euro, PGS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng còn được mời sang hợp tác KH tại Đức trong thời gian ít nhất là 1 năm để tiến hành các nghiên cứu theo những ý tưởng KH mà PGS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng đề xuất.
Con đường nghiên cứu đầy chông gai...
Năm 1995, BS. Nguyễn Thế Hoàng thi đỗ sang CHLB Đức làm nghiên cứu sinh tại BV Ngoại khoa Rechts der Isar thuộc Trường ĐHTH Munich. Khi anh trình bày về ý tưởng muốn thực hiện đề tài "Tân tạo tuần hoàn trong vạt vi phẫu chủ động", GS.TSKH E. Biemer - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình và Phẫu thuật phục hồi của BV Rechts der Isar, người hướng dẫn luận án cho anh đã nhận xét: Đề tài có tính sáng tạo KH rất cao, nhưng ông không chắc BS. Hoàng có thể thực hiện thành công để bảo vệ luận án được hay không? GS. Biemer cũng gợi ý một hướng nghiên cứu khác dễ hơn, khả năng thành công là chắc chắn để hoàn thành đề tài nghiên cứu sinh. BS. Nguyễn Thế Hoàng đứng trước sự lựa chọn: thực hiện niềm đam mê khao khát nghiên cứu, sáng tạo nhưng có thể không thành công và trở về nước với đôi bàn tay trắng hay chọn giải pháp an toàn? Sau 1 tuần trăn trở, anh gõ cửa phòng GS. E. Biemer với câu trả lời rất rõ ràng thể hiện quyết tâm "bướng bỉnh": "Bằng cấp cũng rất quan trọng nhưng không phải là mục tiêu cuối cùng. Tôi rất say mê với đề tài nghiên cứu này và muốn biết hiệu quả cũng như tính khả thi của nó như thế nào". BS. Nguyễn Thế Hoàng không thể quên nụ cười trìu mến và câu nói đầy nhân văn của thầy: "Tôi đồng ý. Anh đã có sự lựa chọn của mình. Cứ làm đi, nếu có khó khăn gì và cần sự giúp đỡ, tôi sẵn lòng chia sẻ".
Trong vòng nửa năm đầu tiên sau khi bắt đầu tiến hành nghiên cứu, đúng như dự đoán của thầy, khó khăn nối tiếp khó khăn, nghiên cứu cứ liên tiếp gặp thất bại. Có lúc cả thầy lẫn trò tưởng như không còn một tia hy vọng nào để có thể tiếp tục thực hiện. Đầu tiên là hiện tượng tân tạo tuần hoàn (TTTH) không xảy ra trong vạt mà lại chui tọt xuống thành bụng. Khó khăn thứ 2 là mối nối vi phẫu mạch máu luôn luôn bị tắc. Những thách thức đó càng khiến người bác sĩ trẻ quyết tâm tìm hiểu và nhận ra: để TTTH xảy ra trong vạt mà không lan xuống dưới thành bụng thì cần phải có 1 tấm gì đó cách ly giữa cuống mạch và thành bụng phía dưới. Anh xin ý kiến thầy và nhận được sự đồng tình. Nhưng khi sử dụng tấm polyethylene để ngăn cách thì không những mối nối vẫn bị tắc mà ngay cả cuống mạch cũng bị hoại tử. Miệt mài trăn trở và suy nghĩ, anh tìm tòi các tài liệu liên quan trong y văn thế giới để đi đến một quyết định quan trọng: chuyển sang dùng tấm silicon thay cho tấm polyethylene. Kết quả thu được có khả quan hơn. Cuống mạch không bị hoại tử nữa, tuy nhiên, hiện tượng TTTH xảy ra với tốc độ tương đối chậm do mối nối mạch máu vẫn bị tắc và do đó sẽ không phù hợp nếu ứng dụng trong điều trị lâm sàng. Không bằng lòng với những kết quả thu được, BS. Hoàng đã mời GS. E. Biemer trực tiếp tiến hành nối mạch nhưng vẫn không khả quan hơn. Sai sót ở đâu đây? Lẽ nào đề tài không có tính khả thi? Lại những đêm dài mất ngủ, những ngày lấy phòng thí nghiệm làm nhà... Và điều kỳ diệu đã xảy ra trong những đêm trắng ấy. Trong đầu BS. Hoàng chợt lóe ra một lời giải đáp: phải chăng do các mối nối mạch máu vi phẫu tiếp xúc trực tiếp với silicon đã tạo nên phản ứng viêm vô khuẩn tại chỗ và đó chính là nguyên nhân gây ra tắc mạch? Hãy thử cách ly chúng với nhau xem sao! Theo ý tưởng đó, anh nảy ra sáng kiến lấy một mảnh cơ bao bọc kín xung quanh mối nối để không tạo tiếp xúc trực tiếp giữa mối nối mạch máu với silicon. Kết quả tuyệt vời hơn cả mong đợi! Ý tưởng này đã giúp anh hoàn thành xuất sắc một công trình nghiên cứu quốc tế rất có giá trị với tiêu đề "Tìm hiểu ảnh hưởng của silicon đến mối nối mạch máu vi phẫu". Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên và có ảnh hưởng lớn trên thế giới, giúp cho các phẫu thuật viên định hướng trong thực hành lâm sàng khi có sự kết hợp đồng thời silicon với dịch chuyển vạt tự do. Công trình đã được công bố trên tạp chí khoa học uy tín của Mỹ Clinical Orthopedic and Related Research năm 2009.
Được thầy khích lệ, BS. Hoàng lại tiếp tục tìm tòi và phát triển công trình nghiên cứu theo nhiều hướng mới, mà mỗi ý tưởng trong đó là một nhánh đề tài khác nhau. Làm thế nào để vạt rộng hơn, mỏng hơn, sát thực hơn với ứng dụng lâm sàng để đạt được hiệu quả tối ưu cả ở nơi cho và nơi nhận? Ý tưởng bơm giãn vạt đã xuất hiện khi anh tham dự một hội nghị KH ở Berlin. Có ý tưởng là lại lập tức bắt tay vào thực hiện. Những thử nghiệm thành công theo hướng này đã giúp vạt TTTH của anh đạt được kích thước lớn như mong ước (tới gần 200% so với kích thước nguyên bản). Nhưng khó khăn vẫn chưa hết. Để chuẩn hóa phương pháp nghiên cứu và để thuyết phục được các nhà nghiên cứu quốc tế, một trở ngại mới lại xuất hiện và đòi hỏi BS. Hoàng phải có câu trả lời thỏa đáng: làm sao để có thể định lượng và định tính được chính xác hệ mạch máu mới tân tạo với cấu trúc chằng chịt như một khu rừng rậm trong vạt? Giải quyết thách thức này thực sự là vô cùng khó vì từ trước tới nay chưa có công trình nghiên cứu nào và cũng chưa hề có ý tưởng hay hướng dẫn, gợi ý nào được công bố trong y văn. "Cái khó ló cái khôn", anh lại lao vào nghiên cứu để rồi cuối cùng tự mình đề xuất được một phương pháp định lượng vi tuần hoàn hết sức độc đáo và KH. Phát minh này được cộng đồng KH công nhận và cho phép công bố trên tạp chí KH nổi tiếng Clinical Orthopedic and Related Research của Mỹ năm 2008. Cho đến nay, đây vẫn đang là phương pháp duy nhất được ứng dụng phổ biến trên thế giới trong định lượng hệ vi tuần hoàn. Phát minh KH rất có ý nghĩa này của BS. Nguyễn Thế Hoàng lại một lần nữa được giới KH trên thế giới đón nhận và đánh giá rất cao, nhiều lần được trích dẫn trong y văn quốc tế.
Quỹ Alexander von Humboldt là một tổ chức hàn lâm KH được tài trợ bởi Chính phủ Ðức nhằm hỗ trợ cho việc hợp tác nghiên cứu giữa các nhà KH Ðức và các nhà KH nước ngoài. Quỹ đã xây dựng được một mạng lưới gồm trên 26.000 nhà KH từ 130 quốc gia trên thế giới. Trong số những người đã nhận học bổng Humboldt hoặc được nhận giải thưởng nghiên cứu KH của Quỹ Alexander von Humboldt, đã có 49 người sau đó được nhận giải thưởng Nobel. |
![]() Kíp PT tham gia ca mổ ghép 2 cánh tay đồng loại đầu tiên trên thế giới tại Munich (CHLB Đức) năm 2008: từ trái qua phải: GS.TSKH W.A. Herrmann (Hiệu trưởng trường ĐHTH Munich); GS.TSKH Machen; BN M. Merk; TS Lazlo Kovacs; GS.TSKH E. Biemer; GS.TSKH C. Hoehnke; GS.TSKH P. Graf; PGS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng. |
Ca phẫu thuật đi vào lịch sử ngành phẫu thuật ghép chi thể thế giới
Năm 2008 là một năm đầy dấu ấn đáng nhớ của PGS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng. Ngoài việc bảo vệ xuất sắc luận án TSKH và nhận học hàm PGS của Trường ĐHTH Munich (CHLB Đức), ông còn là 1 trong 5 phẫu thuật viên chính được mời tham gia thực hiện ca mổ có một không hai trên thế giới tại BV ngoại khoa Rechts der Isar ở Munich, thu hút sự quan tâm, theo dõi của các phương tiện truyền thông đại chúng quốc tế. Đó là ca phẫu thuật ghép 2 cánh tay đồng loại đầu tiên trên thế giới cho một công dân Đức bị mất cả 2 cánh tay trong một tai nạn lao động. "Ca mổ không chỉ cứu 2 cánh tay mà còn cứu cả cuộc sống cho người bệnh", PGS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng nhớ lại. Người BN đó đã bao lần muốn tự tử vì không thể tự mình làm được những công việc dù là đơn giản nhất trong sinh hoạt cá nhân. Để có thể trở lại cuộc sống bình thường, các bác sĩ chỉ còn cách duy nhất là ghép cánh tay cho BN lấy từ người cho chết não.
Khác hẳn với phẫu thuật nối lại chi thể đứt rời đã trở thành thường quy trong lâm sàng, việc ghép chi thể đồng loại phải đối diện với rất nhiều thách thức, khó khăn. Bên cạnh kỹ thuật mổ rất phức tạp và tinh tế, thách thức lớn nhất chính là nguy cơ thải ghép rất cao sau mổ do phản ứng miễn dịch. Ngoài ra, sức sống và sự phục hồi chức năng của chi ghép còn phụ thuộc rất chặt chẽ vào đặc điểm tâm sinh lý của người nhận chi thể ghép, vào sự tuân thủ của BN đối với chế độ tập luyện cũng như việc dùng thuốc chống thải ghép đều đặn sau mổ... Chính vì thế, ghép chi thể đồng loại phải được chuẩn bị hết sức kỹ càng đến từng chi tiết nhỏ nhất, mà đặc biệt là phải xác định được mức độ tương đồng miễn dịch sẵn có giữa người hiến tặng và người nhận.
BN đã phải chờ đợi suốt 6 năm liền cho đến khi có 1 người chết não đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí về tương đồng miễn dịch. Ca phẫu thuật đã diễn ra trong suốt 16 tiếng đồng hồ, từ 22h đêm hôm trước đến 14h30 ngày hôm sau. "Một ca mổ quá căng thẳng và đầy áp lực?". – "Đúng vậy, và không được phép thất bại dù chúng tôi chưa hề có bất kỳ kinh nghiệm nào từ một ca mổ tương tự", PGS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng thổ lộ. Nếu như ghép thận, ghép tim hoặc ghép gan chỉ là ghép một mô tổ chức tương đối thuần nhất thì ghép 2 cánh tay lại phức tạp hơn nhiều lần vì đó là một bộ phận gồm nhiều tổ chức khác biệt như da, gân, cơ, thần kinh, xương, khớp... Thêm vào đó, khối lượng dị vật đưa vào cơ thể là vô cùng lớn sẽ tạo nên những phản ứng miễn dịch thải ghép rất mạnh. "Vậy bên cạnh vấn đề thải ghép, việc phục hồi chức năng của chi ghép sẽ diễn ra như thế nào?". - "Đó là một ca mổ với những thách thức có thể nói là lớn nhất trong cuộc đời phẫu thuật viên của tôi cho đến nay", PGS. Hoàng trả lời. Đến nay, chi ghép đã được 5 năm và vẫn sống bình thường trên cơ thể người nhận. BN giờ đây có thể tự lái xe ôtô, tự đi xe đạp và có thể sử dụng được cả 2 cánh tay ghép một cách thuận lợi trong hầu hết mọi lao động và sinh hoạt hàng ngày.
Với ca phẫu thuật đi vào lịch sử y học này, PGS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng và kíp phẫu thuật đã được Nhà nước Đức trao tặng Huy chương khoa học Karl Max von Bauerfeind – một phần thưởng cao quý dành cho những cá nhân đã có những cống hiến KH đặc biệt xuất sắc. Còn phần thưởng mà BS. Hoàng tự thưởng cho mình sau ca mổ là một bữa tối chóng vánh với chiếc bánh mì kẹp thịt ngay tại phòng làm việc và một giấc ngủ thật ngon đến tận trưa ngày hôm sau!
Một con người "ấn tượng"
Trong hơn 20 năm miệt mài cống hiến và nghiên cứu khoa học, ngoài giải thưởng NCKH Humboldt nói trên, PGS.TSKH. Nguyễn Thế Hoàng đã dành được nhiều giải thưởng danh giá khác như: Giải thưởng khoa học "Johann Nepomuk von Nussbaum" năm 1999 của Hiệp hội ngoại khoa Ðức dành cho nghiên cứu xuất sắc nhất về vi phẫu thuật; Giải thưởng khoa học APKO năm 2009 của Hiệp hội ngoại khoa tạo hình Ðức cho bài báo khoa học quốc tế hay nhất trong năm; Huy chương khoa học Karl Max von Bauerfeind dành cho các cá nhân có những cống hiến khoa học đặc biệt xuất sắc, Giải nhất giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam (VIFOTEC)… |
Sau khi bộ đội tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia (năm 1989), BS. Nguyễn Thế Hoàng trở về công tác tại Khoa Chấn thương chỉnh hình (Khoa B1) của BVTWQĐ 108. Yêu nghề thì phải giỏi nghề. Muốn giỏi nghề thì phải có ngoại ngữ để tiếp cận với y học thế giới. Đó là lý do để người BS trẻ đều đặn sau những giờ làm việc lại miệt mài đến các trung tâm ngoại ngữ buổi tối ở Hà Nội. Những ai từng gặp BS. Hoàng đều bất ngờ về khả năng sử dụng ngoại ngữ của anh. Ngoài tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, tiếng Pháp để đọc các tài liệu chuyên môn, BS. Hoàng đã kiên trì và quyết tâm học giỏi tiếng Đức vì các tên tuổi lớn trong lĩnh vực CTCH trên thế giới hầu hết đều là người Đức. Trong vòng 5 năm (1989-1994), BS. Nguyễn Thế Hoàng đã tốt nghiệp BS chuyên khoa cấp 1 loại giỏi cùng lúc lấy chứng chỉ bằng C cả 3 ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức; thi đỗ học bổng của Cơ quan trao đổi Hàn lâm KH Đức (DAAD) và được nhận sang làm nghiên cứu sinh tại BV Ngoại khoa Rechts der Isar thuộc Trường ĐHTH Munich. Tại đây, năm 1997, ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ y học (Dr. med.) với kết quả xuất sắc và được nhà trường giữ lại làm trợ giảng cho đến năm 1999. Trở về nước công tác, năm 2006, ông được phong hàm PGS và sau đó được nhận học bổng Humboldt để tiếp tục tiến hành những nội dung của đề tài nghiên cứu mà ông ấp ủ và đang làm dang dở tại CHLB Đức trước đó. Sau gần 3 năm nghiên cứu, đến tháng 9/2008, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học (Dr. med. habil.) với kết quả xuất sắc tại Trường ĐHTH Munich. Tháng 10/2008, ông được nhận học hàm PGS của trường ĐHTH Munich.
GS.TSKH Edgar Biemer - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình và Phẫu thuật phục hồi của BV Rechts der Isar, nguyên Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình Đức, người đã từng xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam đã giành những nhận xét hết sức trìu mến về người học trò Việt Nam yêu quý: "Tôi có rất nhiều học trò đến từ khắp các quốc gia trên thế giới nhưng chưa có người nào tôi ấn tượng như BS. Hoàng và cũng chưa có người nào đạt được những thành công vang dội như thế trong KH".
Day dứt một niềm thương
Người có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của PGS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng là người cha - người đồng nghiệp lớn. Hướng con theo học ngành y, ủng hộ quyết định của con trai xin đi chiến trường Campuchia, cha lặng lẽ dõi theo con qua mỗi chặng đường. BS. Hoàng nói rằng ông luôn nhận được sự yêu thương, ủng hộ vô bờ bến của cha, rằng cha ông đã rất mong thấy các con trưởng thành... Vậy mà khi ông bảo vệ thành công luận án TSKH và đạt được những giải thưởng KH quốc tế lớn thì người cha thân yêu đã không còn nữa! Đó là điều tiếc nuối lớn nhất, là nỗi day dứt khôn nguôi đối với ông. Là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng của Quỹ Alexander von Humboldt, vinh dự này, ông dành trọn để kính tặng cho cha mình.
"Thành công là một cuộc hành trình chứ không phải là điểm đến" (A. Moravia). Trong cuộc hành trình không mệt mỏi chinh phục những đỉnh cao KH, cùng với các nhà KH xuất sắc khác của Việt Nam, PGS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng đã góp phần đưa tiềm năng chất xám nước nhà bước ra sánh vai cùng thế giới, tạo tiền đề cho các nhà nghiên cứu trẻ tiếp bước để sẽ có thêm nhiều tên tuổi Việt Nam được xướng lên tại các lễ trao giải KH mang tầm quốc tế.
Mai Linh