Bulgaria giữa mùa hoa hồng nở

27-06-2008 10:43 | Quốc tế
google news

Từ lâu, Bulgaria đã được mệnh danh là "xứ sở hoa hồng" - quốc hoa, bởi đi đến đâu trên đất nước này, người ta đều được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa hồng, vốn được tôn vinh là nữ hoàng của các loài hoa.

Từ lâu, Bulgaria đã được mệnh danh là "xứ sở hoa hồng" - quốc hoa, bởi đi đến đâu trên đất nước này, người ta đều được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa hồng, vốn được tôn vinh là nữ hoàng của các loài hoa. Người Bulgaria lấy hoa hồng làm biểu tượng cho đất nước. Cuối tháng 5 đầu tháng 6 là mùa hoa hồng nở rộ. Vì vậy, đến Bulgaria vào những ngày này, chúng tôi như đi giữa một rừng hoa thơm ngát, rực rỡ sắc màu.

Lên thăm thung lũng hoa hồng

Bulgaria gọi thành phố Kazanlưk là "thủ đô hoa hồng" của cả nước, thuộc tỉnh Stara Zagora, nằm ở thung lũng hoa hồng, cách Sophia 200km về phía đông, ở độ cao 350m so với mực nước biển. Thành phố ra đời từ thế kỷ 15 và người dân nơi đây đã bắt đầu trồng hoa hồng và chế biến các sản phẩm từ hoa hồng từ 300 năm trước. Đến cuối thế kỷ 19, Kazanlưk bắt đầu nổi tiếng về sản xuất tinh dầu hoa hồng và một số nghề thủ công.

Giám đốc Viện nghiên cứu khoa học về hoa hồng và tinh dầu hoa hồng, GS. Nedko Nedkov cho chúng tôi biết: Đây là viện nghiên cứu hoa hồng duy nhất trên thế giới, thành lập cách đây hơn 100 năm (1907-2007). Viện nghiên cứu trồng được 1.500 loại hoa hồng và chỉ có hoa hồng Bulgaria là loại nhiều tinh dầu nhất. Đặc biệt, Damacena là giống hoa hồng cho tinh dầu chất lượng nhất, chỉ có thể trồng ở Kazanlưk, mang sang các địa phương khác cách vài ba chục cây số là chất lượng đã kém hẳn. Nó ưa loại khí hậu đặc thù của thành phố Kazanlưk, nắng nóng ban ngày và giá lạnh ban đêm. Đây cũng là cơ sở chưng cất được loại tinh dầu hoa hồng tốt nhất thế giới.

Đi qua đỉnh đèo Sipka cao 1.326m trên dãy núi Balkan về phía Nam hơn chục cây số, chúng tôi bắt đầu tiến vào thung lũng hoa hồng. Những cánh đồng hoa trải dài theo thung lũng chừng 130km, nhìn hút tầm mắt. Cây hoa hồng ở đây dáng không đẹp nhưng hoa nở thành chùm, mỗi cành trên dưới 10 bông, to bằng bông cúc đại đóa và mùi thơm tỏa ra ngào ngạt. Đi trên đường, vào viện nghiên cứu hay công ty sản xuất kinh doanh mỹ phẩm, ở đâu cũng thơm nức hương hồng. Ai không ưa dùng mỹ phẩm khi đến xứ này, tâm hồn sẽ ngất ngây như trạng thái say men rượu.

Chúng tôi có cuộc trò chuyện với Giáo sư giám đốc Nedko Nedkov và được ông cho biết những thông tin về nghề sản xuất, nghiên cứu và kinh doanh hoa hồng của Bulgaria: Bulgaria hiện có 36.000ha hoa hồng, riêng ở thành phố Kazanlưk có 6.000ha. Mỗi ha thu hoạch được 1 tấn cánh hoa và cứ 4 tấn cánh hoa chiết xuất được 1kg tinh dầu. Sản lượng và chất lượng hoa phụ thuộc vào thời tiết; nếu mùa xuân có mưa đều thì chất lượng tinh dầu hoa năm đó cao hơn. Năm 2007, giá bán tinh dầu đắt nhất là 5.000 euro/kg. Mỗi năm Bulgaria sản xuất được 3 tấn tinh dầu, xuất khẩu toàn bộ sang Pháp, Anh và các nước Ảrập, chiếm gần 50% thị phần tinh dầu thế giới. Bên cạnh Viện hoa hồng còn có Bảo tàng hoa hồng, lưu giữ được những dụng cụ chưng cất hoa và tinh dầu từ 200 năm trở lại đây. Thùng chứa tinh dầu bằng đồng cách đây 200 năm nhưng khi mở nút đậy, vẫn còn hương thơm quyến rũ.

 Thiếu nữ Bulgaria dùng tay hái hoa hồng không phải điều ai cũng làm được.
Nhân lên mối giao thương và tình hữu nghị

Bulgaria là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1950. Nhiều công dân Việt Nam đã được đào tạo ở Bulgaria, trong đó có những người đang giữ các cương vị trọng trách trong bộ máy nhà nước. Gần 1.000 người Việt Nam hiện đang sinh sống làm ăn trên đất nước hoa hồng, một số từng được học tập và lao động ở Bulgaria mấy chục năm trước đang là cầu nối cho quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Đến thăm khu chợ kinh doanh của bà con Việt kiều, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hồng Hải, quê Quảng Nam, sang Bulgaria từ năm 1982, nay anh là người thành đạt trên đất bạn với nghề kinh doanh bất động sản và vật liệu xây dựng ở thành phố Razlog; anh Nguyễn Văn Đệ, quê Tuyên Hóa, Quảng Bình, sang Bulgaria năm 1980, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Bulgaria; anh Âu Duy Đức, người phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội... Các anh cho biết: 5 năm trở về trước, do một số ít thanh niên lao động Việt Nam gây ra những vụ tiêu cực trên đất bạn nên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ hữu nghị hai nước. Bạn đã phối hợp với ta giải quyết triệt để, trục xuất những phần tử xấu đó về nước và tình hình đã được cải thiện rõ rệt. 5 năm nay, nhiều người Việt Nam kinh doanh giỏi, đời sống nâng cao, lại được bạn tạo điều kiện giúp đỡ nên bà con yên tâm làm ăn lâu dài trên đất bạn. Thế hệ con cháu người Việt Nam ở Bulgaria những năm gần đây xuất hiện nhiều tấm gương học giỏi, hằng năm được bầu chọn 2-4 cháu về dự trại hè ở Việt Nam. Vị thế người Việt Nam trong con mắt các bạn Bulgaria ngày càng được nâng lên.

Phía sân sau của khu chợ có một nhà hàng ăn uống mang tên Indochina của một người Việt Nam, vợ người Bulgaria. Cửa hàng bán cả món ăn châu Á và châu Âu. Khách vào ăn uống khá tấp nập. Chúng tôi để ý một số khách châu Âu cũng gọi những món ăn bình dân của Việt Nam và họ tỏ ra quen thuộc với những món ăn này. Bên cạnh đó là dãy hàng sản phẩm may mặc với hàng chục ki-ốt của người Việt Nam. Hàng hóa chủ yếu nhập về từ Trung Quốc, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ nhưng được người châu Âu ưa thích...

Đức Toàn (Từ Sophia, Bulgaria)


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Tags: