BS. Hoàng Công Lương được cho là “thiếu trách nhiệm, vi phạm nghiêm trọng quy định về khám chữa bệnh. Mặc dù chưa nhận được bàn giao việc sửa chữa bằng văn bản, nhưng bác sĩ Lương vẫn tiến hành chạy thận cho các bệnh nhân”.
Tôi xin đưa ra hai tình huống: Nếu giả thiết bác sỹ Lương chờ nhận được cái giấy bàn giao thì có thể một số bệnh nhân cũng gặp rủi ro cao như phù phổi cấp, toan chuyển hoá, tăng Kali máu… Ngay cả khi BS. Lương hoàn thành mọi thủ tục, văn bản thì chất lượng nước RO vẫn vậy và anh cũng không ngăn được 8 cái chết thương tâm, bởi nguyên nhân không nằm ở sự thiếu hay thừa một tờ giấy. Trong khi đó, pháp luật vốn rất "vô tình" chỉ làm việc trên những văn bản, giấy tờ mà thôi.
Lệnh khởi tố BS. Lương không còn là câu chuyện riêng của một bác sĩ. Nó sẽ gieo rắc nỗi sợ lên những người như tôi, như các bạn hàng ngày vẫn làm những công việc giống như bác Lương. Một cảm giác giằng xé giữ cái tâm của người thầy thuốc và việc bảo vệ chính mình. Thiết nghĩ, một khi các bác sĩ đều kiên định bảo vệ bản thân trước hết bằng việc răm rắp hoàn thành mọi thủ tục hành chính, lúc đó thảm họa y tế sẽ thực sự mới bắt đầu…
Một khía cạnh khác là tâm trạng của những người làm hồi sức cấp cứu, khi ở khoa xảy ra một ca ngừng tuần hoàn đột ngột thì đã gây ra một sự xáo trộn công việc không nhỏ để tập trung cấp cứu bệnh nhân. Vậy mà, bạn hãy hình dung cảnh cấp cứu ngừng tuần toàn cho gần chục người, để rồi bất lực nhìn từng bệnh nhân lần lượt ra đi trước mắt mình...
Có lần một phóng viên hỏi tôi rằng: Khi cấp cứu ngừng tim cảm xúc của anh thế nào, anh có thương bệnh nhân không khi thấy các anh rất ‘lạnh’? Tôi nói rằng: Lúc đó không có thời gian giành cho cảm xúc mà giành cho trí tuệ, người bác sỹ hồi sức phải có cái đầu lạnh và một trái tim nóng. Nhưng dù bản lĩnh đến mấy, cái đầu lạnh thế nào vào tình huống như ở bệnh viện Hoà Bình thì cảm giác tuyệt vọng, hụt hẫng vẫn bao trùm lên tâm trí người làm cấp cứu, thậm chí bị shock tinh thần và ám ảnh họ suốt đời. Do đó, chính các bác sỹ cũng cần được “cấp cứu”.
Sau sự việc của BS. Lương, các bác sĩ hồi sức có giải pháp gì khi có bệnh nhân cần chạy thận để vừa cứu được bệnh nhân đúng tâm của người thầy thuốc, vừa bảo vệ được chính mình.
TS.BS Lưu Quang Thuỳ - Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa – BV Hữu nghị Việt Đức sau ca cấp cứu ngừng tuần hoàn cho một bệnh nhân
Tôi có một giải pháp cụ thể: nếu bệnh nhân có điều kiện, huyết động bấp bênh tôi sẽ dùng siêu lọc liên tục (CVVH) vì phương pháp này không phải đả động gì đến nước RO cũng như “văn bản” bàn giao. Nếu bắt buộc phải chạy thận chu kỳ thì chuyển bệnh nhân và máy thở, monitoring, thuốc vận mạch…đến nơi nào có cái…nước RO chuẩn và đã có “biên bản” bàn giao đàng hoàng, lúc đó vừa an toàn cho bệnh nhân, "an toàn" cho bác sỹ - điều dưỡng thực hiện công việc cứu người, và ta lại có thời gian ngẫm nghĩ sự đời hoặc ít ra cũng có time để chia sẻ kiến thức cho học viên, đồng nghiệp vì mình trở thành thầy giáo.
Với tôi, điều khó khăn nhất của ta không phải là đối mặt với thất bại và sự đả kích, mà là khi phải hứng chịu dày vò. Tuy vậy, ta vẫn không thể vì thế mà đánh mất đi nhiệt tình đối với cuộc đời này!