Bóng đá Việt Nam xây lại từ móng

15-09-2013 10:53 | Văn hóa – Giải trí

Đã rất nhiều lần dư luận kêu gọi một cuộc đại cải tổ cho bóng đá Việt Nam. Một ông chủ có tiếng tăm trong làng bóng Việt Nam từng nói: "Muốn cải tổ phải chịu mất mát.

Đã rất nhiều lần dư luận kêu gọi một cuộc đại cải tổ cho bóng đá Việt Nam. Một ông chủ có tiếng tăm trong làng bóng Việt Nam từng nói: "Muốn cải tổ phải chịu mất mát. Thậm chí, dừng các giải đấu 1 - 2 năm để cấu trúc lại toàn bộ cũng nên làm". Rõ ràng, qua việc "xây nhà từ nóc" cũng như những lùm xùm thời gian qua, bóng đá Việt Nam đã ở điểm dừng cuối cùng.

Dấu hỏi về năng lực tổ chức

Là một nền bóng đá chậm phát triển và đã được AFC khuyến cáo từ lâu, nhưng phải đến khi các ông bầu chịu không nổi cách điều hành thì VFF mới xúc tiến cho ra đời Công ty VPF. Quá trình chuẩn bị vội vã chỉ trong vòng 1 tháng của công ty này dẫn đến bị động về nhân sự cũng như kinh nghiệm. Các nhân tố chủ chốt của VPF đều là người của VFF. Đã thế, thay vì là người đi sau, phải tận dụng kinh nghiệm của giải bóng đá nhà nghề Nhật Bản (nguyên mẫu) thì những nhà điều hành bóng đá Việt lại vội vã muốn đẩy nhanh số lượng các CLB chuyên nghiệp mà không cần bất kỳ tiêu chuẩn nào. Thậm chí, chỉ vì thiếu đội mà phải đặc cách cho Đồng Nai thăng hạng để có đủ 12 CLB cho mùa giải 2013 và tiến tới 14 CLB cho mùa 2014, bất chấp mọi biến động về kinh tế, xã hội có thể khiến phân nửa CLB ấy "biến mất" bất cứ lúc nào. Sự phá sản của mùa giải 2013 đã nhìn thấy rõ từ trước. Mất 3 tháng trì hoãn mới tổ chức được.
 
Bóng đá Việt Nam xây lại từ móng 1
 Đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Xuân Gụ
Nhà tài trợ Eximbank phải "ôm" cả 3 giải đấu đủ thấy tài chính của các giải không ổn định. Một loạt đội bóng giải tán vì không có tiền cho thấy nguy cơ bỏ giải giữa chừng là rất hiển nhiên. Thế nhưng, chẳng có bất kỳ sự điều chỉnh nào cho phù hợp thực tế. Đã vậy, những người trực tiếp điều hành các giải đấu đều đã và đang làm việc cho VFF, từng mắc không ít sai lầm trước đây trong công việc. Nó khiến cho mọi quyết tâm cải tổ nền bóng đá nhanh chóng rơi vào tình trạng "bình mới, rượu cũ".

Cốt lõi là đào tạo trẻ

Có lẽ đến lúc này, các nhà quản lý cần có sự dũng cảm như bóng đá Malaysia đã làm ở giữa thập niên 90 thế kỷ trước. Vụ án bán độ năm 1994 đã khiến nền bóng đá Malaysia tổn hại nghiêm trọng với hơn 100 cầu thủ nhận án kỷ luật do dàn xếp tỷ số. Mất hơn 10 năm, từ đống tro tàn, bóng đá Malaysia hồi sinh cả trên phương diện bóng đá trẻ và đội tuyển quốc gia. Đến năm 2004, họ lại xây dựng thành công giải chuyên nghiệp Super League và cũng mất thêm 5 năm nữa mới có được thành công tại AFF Cup 2010, SEA Games 2009, 2011...

Bóng đá Việt Nam xây lại từ móng 2
 HAGL- Đồng Tâm Long An góp phần làm bóng đá Việt Nam nổi bật hơn. Ảnh: Xuân Gụ

Mọi nền bóng đá muốn phát triển đều phải dựa trên năng lực đào tạo trẻ. Nhiều năm gần đây, bóng đá Thái Lan có vẻ sa sút về thành tích nhưng chưa ai phủ nhận đẳng cấp của họ vẫn là số 1 tại Đông Nam Á. Không duy trì được thành tích đỉnh cao nhưng đẳng cấp của bóng đá Thái Lan lại có được dựa trên một nền tảng cực rộng và chất lượng. Chỉ riêng tại Bangkok, mỗi năm có hơn 1.000 cầu thủ trẻ ở độ tuổi 6-16 tuổi được thi đấu theo mô hình chuyên nghiệp. Các học sinh của hệ thống trường quốc tế ở Bangkok có giải đấu riêng, mỗi năm cung cấp thêm 500 em đi vào bóng đá chuyên nghiệp. Riêng hệ thống bóng đá dành cho học sinh, có hơn 1.000 đội khác nhau, thi đấu quanh năm (chỉ tính riêng tại Bangkok). Ngoài 3 hạng đấu cấp quốc gia gồm Premier League, hạng nhất và hạng nhì, bóng đá Thái Lan còn có giải vô địch các địa phương (tương đương hạng ba) chia thành 5 vùng trong cả nước, cung cấp một nguồn cầu thủ vô tận cho bóng đá chuyên nghiệp.

Nhìn nước bạn mới thấy, hệ thống bóng đá Việt Nam còn thiếu nhiều lắm. Thành ra, nói đến chuyện cải tổ bóng đá Việt Nam là cả một cuộc cách mạng về tư duy và sự dũng cảm của những nhà quản lý.

Đăng Linh


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn