Bộ Y tế yêu cầu 6 bệnh viện làm rõ thông tin taxi độc quyền "chặt chém" người dân

26-10-2017 20:09 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chiều 26/10, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có Công văn khẩn số 1565/KCB-QLCL gửi 6 bệnh viện trên địa bàn Hà Nội yêu cầu khẩn trương làm rõ thông tin báo chí đưa về việc "Taxi độc quyền tại bệnh viện "chặt chém" người dân".

6 bệnh viện gồm gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Thanh Nhàn phải khẩn trương làm rõ thông tin báo chí đưa về việc "Taxi độc quyền tại bệnh viện "chặt chém" người dân" theo yêu cầu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Bộ Y tế.

Theo đó, trong 2 ngày 25 và 26-10, trên các phương tiện truyền thông có đăng tải thông tin qua bài viết "Taxi độc quyền tại bệnh viện "chặt chém" người dân". Nội dung bài báo phản ánh, hiện nay, nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đang chấp thuận cho một số hãng taxi vào khai thác theo hình thức độc quyền. Hậu quả là người dân đến bệnh viện không có sự lựa chọn, đành phải dùng dịch vụ taxi giá cao, chất lượng phục vụ thấp. Thậm chí, các hãng taxi ký hợp đồng độc quyền với các bệnh viện còn ép khách trả tiền theo giá thỏa thuận...

Về việc này, Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị Giám đốc 6 bệnh viện nêu trên khẩn trương xác minh thông tin báo chí phản ánh; mặt khác, báo cáo công tác tổ chức cung cấp dịch vụ vận chuyển người bệnh không cần trợ giúp của y tế và dịch vụ vận chuyển người bệnh cần có trợ giúp y tế, đồng thời nêu rõ thực trạng và đề xuất giải pháp tăng cường nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển người bệnh tại bệnh viện. Báo cáo cần được gửi về Cục Quản lý khám chữa bệnh trước ngày 2/11.

Một hãng taxi được gọi là "độc quyền" tại Bệnh viện Việt Đức

Dịch vụ vận chuyển bằng taxi là một trong các dịch vụ thuê khoán ngoài tại bệnh viện, về vấn đề này, tháng 10/2016, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã ký Quyết định số 6197/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn quản lý dịch vụ thuê, khoán bên ngoài tại bệnh viện.

Theo Bộ Y tế, dịch vụ thuê, khoán ngoài tại bệnh viện là các dịch vụ bệnh viện được bệnh viện ký hợp đồng với đơn vị cung cấp bên ngoài bệnh viện để cung cấp một phần hoặc toàn bộ dịch vụ. Dịch vụ thuê, khoán bên ngoài tại bệnh viện bao gồm các dịch vụ có mục đích phục vụ cho công tác quản lý bệnh viện, nhu cầu người bệnh và gia đình người bệnh trong thời gian khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện.

Theo đó, các loại hình dịch vụ thuê, khoán bên ngoài như: Dịch vụ bảo vệ, an ninh trật tự; Dịch vụ vệ sinh công nghiệp và vệ sinh ngoại cảnh; Dịch vụ bảo quản thi hài người bệnh tử vong trong bệnh viện; Dịch vụ vận chuyển người bệnh không cần trợ giúp của y tế; Dịch vụ vận chuyển người bệnh cần có trợ giúp y tế; Dịch vụ ăn uống trong bệnh viện; Dịch vụ trông giữ xe; Dịch vụ ngân hàng hỗ trợ thanh toán cho người bệnh; Dịch vụ cung cấp hàng hóa, siêu thị mini; Dịch vụ bưu chính viễn thông… đều được quy định rõ ràng và các điều khoản ràng buộc nhằm đảm bảo quyền lợi người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Các đơn vị cung cấp dịch vụ phải bảo đảm năng lực cung cấp dịch vụ với đầy đủ tư cách pháp nhân, đủ năng lực phương tiện, thiết bị và nhân lực để cung cấp dịch vụ, bảo đảm chất lượng dịch vụ và chịu trách nhiệm dịch vụ do mình cung cấp; đồng thời, phải bảo đảm chịu trách nhiệm về dịch vụ và thường xuyên phản hồi về chất lượng dịch vụ...

Công văn của Bộ Y tế gửi các bệnh viện chiều ngày 26/10

Quyết định cũng quy định rõ, trên hợp đồng dịch vụ phải thể hiện rõ các điều kiện về chấm dứt hợp đồng hoặc có hình thức xử lý khi vi phạm các nguyên tắc, nội dung đã được ký kết giữa bệnh viện và đơn vị cung cấp dịch vụ như: Cung cấp dịch vụ kém chất lượng so với cam kết trong hợp đồng trách nhiệm; Không đáp ứng với các tiêu chuẩn kỹ thuật về cung cấp dịch vụ; Thu không đúng với giá niêm yết, hoặc cao hơn giá thị trường với cùng chủng loại hàng hoá dịch vụ và điều kiện phục vụ; Người bệnh phàn nàn về tinh thần, thái độ phục vụ tuỳ theo mức độ vi phạm, hoặc tái phạm nhiều lần không được xử lý; Chịu trách nhiệm bồi thường cho bệnh viện trong trường hợp mất mát, hư hỏng do nhân viên của đơn vị cung cấp dịch vụ gây ra…

Theo Quyết định này, bệnh viện có biện pháp quản lý chất lượng dịch vụ, giá của các dịch vụ cung cấp như thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng; không giao khoán toàn bộ cho đơn vị cung cấp dịch vụ để tránh tình trạng bắt ép người bệnh sử dụng dịch vụ hoặc cung cấp dịch vụ với giá cao. Giám đốc bệnh viện tổ chức chỉ đạo, giám sát triển khai thực hiện dịch vụ thuê, khoán bên ngoài tại các bệnh viện. Bệnh viện quản lý thông tin dịch vụ thuê, khoán bên ngoài, thực hiện chế độ quản lý thông tin dịch vụ thuê, khoán bên ngoài. Mặt khác, giao trách nhiệm cho từng bộ phận khoa, phòng phù hợp tương ứng với mỗi loại hình dịch vụ, thường xuyên kiểm tra, giám sát theo đúng kế hoạch và nội dung giám sát định kỳ được Giám đốc bệnh viện phê duyệt.

Quy định này cũng nêu rõ, khi phát hiện tổ chức, cá nhân thực hiện các dịch vụ thuê ngoài không đảm bảo những cam kết với bệnh viện, có hành vi gây khó khăn cho người bệnh và người nhà bệnh nhân hoặc thu phí không đúng theo quy định hợp đồng đã ký kết thì bệnh viện chấn chỉnh hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng thực hiện

 


Thái Bình
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn