Cùng tham dự buổi làm việc về nội dung này, về phía Bộ Y tế có đại diện các Vụ, Cục, Viện thuộc và trực thuộc Bộ Y tế;
Về phía WHO có TS Angela Pratt - Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam; Về phía UNICEF có bà Rana Flowers - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam; Về phía Đại sứ quán Úc có Ngài Andrew Goledzinowski - Đại sứ Úc tại Việt Nam, các chuyên gia trong lĩnh vực y tế của các tổ chức quốc tế và một số đơn vị liên quan...
Sẽ tổ chức tiêm bù, tiêm vét vaccine phòng bệnh sởi cho khoảng gần 1,4 triệu trẻ em
Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Hoàng Minh Đức đã báo cáo kết quả đánh giá nguy cơ, kế hoạch phòng chống sởi năm 2024. Theo đó 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức thực hiện đánh giá nguy cơ dịch sởi.
Kết quả cho thấy 7/63 tỉnh được đánh giá có nguy cơ rất cao là Hà Tĩnh,TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang. 7/63 tỉnh được đánh giá là có nguy cơ cao là Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Cà Mau. 9 tỉnh nguy cơ trung bình và số còn lại là các tỉnh, thành có nguy cơ thấp.
Các biện pháp chuyên môn phòng, chống dịch sởi được thực hiện kịp thời. Với công tác giám sát, các đơn vị chuyên môn tiếp tục rà soát các biện pháp giám sát, phòng chống dịch sởi theo hướng dẫn tại Quyết định số 4485/QĐ-BYT ngày 05/12/2022 của Bộ Y tế, phát hiện sớm các trường hợp mắc sởi và thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để nhằm hạn chế lây lan theo quy định.
Với công tác tiêm chủng, tiếp tục duy trì tổ chức tiêm chủng thường xuyên các mũi vaccine sởi cho trẻ dưới 1 tuổi đạt > 90%; tỷ lệ tiêm vaccine sởi – rubella cho trẻ từ 18 tháng đạt 95% trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ vaccine chứa thành phần sởi. Tiêm chiến dịch để phòng, chống sởi, dự kiến triển khai tại 14 tỉnh (miền Bắc 2 tỉnh; miền Nam 11 tỉnh, Tây Nguyên: 1 tỉnh).
Về đối tượng dự kiến: tại Miền Bắc, trẻ từ 1-10 tuổi; Miền Nam, đối tượng tiêm khác nhau theo từng địa phương (Từ 6 - 10 tuổi, 9 tháng - 5 tuổi, 11 tháng – 7 tuổi, 3 – 10 tuổi); Tây Nguyên, trẻ từ 9 tháng - 5 tuổi.
Tổng số đối tượng dự kiến tiêm là khoảng gần 1,4 triệu. Về nhu cầu vaccine cần khoảng 100.000 liều vaccine sởi và 1,58 triệu liều vaccine sởi - rubella.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng nghe các ý kiến của đại diện các đơn vị liên quan đến hoạt động phòng chống dịch tại Việt Nam, tập trung vào các vấn đề về số liệu đánh giá nguy cơ, hoạt động giám sát sinh phẩm, hoạt động tiêm chủng tại Việt Nam và khả năng cung ứng vaccine tại Việt Nam.
TS Angela Pratt - Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá cao việc thực hiện đánh giá nguy cơ bệnh sởi trên tất cả các tỉnh để xác định nguy cơ, vướng mắc và xây dựng kế hoạch chuẩn bị và ứng phó.
Theo bà "việc đánh giá nguy cơ là bằng chứng/dữ liệu bổ sung quan trọng để hiệu chỉnh biện pháp ứng phó đối với bệnh sởi".
TS Angela Pratt cũng nêu rõ: WHO ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Y tế trong việc giải quyết những vướng mắc trong việc mua vaccine phục vụ cho tiêm chủng thường xuyên...
Bà Rana Flowers - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam khẳng định UNICEF sẽ luôn đồng hành cùng Bộ Y tế Việt Nam trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh. Bà cho rằng chiến dịch tiêm chủng dự kiến tập trung vào 14 tỉnh có nguy cơ là hợp lý.
Bộ Y tế đã có những chỉ đạo sát sao để cung ứng vaccine cho Tiêm chủng mở rộng
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định trong thời gian qua, Bộ Y tế đã có những chỉ đạo sát sao để cung ứng vaccine cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng, đảm bảo miễn dịch cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng.
Đối với chiến dịch tiêm chủng, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì những vùng có dịch bệnh thì địa phương sẽ phải chủ động mua vaccine và thuốc điều trị để ứng phó với dịch.
"Năm nay chúng tôi hy vọng WHO, UNICEF và Đại sứ quán Úc sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến dịch tiêm chủng với 14 tỉnh có nguy cơ cao, và sẽ bổ sung độ tuổi cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng để từ năm sau là tất cả trẻ ở độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng.
Như vậy chúng ta có thể tiêm thường xuyên hàng năm và không cần phải tiêm theo chiến dịch nữa. Đây sẽ là kế hoạch lâu dài và bền vững, tránh được việc phải rà soát và tiêm chiến dịch hàng năm rất bị động"- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nói.
Thông tin tại buổi làm việc, Bộ Y tế cho biết để khắc phục tình trạng thiếu thuốc điều trị, Bộ Y tế đã họp và báo cáo Chính phủ chỉ đạo các địa phương là phải đảm bảo 4 tại chỗ, đảm bảo thuốc, vật tư để chẩn đoán, dự phòng cũng như điều trị dịch bệnh.
Ngày 9/7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký công điện về phòng chống dịch bệnh mùa hè trong đó chú trọng đến các hoạt động cụ thể để phòng chống các dịch bệnh. Truyền thông đúng và trúng đến người dân để người dân đi tiêm đúng lịch, đủ liều, nếu chưa được tiêm đúng lịch, đủ liều thì phải đi tiêm vét, tiêm bù theo hướng dẫn của các cơ quan y tế.
Mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế trong phòng chống dịch bệnh
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ lời cảm ơn đến các tổ chức quốc tế đã chủ động phối hợp với Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh, thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, sau dịch COVID-19 nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam cũng đang phải đối diện với nguy cơ bùng phát các dịch bệnh trong đó có dịch sởi. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực, cố gắng khôi phục lại Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13 trong đó quyết định Trung ương sẽ tiếp tục mua vaccine cho các địa phương, và từ đó thì Bộ Y tế làm việc với các đơn vị để chuẩn bị đấu thầu. Cùng với đó, để đảm bảo tính dài hạn Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị đưa vào kế hoạch 2025.
"Với công tác tiêm bù, tiêm vét, theo đánh giá đến nay chúng ta thực hiện tốt. Cục Y tế dự phòng đã có đánh giá và đưa ra 14 tỉnh nguy cơ cần thực hiện chiến dịch tiêm chủng. Yêu cầu Cục Y tế dự phòng sớm làm việc với các chuyên gia quốc tế để thống nhất kế hoạch triển khai chiến dịch theo thời gian phù hợp. Đồng thời cần bổ sung đối tượng trẻ em trong cộng đồng để tiêm chủng kịp thời"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết thực tế hiện nay, việc chi ngân sách, các địa phương rất lúng túng khi dịch xảy ra, do đó Cục Y tế dự phòng và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Vụ Kế hoạch tài chính cần có văn bản hướng dẫn về cơ chế mua sắm khi có tình huống dịch xảy ra.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ mong muốn WHO và UNICEF, Đại sứ quán Úc sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế trong chiến dịch tiêm chủng tới đây...