Sử dụng thuốc lá điện tử tăng nguy cơ sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc lá
Tại cuộc gặp mặt báo chí về phòng chống tác hại của thuốc lá mới đây, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết, theo báo cáo tổng hợp từ gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc Sở Y tế và trung tâm y tế huyện: Chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử.
Trong đó, số người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử tập trung nhiều nhất ở lứa tuổi từ 65 tuổi trở lên với 580 ca nhập viện, lứa tuổi từ 45-64 có 377 ca nhập viện, lứa tuổi từ 25-44 có 138 ca nhập viện, lứa tuổi từ 19-24 có 58 ca nhập viện, lứa tuổi từ 16-18 có 44 ca nhập viện và lứa tuổi dưới 16 tuổi có 27 ca nhập viện.
Theo Tổ chức Y tế thế giới ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử cũng gây nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng tương tự thuốc lá thông thường. Trong thuốc lá điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện, vì thế trẻ vị thành niên khi sử dụng có thể vật vã, khó chịu.
Nicotine làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, các cơn đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng và các vấn đề sức khỏe khác. Đặc biệt còn gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, làm suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ do não bộ của trẻ chưa hoàn thiện.
Ngoài ra, thuốc lá điện tử và kể cả một số loại thuốc lá mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy.
Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.
"Theo Tổ chức Y tế thế giới, chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường. Ngược lại, bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử tăng nguy cơ sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc lá"- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói
Số quốc gia, vùng lãnh thổ cấm thuốc lá điện tử tăng lên
Dẫn số liệu của Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Campaign for Tobacco-Free Kids, Hoa Kỳ, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết số lượng các quốc gia và vùng lãnh thố áp dụng chính sách cấm sản phẩm thuốc lá điện tử đang tăng lên.
Cụ thể, đã có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ quy định cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan ( Trung Quốc) và Venezuela đã chuyển từ quy định kiểm soát sản phẩm này như dược phẩm sang quy định cấm hoàn toàn.
Trong khu vực ASEAN, đã có 5 quốc gia quy định cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia.
Đối với thuốc lá nung nóng, đã có ít nhất 18 quốc gia cấm (trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN gồm Capuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Brunei).
Không có quốc gia nào bán thuốc lá nung nóng dưới dạng dược phẩm được cấp phép và thuốc kê đơn theo phác đồ điều trị. 71 quốc gia quản lý thuốc lá nung nóng (trong đó 27 quốc gia thuộc khối Liên minh Châu Âu). Việc quản lý có sử dụng các biện pháp phòng ngừa là khác nhau.
Trong báo cáo về vấn đề này gửi các Đại biểu Quốc hội tại phiên giải trình về quản lý nhà nước đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ Y tế cho hay, các quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng biện pháp cấm hay quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội, tình hình sử dụng thuốc lá hiện tại và năng lực quản lý, theo dõi và kiểm định của mỗi quốc gia.
Các quốc gia có quy định cấm khi các biện pháp kiểm soát thuốc lá theo Công ước khung về kiểm soát thuốc lá chưa được thực hiện tốt hoặc toàn diện, tỉ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành vẫn còn cao, có những hạn chế về nguồn lực quản lý, theo dõi và thực thi pháp luật.
Đặc biệt, các quốc gia này lựa chọn áp dụng nguyên tắc "cẩn trọng" để ngăn chặn sự bắt đầu và giảm thiểu tác hại cho người dân do thuốc lá mới gây ra khi mà bằng chứng khoa học về tác hại và tác dụng của nó là chưa đầy đủ nhưng việc sử dụng trong cộng đồng tăng lên khiến cần khẩn cấp ngăn chặn.
Bộ Y tế đưa ra thông tin các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với thuốc lá điện tử ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2020 đến Quý I năm 2024, Công an cả nước phát hiện, xử lý 728 vụ/883 đối tượng liên quan đến thuốc lá thế hệ mới (trong đó khởi tố do phạm tội về ma túy 162 vụ/ 299 đối tượng; khởi tố về tội buôn lậu 2 vụ/2 đối tượng; còn lại xử lý hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ.
Phát biểu tại phiên giải trình về quản lý nhà nước đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, tỉ lệ sử dụng các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ngày càng tăng, nhất ở giới trẻ, đặc biệt với học sinh - nhóm đối tượng hiểu biết chưa đầy đủ, dễ bị tác động, lôi kéo.
Trên thị trường, đã xuất hiện tình trạng pha trộn, tẩm ướp các chất gây nghiện trong sản phẩm thuốc lá điện tử, nung nóng. Trong khi đó, việc quảng cáo, mua bán qua mạng xã hội tràn lan, thiếu kiểm soát chất lượng, nhất là các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu.