Ông nhắc lại: “Khi cho ý kiến với đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải cho các thành phố lớn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao các địa phương lập đề án trình HĐND do đặc thù từng nơi là khác nhau”.

Số lượng xe cá nhân tại Hà Nội đã ở mức báo động nên tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra.

Bộ trưởng Thăng cho biết thêm, tại đề án trình Chính phủ cuối năm 2013, cơ quan này đã dự kiến việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ thực hiện bằng nhiều cách như theo từng tuyến đường, loại phương tiện, trong những khoảng thời gian nhất định.

Ông cũng đề nghị: “Hà Nội và TP.HCM nên chủ động lập phương án về vấn đề này, Bộ Giao thông – Vận tải sẽ phối hợp thực hiện”.

Còn nhớ, cuối năm 2013, tại đề án trình Chính phủ, Bộ GTVT đã đặt ra một số ưu tiên như: Phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng; đầu tư các điểm trung chuyển; phát triển trung tâm quản lý và điều hành vận tải công cộng; đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị theo quy hoạch.

Trước đó, ngày 28.12, tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề xuất Chính phủ cho phép Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế xe cá nhân. Ông Chung dự kiến, trong khoảng 4-5 năm tới, tình hình giao thông Thủ đô sẽ rất phức tạp nếu không có giải pháp quyết liệt từ lúc này.

“Bình quân mỗi tháng trên địa bàn thành phố có 18.000-20.000 xe máy đăng ký mới và từ 6.000-8.000 ôtô đăng ký mới, với tốc độ này và nhất là từ năm 2018 khi các dòng thuế liên quan giảm, thì đến năm 2020 Hà Nội có gần 1 triệu ô tô (chưa kể ô tô của các lực lượng vũ trang) và 7 triệu xe máy”, ông Chung nói.