"Chúng tôi cảm ơn nghĩa tình của người dân thành phố"
Sáng 29/10, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác của TPHCM đã đến Bộ Y tế làm việc, gặp mặt tri ân các lực lượng y tế tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19.
Tại buổi gặp mặt, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ: "Đồng chí Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ rằng rất cảm động, khó nói. Khi chỉ huy thì dễ hơn khi ngồi nhớ lại, nói lại việc mình làm. Đây là việc rất khó khăn với chúng tôi".
Người đứng đầu ngành Y tế chúc mừng thành phố đã bước đầu chiến thắng dịch bệnh COVID-19, cuộc sống đang dần trở lại bình thường. Thành phố đã trải qua những thời khắc khó khăn, khốc liệt.
"Các đồng chí nói nhiều đến các bài học kinh nghiệm, chúng tôi cho rằng trong đó có sự đóng góp, đồng lòng, nhất trí của người dân Thành phố dù đã trải qua những thời khắc khó khăn, mất mát… Chúng tôi cảm ơn người dân Thành phố trong lúc khó khăn đã luôn nỗ lực, kề vai cùng lực lượng tuyến đầu, lực lượng y tế để cùng chống dịch" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, dù dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp song TPHCM đã trải qua những thời khắc cam go, khốc liệt:"Có lẽ trong cuộc đời người làm nghề y, đây là trận chiến khốc liệt nhất. Đúng như nhiều giáo sư, các thầy, các bác sĩ cũng nói rằng 4 tháng chống dịch tại TP HCM còn có thể nhiều hơn kinh nghiệm của 5 năm, thậm chí cả cuộc đời. Có nhiều người đã trải qua thời khắc rất khó khăn".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, quyết định điều động một lực lượng nhân lực lớn vào Thành phố là không hề dễ.
"Lúc đầu chúng tôi điều động 39 cán bộ chủ chốt của Bộ Y tế vào hỗ trợ, đồng hành với thành phố phòng chống dịch. Tiếp đó là huy động lực lượng lớn nhân lực y tế vào hỗ trợ thành phố. Thống kê bước đầu có gần 25.000 lượt cán bộ y tế, 39 đơn vị y tế của Bộ đã điều động vào TPHCM" - Bộ trưởng nói.
Nhớ lại thời điểm điều lực lượng vào TP HCM với con số đến hơn 10.000 người, Bộ trưởng cho biết thời điểm đó "chúng ta đã mường tượng ra cuộc chiến ở TP HCM khốc liệt hơn rất nhiều".
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: "Câu chuyện thiết lập, vận hành Trung tâm hồi sức tích cực là cực kỳ quan trọng". Bộ Y tế và các đơn vị chỉ có con người, trang thiết bị, máy móc nhưng nếu không có thành phố chia sẻ, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, về hậu cần... thì Bộ Y tế khó có thể thần tốc thiết lập, vận hành được các Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 của Bộ Y tế tại TPHCM.
"Không chỉ chúng tôi mà rất nhiều y bác sĩ từ TP HCM trở về đã bày tỏ lời tri ân với TPHCM, với nghĩa tình của Thành phố và của người dân đã hỗ trợ mọi mặt cho lực lượng y tế trong những ngày chống dịch tại TP HCM"- Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ
Những chia sẻ của người trở về từ tâm dịch...
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, GS. TS Trần Bình Giang - Giám đốc BV Việt Đức "chỉ huy" Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thiết lập tại BV Dã chiến số 13 của TP HCM cho hay, ngay sau khi nhận lệnh của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tối 27/7 về việc BV Việt Đức điều nhân lực vào TP HCM để thiết lập, vận hành 1 Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19, chỉ hơn 1 tuần sau, ngày 5/8, BV Việt Đức đã điều 300 chuyên gia, cán bộ và y bác sĩ vào để vận hành trung tâm này.
"Lúc đầu tôi cũng chưa hình dung ra được thiết lập thế nào, vận hành ra sao, nhưng TP HCM đã chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ để việc thiết lập được nhanh chóng... Ban đầu tôi dự kiến "anh em Việt Đức" phải ở lại 4- 6 tháng cùng thành phố, nhưng chỉ 2,5 tháng BV Việt Đức đã rút quân, để khống chế dịch bệnh tại một thành phố hơn 10 triệu người dân không dễ, nhưng thành phố đã làm được điều đó. Thành quả này có rất nhiều yếu tố, nhưng chúng tôi cho rằng trong đó sự vào cuộc đồng bộ, chỉ huy quyết liệt của Thành phố là rất quan trọng" - GS.TS Trần Bình Giang chia sẻ.
Cũng theo Giám đốc BV Việt Đức, vào TP HCM không phải vào làm việc gì ghê gớm mà đó là sự chia sẻ với thành phố về công tác điều trị. Các trung tâm này đã tiếp nhận điều trị các bệnh nhân nặng để tuyến dưới của Thành phố tập trung điều trị ca nhẹ. Rồi chiến lược túi thuốc tận nhà, trạm y tế lưu động…. cùng nhiều cách làm khác đã giúp thành phố chiến thắng dịch bệnh.
Hơn 600 cán bộ, nhân viên y tế của BV Việt Đức và gần 200 nhân viên y tế của BV Phụ sản TW, BV Việt Đức đã cùng nhau duy trì, vận hành hoạt động của Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19.
"Về phía chúng tôi cũng có được nhiều bài học đó là những kinh nghiệm đúc rút được trong điều trị bệnh truyền nhiễm vì trước nay lực lượng y tế của 3 bệnh viện tại trung tâm này chưa hề tiếp cận" - Giám đốc BV Việt Đức nói.
Chia sẻ những kỷ niệm chống dịch tại huyện Củ Chi, địa phương đầu tiên của TP HCM đẩy lùi được dịch COVID-19, TS Nguyễn Vũ Trung - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ, Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Y tế tại Củ Chi - TP HCM xúc động kể về nghĩa tình của cán bộ và người dân địa phương đối với lực lượng chi viện.
"Bản thân tôi chưa bao giờ tham gia chiến dịch đặc biệt như vậy. Tôi có may mắn có thời gian công tác tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và cũng trải qua nhiều đợt phòng chống dịch như tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, đợt dịch COVID-19 thứ nhất và hai, tuy nhiên đợt dịch COVID-19 lần này rất đặc biệt. Có những bài học mãi mãi không bao giờ quên được, con đường tôi đã đi, những suất cơm, cân táo được người dân Củ Chi đùm bọc cán bộ y tế chi viện…" - TS Trung nhớ lại.