Bổ... chửng vì nuốt mật cá trắm

08-03-2010 19:07 | Thời sự

Mỗi năm, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) phải tiếp nhận trên dưới 10 trường hợp ngộ độc do nuốt mật cá để "bồi bổ" mà chủ yếu là mật cá trắm.

Mỗi năm, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) phải tiếp nhận trên dưới 10 trường hợp ngộ độc do nuốt mật cá để "bồi bổ" mà chủ yếu là mật cá trắm. Điều đáng nói là trên các phương tiện thông tin đại chúng đều đã cảnh báo rất nhiều về loại ngộ độc này nhưng dường như vẫn chẳng được người dân quan tâm.

 Bệnh nhân N. đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) sau khi bị ngộ độc do nuốt mật cá.
Nuốt mật để vào…bệnh viện!

Từ mấy năm nay, anh N.Đ.N., 29 tuổi, ở Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội luôn thấy sức khỏe suy giảm, người mệt mỏi, căng thẳng, hay đau đầu. Đi khám ở nhiều nơi nhưng không được cải thiện. Anh N. nghe theo một số người nói ăn mật cá trắm rất tốt cho sức khỏe, có thể chữa trị được chứng bệnh đau lưng và đặc biệt tốt cho nam giới. Thế là sau khi mổ xong con cá trắm nặng hơn 3,5 kg, anh đã nuốt trọn chiếc mật cá to bằng ngón tay cái. Nào ngờ, bổ đâu chưa thấy, chỉ vài giờ sau khi uống mật cá, anh N. bị nôn thốc nôn tháo nhiều lần và ngày hôm sau thì đi tiểu ít dần. Anh được người nhà đưa vào Trung tâm Chống độc cấp cứu trong tình trạng viêm dạ dày, viêm tắc ống thận và tổn thương gan nặng. BS Đặng Thị Xuân, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân N. cho biết: Cũng may là bệnh nhân được đưa đến bệnh viện kịp thời và được điều trị tích cực nên sau khoảng 2-3 tuần điều trị, bệnh nhân có thể phục hồi các chức năng gan, thận. Bệnh nhân được bài niệu cưỡng bức để thải chất độc ra ngoài mà không cần phải chạy thận nhân tạo. BS Xuân cho biết thêm, nếu bệnh nhân được đưa vào viện chậm trễ thì với chiếc mật cá to như vậy, rất có thể đã nguy hiểm đến tính mạng hoặc nhẹ nhất là tắc ống thận, gây suy thận, suy gan, phải lọc máu liên tục với chi phí rất tốn kém và thậm chí kéo dài đến hàng tháng. Hiện sức khỏe của anh N. đã ổn định, các chức năng gan, thận dần hồi phục.

Còn trường hợp anh Nguyễn Thế P. ở Thốt Nốt, Cần Thơ, cũng bị ngộ độc mật cá trắm để tăng “sức mạnh đàn ông”. Số là, mới ngoài tứ tuần nhưng anh đã "yếu" nhiều, nghe bạn bè nói rằng dùng mật cá trắm phơi khô, rồi nuốt chửng còn hiệu nghiệm hơn nhiều viagra, anh hý hửng về nhà tự mua cá trắm, rồi âm thầm phơi khô. Được 2 ngày nắng, anh đem ra uống với rượu. Chỉ hơn 1 giờ uống rượu mật cá trắm, anh P. bị đau bụng dữ dội, "miệng nôn, trôn tháo", lăn lóc khắp nhà. Rất may con trai anh đi chơi về, thấy bố đau bụng, nôn nhiều đã đưa anh vào cấp cứu ở bệnh viện thành phố, mới cứu được tính mạng của anh.

Không được uống mật cá trắm

Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Đông y, BVTWQĐ 108 cho biết, theo y học cổ truyền, mật động vật kể cả loại độc và không độc vẫn được dùng như một loại dược liệu chữa bệnh. Tùy từng loại có thể dùng uống trong hay bôi ngoài da. Tuyệt đối không uống mật cá trắm!. Mật cá trắm chỉ có thể dùng bôi ngoài da để chữa mụn nhọt theo kinh nghiệm dân gian. Tuy nhiên, việc sử dụng như thế nào phải theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc, đúng liều lượng. Người dân không nên tin vào những lời đồn không có cơ sở và chưa được y học kiểm chứng, gây họa cho chính mình và người thân.

Không nên tin vào mật cá trắm

TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết: Năm nào trung tâm cũng phải tiếp nhận trên dưới 10 ca ngộ độc do nuốt mật cá trắm. Trên thực tế, dù là trong sách vở hay các bài thuốc Đông y, chưa từng có thầy thuốc nào dám kê đơn mật cá cho người bệnh để bồi bổ sức khỏe và cũng chưa có ai chứng minh được mật cá là tốt. Trong khi đó, những người uống mật cá hầu như đều bị ngộ độc, nhiều nhất là ngộ độc mật cá trắm. Triệu chứng dễ nhận thấy nhất sau khi uống mật cá là gây rối loạn tiêu hóa, buồn nôn và nôn nhiều lần, tiêu chảy sau vài giờ, tiếp đó là đi tiểu ít dần và vô niệu gây viêm ống thận cấp sau khoảng 1-2 ngày. Mật cá cũng có thể gây nên các triệu chứng về gan như vàng mắt, vàng da, viêm gan. Trường hợp nhẹ bệnh nhân bị đau bụng, nôn, đại tiện lỏng, nhưng tiểu tiện vẫn bình thường. Trường hợp nặng, bệnh nhân đau bụng dữ dội, nôn thốc tháo và tiêu chảy rất nhiều. Tiếp theo đó là tiểu tiện ít, phù do suy thận cấp. Có những trường hợp rất nặng, bệnh nhân không có nước tiểu, phù to, khó thở, hôn mê và dẫn đến tử vong.

Ngộ độc mật cá không còn là một bệnh xa lạ với y học và trước đây đã từng có nhiều người bị tử vong do uống mật cá. Hiện nay, trình độ y học ngày càng hiện đại và với các thiết bị máy móc tân tiến, các bác sĩ có thể điều trị tốt cho những trường hợp bị ngộ độc dạng này nếu được đưa đến bệnh viện kịp thời. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà người dân vẫn tin vào những điều truyền miệng không có căn cứ mặc dù các cơ quan thông tin đại chúng đã cảnh báo rất nhiều. Uống mật cá để bồi bổ, lợi thì chưa thấy mà chỉ thấy bổ... chửng, liệu cánh mày râu có nên đùa với tử thần?!

Hạ Hiền


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn