Bí thư Thành ủy Đà Nẵng: 'Cần cẩu làm chết dân, từng anh một phải từ chức'

22-10-2013 09:44 | Thời sự
google news

"Nếu cần cẩu rớt xuống mà chết dân thì từng anh một phải từ chức" là khẳng định của ông Trần Thọ - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trước những bất cập trong công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 11.

"Nếu cần cẩu rớt xuống mà chết dân thì từng anh một phải từ chức" là khẳng định của ông Trần Thọ - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trước những bất cập trong công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 11.

Chiều 21/10, Bí thư Thành uỷ kiêm Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Trần Thọ và Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến đã chủ trì cuộc họp đánh giá công tác ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 11 trên địa bàn.

Ứng phó bão thành công

Sau khi nghe báo cáo của Ban chỉ đạo khắc phục bão số 11, Bí thư thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ đánh giá cao thành tích của các lực lượng trong công tác chuẩn bị, ứng phó trước khi bão số 11 đổ bộ.

Các lực lượng Công an, Quân khu 5, Bộ đội biên phòng và lãnh đạo các địa phương đã quyết liệt trong công tác sơn tán, di dời hàng trăm ngàn người dân cùng hàng ngàn phương tiện nghề cá vào nơi tránh trú bão an toàn và đưa toàn bộ ngư dân lên bờ, không để xảy ra tình trạng người chết trong bão.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng: 'Cần cẩu làm chết dân, từng anh một phải từ chức'  1
Sơ tán hàng vạn người dân và di dời phương tiện khỏi nơi nguy hiểm trước bão số 11 là thành công của Đà Nẵng trong ứng phó với bão số 11  
Để ứng phó với bão số 11, Đà Nẵng đã kịp thời sơ tán gần 100.000 dân, trong đó có 9.168 hộ với hơn 45.000 dân ở các khu vực xung yếu và khoảng 41.000 sinh viên, công nhân tại các khu nhà thiếu kiên cố ra khỏi vùng nguy hiểm trước khi bão tới.

Đánh giá cao công tác khắc phục sau bão, ông Trần Thọ cho rằng kết quả lớn nhất mà Đà Nẵng đạt được là nhanh chóng tổng vệ sinh, đưa hàng vạn tấn rác thải, cây xanh ngã đổ ra khỏi thành phố, trả lại nhịp sống bình thường cho đô thị. Đặc biệt là sự vào cuộc tổng lực của các đơn vị mà không chỉ ngành Tài nguyên –Môi trường thành phố.

Việc khôi phục nhanh mạng lưới cấp điện, cấp nước, đảm bảo thông tin liên lạc vệ sinh phòng dịch, quản lý giá cả thị trường, sửa chữa nhà cửa bị sập đổ, tốc mái cho người dân, nhanh chóng hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 11,... của các cơ quan, sở ban ngành và lãnh đạo các địa phương cũng được Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đánh giá cao.

Lộ diện nhiều bất cập

Tại cuộc họp, ông Trần Thọ đã truy vấn Giám đốc Sở Xây dựng về công tác chuẩn bị ứng phó, đảm bảo an toàn đối với các công trình xây dựng trước khi bão đổ bộ. Đặc biệt, đối với trường hợp cần cẩu tháp tại công trình xây dựng toà nhà Viettinbank tại ngã tư Yên Bái - Trần Quốc Toản không tháo dỡ trước khi bão đổ bộ nhằm đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh.

Qua công tác kiểm tra trước khi bão số 11 đổ bộ, ông Trần Thọ cho biết, ông cùng với Chủ tịch UBND TP đến khu vực kiểm tra thì thấy cần cẩu quay trong gió bão mạnh, trong khi đó nhà dân san sát bên dưới.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng: 'Cần cẩu làm chết dân, từng anh một phải từ chức'  2
Một công trình trên đường Hoàng Sa (Đà Nẵng) không tháo cần cẩu tháp trước khi bão đổ bộ gây nguy hiểm cho người dân bên dưới 
Ông Trần Thọ cho hay: “May mà lúc đó quận Hải Châu đã di dời được một số hộ dân ở đây, chứ nếu cần cẩu này rớt xuống làm chết vài người thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Tôi có nói nếu nó rớt xuống mà chết dân thì từng anh một cũng phải từ chức. Không có biên bản nào hết, không có cái biên bản nào, trách nhiệm nào bằng việc để chết dân. Cái đó phải nói cho rõ! Người ta đã báo bão từ mấy ngày trước, tại sao anh vẫn để cần cẩu quay lung tung trên trời như thế?"

"Ở đường Nguyễn Văn Linh từng xảy ra sự cố chết người một lần rồi. Anh Hùng (ông Phạm Việt Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng - PV), phải làm việc với chủ dự án này, xử phạt một cách nghiêm khắc chứ không chỉ lập biên bản. Chết người mà biên bản gì? Không thể làm cái biên bản chịu trách nhiệm, ký vô là được. Không có cái biên bản nào, trách nhiệm nào bằng việc để chết dân", ông Trần Thọ nhấn mạnh

Liên quan đến tình trạng hàng loạt cây xanh của Đà Nẵng bật gốc, ông Trần Thọ tiếp tục “truy” Giám đốc Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan: “Vì sao 95% cây xanh của thành phố ngã đổ sau bão? Tất nhiên đầu tiên là vì bão. Cái đó không ai cãi. Nhưng vì sao ở quận Sơn Trà trồng mấy chục cây không ngã đổ, nhiều nhà dân trồng cũng không ngã đổ trong khi cây xanh trên tất cả các tuyến đường đều bị ngã hết?”.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng: 'Cần cẩu làm chết dân, từng anh một phải từ chức'  3
Theo ý kiến người dân, cây xanh trên địa bàn TP Đà nẵng bật gốc sau bão số 11 là do công tác cắt tỉa cành trước bão không được thực hiện tốt 
“Mấy ngày qua, người dân nhắn tin cho tôi nói có 3 lý do khiến cây ngã đổ. Một là trồng cạn quá, chôn không sâu, rễ cây không bám được vào đất. Hai là không chặt tỉa bớt cành lá, để nhiều quá nên bão vào, gió quật là ngã đổ. Ba là không chằng chống. Người ta trồng một cái cây là có 4 cây chống xung quanh cho cây đứng vững, còn ở đây anh không chằng chống, hoặc chằng chống thì đại khái, qua loa", ông Thọ cho biết.

"Anh Hùng về tổ chức hội thảo, họp rút kinh nghiệm xem nguyên do. Nếu đúng như lời người dân nhắn tin cho tôi thì giải pháp khắc phục thế nào? Anh nào nghiệm thu ? Anh nào giám sát để xảy ra như vậy? Phải làm nghiêm túc cái đó !", ông Thọ nhấn mạnh.

Ông Trần Thọ cho rằng, công tác khắc phục còn nhiều bất cập. Việc để các bảng quảng cáo bị gió bão xé rách nhưng không tháo gỡ gây mất mỹ quan đô thị cần được xử lý cũng như công tác dọn dẹp rác, cây xanh sau bão.

“Nhà dựng lại còn được, rác còn đưa ra khỏi thành phố huống chi mấy bảng quảng cáo bị gió bão đánh tơi tả, trơ bộ xương không mà không làm được để trả lại sự bình thường cho thành phố? Người dân đang nhìn xem sự điều hành của chính quyền, lãnh đạo của cấp uỷ Đảng trong việc khôi phục tình hình trở lại sau bão. Hơn nhau là ở chỗ đó, chứ để lâu quá không được, cần phải giải quyết nhanh các biển quảng cáo phản cảm đó đi”, ông Thọ nói.

Phải có sẵn kịch bản

Về công tác thu dọn rác, ông Trần Thọ yêu cầu các đơn vị phải có kịch bản, kế hoạch trong công tác thu gom, dọn dẹp rác phát sinh sau bão, tránh bị động như thời gian qua.

“Đà Nẵng hầu như năm nào cũng có bão. Hắn vô thì kệ hắn, không cho vô cũng không được. Quan trọng là phòng chống, khắc phục ra sao ? Công tác thu gom, vận chuyển rác ban đầu rất lúng túng, có người lại không có phương tiện. Thậm chí các đơn vị quân đội xuống đứng cả buổi nhưng không có phương tiện để làm nên rất lãng phí”, ông Thọ nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng: 'Cần cẩu làm chết dân, từng anh một phải từ chức'  4
Theo ông Trần Thọ, công tác khắc phục sau bão cần có kế hoạch, đơn vị chủ trì tránh lúng túng 
"Sau bão thì phải làm gì, nhân lực ở đâu, bao nhiêu người, xe ở đâu… Tất tần tật phải có kế hoạch. Chúng ta phải có kịch bản, bởi năm nào mình cũng có bão lụt. Vì vậy từng ngành, trước bão, trong bão và sau bão, theo chức năng của mình, có sẵn kịch bản. Hết bão rồi thì lật ra, cứ thế mà làm chứ không để đến lúc đó chạy chỗ này, kêu chỗ kia. Nếu không bão thì bỏ vô tủ, sang năm có bão thì mình lại tiếp tục mở ra làm, cái gì cần thì cập nhật, bổ sung", ông Trần Thọ nói.

Kết thúc cuộc họp, ông Trần Thọ cho rằng, thời gian của năm 2013 không còn nhiều mà công việc còn bề bộn nên song song với việc chỉ đạo các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, các cấp các ngành cần ưu tiên tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão, sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.

Lãnh đạo phải làm hết việc chứ không chỉ làm hết giờ. Cường độ làm việc của lãnh đạo phải nhiều hơn. Tất cả phải vào cuộc chứ không để chỉ chính quyền làm. Có như thế, chúng ta mới nhanh chóng khôi phục cuộc sống của người dân sau bão.
 
Theo VTC News

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn