Bí quyết trả lời những câu hỏi hóc búa của con

01-11-2014 13:26 | Đời sống
google news

Bạn trả lời ra sao khi bé con hỏi "Làm thế nào để tạo ra em bé", "Nhà mình giàu hay nghèo?", "Vì sao người ta lại chết"...

Mỗi khi hỏi bố mẹ điều gì, biểu cảm dễ thấy ở trẻ là nhíu nhíu mày, há miệng, mắt mở to không chớp... Rất có thể bé chỉ nhận được sự im lặng, bởi bé đã hỏi một câu quá hiểm hóc hoặc bố mẹ không biết trả lời thế nào. Thường trẻ bắt đầu hay hỏi khi ở tuổi mầm non. Dưới đây là những câu hỏi khó của trẻ và gợi ý bố mẹ cách trả lời hoặc không nên nói điều gì với con.

"Tại sao người ta lại chết?"

Các biến thể có thể gặp là: "Sau này mẹ có chết không?", "Nếu mẹ chết, ai sẽ chăm sóc con", "Gấu bông có lên thiên đường không?"...

Điều bé thực sự muốn hỏi là gì? Có thể, khi một người quen nào đó qua đời, trẻ bắt đầu hỏi về cái chết. Theo các chuyên gia, câu hỏi này không phổ biến ở trẻ nhỏ nhưng hoàn toàn có thể gặp. Khi trẻ nhỏ hỏi về cái chết, chúng thường lo lắng nhất về sự an toàn của chính mình.

"Nếu ai đó thân thiết với trẻ qua đời - dù là một người thân hay một vật nuôi - trẻ có thể bắt đầu tự hỏi liệu mình rồi có chết không và có bị chia cách với cha mẹ không", Robert Brooks, bác sĩ tâm lý lâm sàng tại trường y Harvard (Mỹ) nói. Theo ông, sự hiểu biết của một đứa trẻ tuổi mầm non về cái chết là không đầy đủ, vì vậy không hiếm trường hợp người lớn nghe thấy con nói những câu như "Con biết bà đã mất rồi nhưng ngày mai con vẫn sẽ nhìn thấy bà đúng không ạ?".

Ảnh minh họa: Scfamilylaw.com.

Trả lời thế nào? "Thay vì lúng túng mãi mới nói về cái chết, hãy giảm bớt sự nghiêm trọng của vấn đề. Phản ứng thông minh là quay lại hỏi ngược trẻ: "Con nghĩ gì về điều này", tiến sĩ tâm lý Myrna Shure (Mỹ) gợi ý. Đây không phải là một sự lảng tránh. Nếu câu trả lời của trẻ cho thấy con thực sự lo lắng rằng sẽ không có nơi nương tựa khi có điều gì đó xảy ra với bố mẹ, bạn có thể nói với con là bạn sẽ luôn đảm bảo bé được yêu thương, chăm sóc.

Nếu một ai đó mà trẻ biết qua đời, hãy nhắc cho bé biết người đó tốt bụng, đôn hậu thế nào bằng cách chia sẻ những câu chuyện hay xem lại các bức ảnh của người ấy. Nói với bé về thiên đường là nơi tốt đẹp, nếu bạn muốn. Thể hiện rằng mặc dù trẻ không còn nhìn thấy người ấy nữa, bé vẫn có thể luôn nghĩ về hay trò chuyện với họ.

Không nên nói gì? Đảm bảo tuyệt đối không bao giờ là một ý hay. "Nói với con rằng "Chúng ta chắc chắn sẽ ổn thôi" là không thực sự chính xác. Tốt hơn là sử dụng những cụm từ nhẹ bớt, chẳng hạn như "Không phải máy bay nào cũng rơi con ạ", nhà tâm lý Brook gợi ý. Câu trả lời này chế ngự sự sợ hãi nhưng vẫn trung thực.

Nếu một vật nuôi chết, tốt nhất là đừng nói những điều như "Thật buồn khi bạn ấy ra đi nhưng chúng mình sẽ sớm có chú chó khác". Một em bé mầm non thường coi vật nuôi như một thành viên trong gia đình, có thể nghĩ "Nếu con chết, mẹ sẽ sớm có em bé khác đúng không?".

"Nhà mình có bao nhiêu tiền?"

Câu hỏi biến thể khác là: "Nhà mình giàu hay nghèo?", "Chúng ta không đủ tiền' nghĩa là thế nào?", "Tại sao con lại không thể có xe trượt giống như bạn"...

Điều bé thực sự muốn hỏi là gì? Câu hỏi về tiền bạc thường cho thấy một đứa trẻ đang nghĩ "Liệu mình có được tất cả những thứ mình muốn không?". Vì hầu hết trẻ nhỏ không biết được sự khác nhau giữa đồng 5 xu với đồng 10 xu, những câu hỏi của trẻ hiếm khi liên quan tới các vấn đề lớn, như tình trạng xã hội hay sự ổn định tài chính. Trẻ chỉ quan tâm việc tiền là thứ mẹ dùng để thỏa mãn các nhu cầu của chúng, vì vậy nghĩa của câu hỏi thực sự rất khác nhau, phụ thuộc vào thứ trẻ muốn hay cần lúc đó.

Cách trả lời: Thay vì nói về các vấn đề lớn liên quan đến khả năng tài chính của gia đình, bạn giải thích với trẻ rằng: "Có những thứ chúng ta có thể mua và có những thứ chúng ta không thể mua được", sau đó liệt kê một số thứ này. Sau đó bạn có thể nói: "Vậy hãy nói cho mẹ nghe con muốn thứ gì?". Theo nhà tâm lý Shure, nếu một đứa trẻ đòi tiền mẹ, dù chỉ là vài nghìn hay vài chục nghìn, bạn có thể đáp "Ồ, con muốn mua gì nếu con có số tiền đó?". Câu phản hồi này sẽ giúp bạn biết điều con muốn là gì. Nếu trẻ chỉ muốn tiền vì bé thấy mẹ có nó, bạn có thể sắm cho trẻ một con lợn đất hay gấu nhỏ đựng tiền lẻ tiết kiệm.

Điều không nên nói: Đừng nói về tiền bạc kiểu chung chung. Những cụm từ kiểu như "Nhà mình không có nhiều tiền thế" có thể làm nảy sinh sự lo lắng về sự đảm bảo của gia đình. Việc nói về số tiền cụ thể cũng chẳng có nghĩa lý gì lắm. Nếu bạn đang ở trong một cửa hàng đồ chơi và cô con gái nhỏ muốn thứ gì đó đắt tiền, hãy cho bé lựa chọn là mua thứ gì khác hay giải thích rằng đồ chơi đặc biệt này nằm trong nhóm những thứ chỉ có thể mua được vào dịp lễ hội.

"Chúa là gì?"

Các câu kiểu tương tự: "Tại sao tất cả bạn bè con không đi đến nhà thờ như chúng ta?", "Chúa có biết con làm việc xấu không?", "Chúa Jesus là ai?"...

Điều bé thực sự muốn hỏi: Theo nhà tâm lý Brooks, những câu hỏi kiểu này của trẻ không phải lúc nào cũng liên quan đến tôn giáo, đặc biệt là ở trẻ tuổi mầm non. Đơn giản, hằng ngày bé hay nghe nhiều người nói những câu liên quan, kiểu như "lạy Chúa", Chúa phù hộ cho con"... nên câu hỏi của trẻ thường đơn giản là để hiểu những thứ chúng nghe, thấy. Điều này không có nghĩa là hình ảnh Chúa không có ý nghĩa tinh thần gì với trẻ. Nghĩ về Chúa thường báo hiệu bước khởi đầu của sự cảm thông. Ở độ tuổi này, nếu trẻ cảm thấy tệ hay có lỗi về điều gì đó, trẻ có thể tự hỏi liệu chúa có phải là một phần của sự công bằng, liệu Chúa có nhìn thấy mình hay giúp bé giải quyết các vấn đề khó khăn của mình không.

Cách trả lời: Cách trả lời tùy thuộc vào đức tin của bạn là gì. Đầu tiên, bạn cần nhìn nhận lại chính những giá trị quan trọng đối với bản thân và quyết định chúa/phật có ý nghĩa thế nào với mình. Sau đó, bạn có thể đưa ra câu trả lời như "Chúa luôn dõi theo chúng ta" hay "Chúa không phải là người con có thể nhìn thấy nhưng con có thể cảm nhận được". Nếu bạn không tin vào chúa trời, bạn có thể giải thích rằng nhiều người tin vào điều này và chẳng có vấn đề gì nếu bạn không luôn đồng ý với bạn bè xung quanh.

Không nên nói gì: Tránh miêu tả quá sinh động sự phẫn nộ của chúa trời. "Nêu ý tưởng Chúa sẽ trừng phạt có thể trở nên rất đáng sợ với trẻ ở độ tuổi này. Điều đó dễ khiến trẻ hiểu sai và gây ra lo lắng cho bé".

"Tại sao bố mẹ lại cãi nhau?" hay "Bố và mẹ vẫn yêu nhau chứ?"

Các câu hỏi khác kiểu này: "Tại sao bạn Teddy chỉ có bố?", "Mẹ có yêu bố nhiều như mẹ yêu con không?"...

Điều bé thực sự muốn hỏi là gì: Trẻ thường để ý khi bố mẹ cãi nhau và lo lắng "Mẹ cũng sẽ hét con như thế phải không?". Một đứa trẻ 4 tuổi có thể chưa có khả năng nhận thức để quan tâm tới những người khác nhưng trẻ ở độ tuổi này có thể thắc mắc khi thấy bố và mẹ mình nổi điên với nhau. Từ góc nhìn của trẻ, nếu những người yêu thương nhau lại cãi nhau nhiều như thế thì liệu tình yêu có phải là thứ đảm bảo? Thực tế câu hỏi "mẹ có yêu con không" thường sẽ là thắc mắc tiếp theo câu hỏi trên.

Nên trả lời con thế nào: Điều quan trọng là giải thích cho bé hiểu rằng bạn quan tâm đến cảm xúc của người khác và nếu không bạn sẽ chẳng nói cho người kia (bố hay mẹ bé) nghe cảm xúc của mình ra sao. Điều này giúp trẻ hiểu rằng những cuộc cãi vã nhỏ nhặt của bố mẹ - với giọng điệu và nội dung khác hẳn của trẻ - không đe dọa sự hòa thuận trong gia đình. Tương tự, những câu trả lời không bằng lời nói có thể cũng là ý hay. Nếu con hỏi liệu bạn có còn yêu chồng/vợ mình không, bạn có thể hôn nhẹ lên má bạn đời ngay lúc đó. Trẻ sẽ có câu trả lời mà bạn không cần nói gì.

Nếu sự bất hòa trong gia đình vẫn tiếp diễn, hãy nhớ đừng để xảy ra trước mặt trẻ, đến khi nào bạn có thể. Nhưng khi những việc này không còn nhịn được nữa, bạn có thể cố gắng tách biệt hai khái niệm tình yêu và tranh cãi, bằng cách nói với con "Bố mẹ đang cố gắng giải quyết một số khúc mắc thôi con ạ".

Cách này cũng sẽ giúp giải quyết những vấn đề khác và tạo tiền đề cho sau này, khi những tranh luận phức tạp hơn nữa hoặc vợ chồng bạn cuối cùng phải đi đến quyết định ly thân hay ly hôn.

Không nên nói điều gì: Theo nhà tâm lý Brooks, việc chỉ nói "Ừ, đúng rồi, bố mẹ vẫn yêu nhau" khi hai người hay cãi nhau không thực sự là một câu trả lời hoàn chỉnh. Bạn cũng đừng ngạc nhiên khi có lúc thấy con lặp lại sự giận dữ như mình từng thể hiện, và hãy nhắc bé rằng bạn yêu con nhiều thế nào.

"Con từ đâu ra?"

Những câu hỏi cùng loại: "Con được sinh ra như thế nào?", "Làm thế nào để tạo ra em bé?", "Tình dục nghĩa là gì?",

Điều bé thực sự muốn hỏi là gì: Cho rằng những câu hỏi của trẻ mầm non về việc chào đời thực sự che giấu câu hỏi về tình dục là không đúng. Khi thấy mẹ mang thai em, trẻ lớn có thể muốn biết liệu có phải bé cũng từng ở trong bụng mẹ như thế không. "Ở tuổi mầm non, trẻ bắt đầu để ý rằng cơ thể con trai và con gái có những khác biệt. Điều này khiến chúng tự hỏi tại sao lại như thế", nhà tâm lý Brooks nói.

Trả lời thế nào: Bởi vì "Con sinh ra từ đâu" là một câu hỏi rộng, bạn có thể đáp lại bằng cách hỏi lại con: "Thế con có biết con sinh ra từ đâu không?". Bằng cách này, bạn có thể dự liệu cách trả lời của mình: Nếu bạn nói với bé điều bé thực sự biết, trẻ sẽ không muốn nghe bạn nữa; nếu bạn nói với bé quá nhiều, bé không đủ khả năng để tiếp thu hết. Hãy nói thực tế đơn giản, chẳng hạn: "Con lớn lên trong bụng mẹ". Nếu bé muốn biết nhiều hơn, bạn có thể thêm vào "Và sau đó con chui ra qua bộ phận sinh dục của mẹ". Khi bé lớn hơn, tới 5 tuổi, bạn có thể giải rằng thêm, bố cũng góp phần tạo ra con, bằng cách đặt một thứ gọi là tinh trùng vào trong mẹ để tạo ra những em bé.

Không nên nói gì: Trẻ ở độ tuổi này chưa sẵn sàng để nghe quá chi tiết về tình dục nhưng bạn cũng đừng nói dối con. Đừng kể những câu chuyện huyễn hoặc kiểu như con cò mang con đến cho bố mẹ hay bố mẹ nhặt được con ở bệnh viện.

Dù con có hỏi hóc búa thế nào, bạn cũng đừng bao giờ im lặng lờ đi. Trẻ sẽ hiểu đó là dấu hiệu cho thấy bạn không quan tâm đến chúng hoặc câu hỏi của mình quá tệ. Hãy coi câu hỏi là cơ hội để trò chuyện với con và hình dung ra điều gì đang có trong đầu đứa con bé bỏng của mình. Chẳng bao lâu nữa, chính trẻ sẽ nhắc bạn biết rằng bé đã thực sự biết tất cả mà chẳng cần hỏi gì.

 

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn