Hà Nội

Bí quyết học ngoại ngữ đặc biệt của người thợ khóa câm điếc ở Sài thành

11-08-2014 20:40 | Thời sự
google news

Dù bị câm điếc bẩm sinh, lại mù chữ nhưng sau nhiều năm nhờ kiên trì, người thợ sửa khóa già bên góc đường đã tìm ra "phương pháp" học ngoại ngữ rất đặc biệt.

Ông khiến nhiều người thán phục không chỉ là người thợ sửa khóa khéo tay mà khả năng biết vô số ngoại ngữ.

Ông Nguyễn Bách Tường (SN 1957, làm nghề sửa khóa tại hẻm 617 đường CMT8, Q.10, TP.HCM). Ông cho biết, mình đã hành nghề sửa khóa hàng chục năm nay, thạo việc đến nỗi, chỉ nhìn qua là biết chìa đó thuộc loại nào, ổ khóa đó mắc “bệnh” gì, “bệnh” nào khó lắm cũng chỉ mất khoảng 5-10 phút sẽ “trị” dứt. 

Không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ nói, ông Tường chỉ ra dấu và ký hiệu mỗi khi khách ghé quán. Người bạn lái xe ôm (áo bạc màu bên trái) cạnh tiệm sửa khóa, “phiên dịch” cho khách mỗi khi thấy ông gặp khó khăn về ngôn ngữ nói. Người khách có vẻ hơi ngạc nhiên, nhưng cảm thấy an tâm và hài lòng về giá cả, cũng như nụ cười mến khách của “ông chủ” tiệm sửa khóa. 

Ông kể, mình sinh ra trong gia đình nghèo, có đến 9 anh chị em, nhưng chỉ có mình ông bị khuyết tật. Mặc cảm về bệnh tật, ông không dám bước chân ra khỏi nhà. Cuộc sống của ông  vì thế hầu như gắn liền với bốn bức tường nhỏ bé.

Năm 16 tuổi, ông tới một tiệm sửa khóa để học nghề. Người thầy dạy ông cũng cùng cảnh ngộ nên đã truyền hết những kinh nghiệm nghề nghiệp. Sau một năm cần mẫn học hỏi, ông thành thạo nghề, ra chợ Tân Bình mở tiệm sửa chữa khóa. 

Nói tiệm cho oai, thật ra nó chỉ là một chiếc xe sắt nhỏ, được đóng đơn giản như chiếc tủ di động, dùng để cất dụng cụ hành nghề gồm đục, giũa, tuốc nơ vít... và mấy thứ lỉnh kỉnh khác.

Do chưa quen lại không thể nghe, nói giao tiếp được với khách nên tiệm bị ế ẩm. 

Ông tâm sự: “Lúc đó tôi vẫn nghĩ là do khách hàng chưa biết tới mình nhiều, muốn có khách, mình phải quảng cáo nên vội đi đặt in danh thiếp để phát. Song đến nơi, người ta hỏi làm gì, in gì cũng không biết để trả lời. Tôi chợt nhận ra, nguyên do là mình không biết chữ. Chẳng lẽ mình vượt qua được mặc cảm là thằng câm điếc, học được nghề, giờ lại dễ dàng bỏ cuộc vì thất học, thế là bản thân quyết định phải học chữ”.

Do đã lớn tuổi, việc học chữ của ông cũng khác thường. Đầu tiên, ông tự mua bảng chữ cái về nhờ người quen chỉ qua, sau đó học lại. Khi đã thuộc bảng chữ cái, ông ghi chép lại tên các con đường mình đã đi qua, những chữ giống trên các biển quảng cáo vào tập vở để học viết. Chữ nào không biết, ông nhờ hàng xóm, người nhà chỉ dạy. Cần mẫn trong vòng ba tháng, ông đã tìm ra quy luật ghép từ, hiểu và viết được một câu dài.

Thời gian đầu, ông học mọi lúc mọi nơi, cứ rảnh lúc nào là học lúc ấy. Trong “tiệm” luôn có tập, viết, hễ vắng khách là ông lấy ra học. Kiên trì như vậy gần 2 năm, ông đã viết được những suy nghĩ của mình một cách thuần thục.

Sợ mình không được học chính thống, dùng từ ngữ chưa chính xác, ông mua thêm mấy cuốn từ điển tiếng Việt, Hán Việt về học thêm.

Một lần, ông vô tình gặp được một bạn người Mỹ cũng câm điếc giống mình biết tiếng Việt trên mạng. Cùng hoàn cảnh nên cả hai trò chuyện rất cởi mở bằng thứ "ngôn ngữ  bàn tay" rất thân mật. Song vốn tiếng Việt của người bạn không nhiều, còn ông lại mù tịt tiếng Anh nên nhiều lúc ông muốn trải lòng thêm mà không được. Được bạn khích lệ, hướng dẫn, ngày hôm sau, ông vào ngay nhà sách mua liền hai cuốn từ điển và dạy tiếng Anh cơ bản về học. Vừa học vừa thực hành với ông bạn Mỹ, chỉ khoảng 2 năm đã giao tiếp thành thạo.

Đến nay ông cho biết mình có thể giao tiếp thành thạo được rất nhiều thứ tiếng như: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha…và sắp tới sẽ học thêm tiếng Nhật. Thỉnh thoảng, những người bạn ông tình cờ làm quen trên mạng Interner đi du lịch sang Việt Nam vẫn ghé qua tiệm, lại nhà ông trò chuyện. 

 Những cuốn sách, tờ giấy nhàu nát được anh Tường ghi lại địa chỉ mỗi khi nói chuyện hay chat với khách nước ngoài. Hơn 20 năm nay, niềm an ủi lớn nhất của ông là hàng ngày nhìn thấy ba cô con gái ngoan ngoãn, xinh đẹp ngày một trưởng thành, và có công việc ổn định. Các con ông tự học ngôn ngữ người câm điếc, để những lúc rảnh rỗi quây quần bên cha trò chuyện.

 

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn