Các biểu hiện của bệnh võng mạc tiểu đường
ThS.BS. Nguyễn Thị Minh Ngọc, chuyên gia đáy mắt – võng mạc, Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội (HITEC) cho hay: đang theo dõi và điều trị cho ông C.V.H., 66 tuổi ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội, bị tiểu đường đã 17 năm, được chẩn đoán: 2 mắt bị bệnh võng mạc tiểu đường giai đoạn nặng, mắt phải bị xuất huyết dịch kính; mắt trái phù võng mạc, tăng sinh xơ.
Hiện ông đã được tiêm Avastin 3 lần tại HITEC, các dấu hiệu tổn thương mắt đã được quản lý và duy trì được thị lực tốt (9/10) ở mắt phải, mắt trái thị lực còn ở mức trung bình (4/10).
"Đó là một kết quả khả quan đối với mắt bị bệnh võng mạc tiểu đường" – BS. Ngọc chia sẻ.
Theo các chuyên gia nhãn khoa, bệnh võng mạc tiểu đường được mang tên kẻ "hủy diệt" thị lực âm thầm bởi các tổn thương trên võng mạc như: vi phình mạch, xuất huyết võng mạc, xuất tiết cứng/mềm, phù hoàng điểm, thiếu máu hoàng điểm, tân mạch, xuất huyết dịch kính và bong võng mạc do co kéo.
Bệnh tiến triển âm thầm, có thể không được phát hiện triệu chứng cho tới giai đoạn cuối. Dấu hiệu sớm của bệnh võng mạc không tăng sinh bao gồm: Vi phình mạch, xuất huyết võng mạc dạng chấm và dạng vệt, xuất tiết cứng, đốm xuất tiết dạng bông (xuất tiết mềm) là hậu quả của việc thoái hóa các sợi trục thần kinh do thiếu máu.
Ở giai đoạn bệnh võng mạc không tăng sinh, phù và thiếu máu hoàng điểm là những tổn thương gây ra các triệu chứng rối loạn thị giác và hội chứng hoàng điểm: nhìn nhòe, mất nét, biến hình, biến dạng… Tuy nhiên, đôi khi bệnh nhân không thấy ảnh hưởng đến thị lực ngay cả khi bệnh võng mạc tiến triển.
Đến giai đoạn bệnh võng mạc tăng sinh, các triệu chứng rõ rệt và thường xuyên hơn, bao gồm: mờ mắt, thấy ruồi bay hoặc chớp sáng và mất thị lực đột ngột. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể vẫn có thể bị bỏ qua do không có cảm giác đau nhức. Đó là hậu quả của xuất huyết dịch kính hoặc bong võng mạc do co kéo.
Chẩn đoán bệnh võng mạc tiểu đường trước hết và đơn giản nhất dựa vào kỹ thuật soi đáy mắt. Với kỹ thuật chụp đáy mắt màu, chụp mạch huỳnh quang và chụp cắt lớp quang học, bác sỹ sẽ nhận được các thông tin chi tiết hơn về tổn thương võng mạc.
Hình ảnh chụp đáy mắt màu giúp bác sỹ có thể đánh giá, phân loại mức độ của bệnh. Chụp mạch huỳnh quang để xác định mức lan rộng của bệnh võng mạc làm cơ sở xây dựng phác đồ điều trị và theo dõi. Chụp cắt lớp võng mạc để đánh giá mức độ nặng của phù hoàng điểm và tiên lượng dựa trên sự đáp ứng điều trị.
Phát hiện sớm bệnh võng mạc tiểu đường có vai trò rất quan trọng, bởi 50% người bệnh tiểu đường thường đã có biến chứng tại thời điểm được chẩn đoán tiểu đường, vì vậy mọi bệnh nhân đái tháo đường cần được khám chuyên khoa mắt định kỳ hàng năm. Bệnh nhân tiểu đường thai kỳ nên được kiểm tra mỗi ba tháng. Khi đã có những dấu hiệu mờ mắt, ruồi bay, hay chớp sáng … người bệnh cần được chỉ định theo dõi thường xuyên, chuyên sâu bởi bác sỹ chuyên khoa mắt.
Các biện pháp theo dõi và điều trị cho người bệnh tiểu đường
Điều trị toàn diện cho người bệnh tiểu đường nói chung bao gồm bộ đôi "kiểm soát đường huyết và huyết áp" giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh võng mạc.
Đối với phù hoàng điểm có chỉ định tiêm nội nhãn thuốc kháng VEGF (anti-VEGF, thuốc chống yếu tố tăng trưởng nội mạch), cấy corticosteroid nội nhãn, laser khu trú và/hoặc phẫu thuật cắt dịch kính.
Giai đoạn bệnh võng mạc tăng sinh có nguy cơ cao, liệu trình sẽ phức tạp hơn, kết hợp tiêm nội nhãn thuốc kháng VEGF, quang đông toàn bộ võng mạc và kể cả phải phẫu thuật cắt dịch kính để giải phóng co kéo, hạn chế nguy cơ bong võng mạc.
Các thuốc tiêm nội nhãn, có thể là: Avastin (Bevacizumab), Lucentis (Ranibizumab) và Eylea (Aflibercept) đã trở thành lựa chọn điều trị chính cho nhiều bệnh lý võng mạc. Mỗi loại thuốc có những đặc điểm, cơ chế hoạt động, hiệu quả và tác dụng phụ khác nhau.
Avastin là một kháng thể đơn dòng chống lại yếu tố thúc đẩy sự hình thành mạch máu bất thường (tân mạch) trong các bệnh lý võng mạc. Được sử dụng phổ biến trong điều trị ung thư nhưng từ năm 2004 Avastin được nghiên cứu và thử nghiệm để điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh lý liên quan đến mắt như thoái hóa hoàng điểm, bệnh võng mạc trẻ sinh non, bệnh võng mạc do tiểu đường…
Về hiệu quả điều trị, một số nghiên cứu đã chỉ ra: Avastin có khả năng cải thiện thị lực cao (khoảng 60-70% bệnh nhân mắc các bệnh lý võng mạc). Vì vậy, Avastin đã và đang được sử dụng rộng rãi do kết quả khả quan và chi phí thấp hơn so với các thuốc khác.
Theo Đặng Thu Thủy (2024), trong Tạp chí y học Việt Nam, người mắc bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh được điều trị bằng Avastin có xu hướng cải thiện thị lực dần qua thời gian: phần lớn thị lực có cải thiện sau 5 tháng điều trị, rõ rệt nhất sau mũi tiêm thứ 2 và tăng tốt nhất ở tháng thứ 5.
Mặc dù Avastin có tỷ lệ tác dụng phụ tương đối thấp nhưng vẫn phải cẩn trọng vì một số rủi ro có thể xảy ra như: nhiễm trùng, xuất huyết nội nhãn và tăng nhãn áp. Tỷ lệ nhiễm trùng dao động từ 0,05% đến 1%, tùy thuộc vào kỹ thuật và môi trường tiêm.
Avastin là lựa chọn kinh tế với hiệu quả cao nhưng cần cân nhắc về rủi ro. Lucentis có hiệu quả tốt với chi phí cao hơn. Eylea cung cấp hiệu quả tương tự nhưng với tần suất mũi tiêm ít hơn, phù hợp cho bệnh nhân cần giảm tần suất điều trị.
Vì vậy, quyết định lựa chọn thuốc cần dựa vào từng trường hợp cụ thể, cũng như tình trạng mắt và sức khỏe toàn thân của bệnh nhân, sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Việc theo dõi định kỳ và đánh giá hiệu quả điều trị định kỳ cũng rất quan trọng để duy trì và đảm bảo sức khỏe lâu dài cho mắt có bệnh võng mạc tiểu đường.
Nhằm giúp người bệnh tiểu đường được tầm soát bệnh võng mạc sớm, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) đã ra đời và được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, vừa qua Hệ thống Bệnh viện Mắt HITEC đã giới thiệu sản phẩm Optain tích hợp ứng dụng công nghệ AI trong sàng lọc phát hiện sớm các tổn thương võng mạc và một số bệnh mạn tính có tổn thương vi mạch thông qua phần mềm chụp ảnh võng mạc. HITEC đã trải nghiệm ứng dụng này trên các nhóm bệnh nhân trong hệ thống bệnh viện và tại cộng đồng.
Optain sử dụng một công cụ camera với thuật toán AI hỗ trợ phân tích hình ảnh vi mạch võng mạc để đưa ra các báo cáo nhanh nhất nhằm phát hiện nguy cơ mắc các bệnh tăng nhãn áp (Glocom), thoái hóa hoàng điểm tuổi già, tân mạch và bệnh võng mạc tiểu đường với độ chính xác tới 95%.
Người bệnh tiểu đường muốn được khám kiểm tra mắt và các bệnh mắt khác có thể đăng ký qua Hệ thống Bệnh viện Mắt HITEC - Hotline: 0984122153 (Hà Nội) và 0345118228 (Sài Gòn).
hoặc kênh Youtube: https://www.youtube.com/@hethongbenhvienmathitec/videos
Bệnh nhân có thể đến khám và điều trị tại các cơ sở:
- Cơ sở 1: Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội: 51-53-55 Trần Nhân Tông, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, TP Hà Nội
- Cơ sở 2: Bệnh viện chuyên khoa Mắt HITEC: 55 Hàm Long, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, TP Hà Nội
- Cơ sở 3: Phòng khám Mắt kỹ thuật cao: 480 Thụy Khuê, Phường Bưởi, Tây Hồ, TP Hà Nội
- Cơ sở 4: Trung tâm mắt kỹ thuật cao Sài Gòn: 28 Đống Đa, Phường 2, Q. Tân Bình, TP HCM
Hệ thống Bệnh viện Mắt HITEC – Tận tâm cho đôi mắt sáng!
Bích Mận – Hệ thống Bệnh viện Mắt HITEC