Bệnh nhân có nhóm máu hiếm với 4 loại kháng thể bất thường đang cần truyền máu

28-04-2024 07:16 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận ca bệnh đặc biệt, bệnh nhân có đến 4 loại kháng thể bất thường và có nhóm máu hiếm.

Bệnh nhân nhập viện và chuyển đến khoa Ngoại Gan mật – Tiêu hóa và Ung bướu ngày 15/4 với chẩn đoán: thiếu máu – tan máu/ u tuyến ống ở đại tràng sigma – tắc mật do u chèn ép vào rốn gan. Cách đây 2 năm, bệnh nhân được chẩn đoán viêm gan tự miễn, điều trị theo đơn và đã dừng thuốc tháng 6/2023.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân đã điều trị xơ gan, viêm đại tràng 2 đợt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Vừa qua, thấy trong người xuất hiện mệt mỏi, ăn uống kém, kèm vàng da mắt... bệnh nhân nhập viện để điều trị. Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy có hình ảnh giãn đường mật trong gan theo dõi do u ngã 3 đường mật.

Bệnh nhân có nhóm máu hiếm với 4 loại kháng thể bất thường đang cần truyền máu- Ảnh 1.

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang chờ máu phù hợp với bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Kết quả soi đại tràng cho thấy dọc đại tràng xuống và đại tràng sigma có nhiều tổn thương loét nông, giả polyp. Tại đại tràng sigma có 1 tổ chức u sùi chiếm 1/3 chu vi trong lòng đại tràng – GPB u tuyến ống loạn sản độ thấp. Kết quả xét nghiệm chỉ rõ, bệnh nhân bị thiếu máu nặng, được chỉ định truyền máu nhưng không lựa chọn được máu phù hợp tại viện.

Khoa Huyết học và Truyền máu của bệnh viện đã phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương làm định danh kháng thể bất thường và truyền máu Phenotype, phát hiện bệnh nhân có đến 4 loại kháng thể bất thường Anti-C, Anti-e, Anti-Mia, Anti-JKb. Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã cố gắng chọn trong kho máu của Viện cũng chỉ được 1 đơn vị hòa hợp. Sau truyền máu, bệnh nhân có cải thiện rõ rệt về lâm sàng...

Hiện tại, bệnh nhân có chỉ định cắt đại tràng trái – sigma và đặt stent đường mật nhưng do tình trạng bệnh nhân quá yếu cần truyền máu trước, trong và theo dõi sau mổ.

TS. Nguyễn Minh Trọng, Trưởng khoa Ngoại gan mật, Tiêu hoá và Ung bướu cho biết: "Đây là ca bệnh khó khăn, chúng tôi cần sự phối hợp của các bác sĩ ở các chuyên ngành khác nhau, đặc biệt là cộng đồng người hiến máu phenotype". 

Hiện, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã liên hệ với cộng đồng người hiến máu phenotype nhưng mới chỉ được 1 đơn vị máu phù hợp, trong khi nhu cầu của bệnh nhân cần từ 3-4 đơn vị". Các bác sĩ vẫn đang chờ đợi và hy vọng...

Truyền máu hòa hợp phenotype là gì?

Theo TS.BS. Hoàng Thị Thanh Nga, Viện Huyết học – Truyền máu TW, ngoài hệ nhóm máu ABO và Rh(D) là hai hệ thống nhóm máu có ý nghĩa nhất trong thực hành truyền máu thì còn rất nhiều các hệ thống nhóm máu khác mà kháng nguyên của nó có tính sinh miễn dịch cao, tức là có thể kích thích cơ thể người nhận sinh ra kháng thể chống lại kháng nguyên tương ứng (còn gọi là kháng thể bất thường). Các kháng thể bất thường này có thể gây ra các tai biến truyền máu và để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh.

Với 43 hệ thống nhóm máu với 376 kháng nguyên hồng cầu khác nhau đã được phát hiện thì rất khó để tìm được 2 cá thể có các kháng nguyên nhóm máu hoàn toàn giống nhau. Chính vì vậy, ở những bệnh nhân càng truyền máu nhiều lần thì khả năng tiếp xúc với kháng nguyên lạ càng nhiều và nguy cơ sinh kháng thể bất thường ở những bệnh nhân này càng cao.

Khi đó, truyền máu hòa hợp hệ nhóm máu ABO và Rh(D) là chưa đủ để đảm bảo an toàn cho người bệnh mà phải truyền máu hòa hợp các kháng nguyên của các hệ thống nhóm máu khác (hay còn gọi là truyền máu hòa hợp phenotype).

Xem thêm video đang được quan tâm:

Lý giải nguyên nhân khiến số ca sốt xuất huyết gia tăng tại Hà Nội.


P.Chinh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn