Đại diện nhà sản xuất, Jimmy Nghiêm Phạm cho biết, tổng số tiền khi ra đến rạp củaphim này vào khoảng 800.000 USD, trong đó phải kể đến sự đóng góp quý giá của các nhà tài trợ. Rõ ràng, sau đầu tư “quá hớp” của Dòng máu anh hùng, các nhà sản xuất của phim này đã có bài học xương máu để tìm cách tiết kiệm hợp lý, làm sao để dòng phim thị trường phải có đất sống.
![]() Cảnh trong phim "Bẫy rồng" |
Bẫy rồng đã có rất nhiều cảnh quay ít tốn kém đạo cụ, như ngoài đường vắng, trong các lâm viên, các kho đồ cũ... Họ cũng đã thuyết phục được hãng xe BMW và vài nhà tài trợ khác cho, cho mượn hay cho thuê giá rẻ những đạo cụ, những khung cảnh đáng lý tốn rất nhiều tiền. Những chiếc xe BMW đời mới chạy tông móp đầu, đạn bắn bể kính và các trầy xướt khác đã tiêu tốn của họ mấy chục ngàn USD tiền sửa chữa, nhưng rõ ràng vẫn quá rẻ so với giá thực tế; nó cũng đã chứng tỏ được đẳng cấp thời thượng của phim và sự hào phóng của các chủ nhân.
Trả lời câu hỏi liệu có thể làm phim này với giá 500.000 USD hay không? Đồng tác giả kịch bản, vai chính và nhà sản xuất Johnny Trí Nguyễn cho biết vẫn có thể làm được, nhưng phải cắt bỏ những trường đoạn tốn tiền, những chi tiết sang trọng và đương nhiên phải bỏ những cảnh quay hoành tráng, quá tốn kém. Jimmy Nghiêm Phạm cũng cho biết thêm, nếu chỉ làm cho thị trường trong nước thì giá đó là hợp lý, nhưng vì định chuẩn quốc tế, với hậu kỳ, âm thanh đạt tiêu chuẩn cao nên giá thành phải tăng lên.
Phim được quay với công nghệ CinemaScope, cho phép chiếu phim với màn ảnh cực rộng, mà trước đây chưa có phim Việt nào đạt đến(?). Tỷ lệ bình thường của các phim Việt lâu nay là vào khoảng 1:1,85, ống kính kiểu CinemaScope giúp đạt đến kích thước 1:2,40. Johnny Trí Nguyễn nói để quay kiểu ống kính này cũng khó và tốn kém hơn rất nhiều, góc máy rộng, phải sắp đặt nhiều thứ. Ngay cả khi ép từ bản kỹ thuật số vào bản phim nhựa để chiếu rạp, cũng phải dùng thủ thuật nén chặt hình ảnh lại, khi chiếu thì mới “bung rộng” ra.
Khá đậm nét Việt Nam
Tuy nhiên, tất cả những điều đó mới là khó khăn khách quan hay chủ quan, vấn đề là kết quả của khó khăn ấy là gì? Thì rõ ràng Bẫy rồng đã trả lời được, đó là một phim hấp dẫn, căng thẳng, cứ khoảng 7 đến 10 phút là có một trận đánh đấm, đua xe, bắn súng, cháy nổ. Còn khoảng giữa các trận đánh là những câu chuyện sâu lắng, được kể rất kiệm lời về xuất thân, hoàn cảnh của các nhân vật chính. Khi mới xem đề cương kịch bản này, nhiều người đã nghĩ ngay đến mô hình phim xã hội đen kiểu Mỹ, Hong Kong, Thái Lan... nhưng nay thì đã thấy một câu chuyện khá đậm nét Việt Nam. Đáng chú ý nhất là diễn xuất của Ngô Thanh Vân, Hoàng Phúc, Lâm Minh Thắng... Họ đã thay đổi được hình ảnh của mình và đem đến cho bộ phim những nhân vật lạ.
Hôm công chiếu lần đầu, Johnny Trí Nguyễn nhắc lại một câu thành ngữ của điện ảnh Mỹ, tạm dịch: phim, thì hãy tạm quên điều không tin đi. Nói ra điều này, có lẽ vì Bẫy rồng kể chuyện về một thành phố đương đại nhưng quá ly kỳ, gay cấn, sợ người xem sẽ nói Việt Nam ngoài đời đâu có vậy. Vấn đề là phim hoặc nghệ thuật thì thuộc về hư cấu (fiction), mà cuộc đời thì không hư cấu (non-fiction), nghĩa là cả hai bắt buộc phải khác nhau, như vậy phim mới có lý do tồn tại, gây tò mò và hấp dẫn.
Công chiếu vào ngày đặc biệt: 18/12