“Báu vật” đời lính

02-05-2009 07:20 | Thời sự

Ông Nguyễn Hữu Lí quê gốc Kim Bảng, Hà Nam. Nay sống tại quận 8 TP. Hồ Chí Minh. Sau chuyến trở lại chiến trường xưa Nam Lào, ông cười tít cả mắt rồi phấn khởi nói: "Báu vật đời lính chiến của tôi là cậu con trai Bun Khưu ở bản Sen Tậy, xã Tha Peng - huyện Bắc Xòn, tỉnh Xa Na Van,

Ông Nguyễn Hữu Lí quê gốc Kim Bảng, Hà Nam. Nay sống tại quận 8 TP. Hồ Chí Minh. Sau chuyến trở lại chiến trường xưa Nam Lào, ông cười tít cả mắt rồi phấn khởi nói: "Báu vật đời lính chiến của tôi là cậu con trai Bun Khưu ở bản Sen Tậy, xã Tha Peng - huyện Bắc Xòn, tỉnh Xa Na Van, Nam Lào; điều mà tôi đào sâu chôn chặt gần 40 năm nay, giờ mới dám thổ lộ với những người thân. May mắn cha con đã tìm được nhau, mừng rơi nước mắt.

Mối tình bí mật

 Ông Nguyễn Hữu Lí và con trai Bun Khưu tại Lào.
Trong đội quân tình nguyện Việt Nam, năm 1963 có mặt ở tỉnh Xa Na Van, Nam Lào, anh lính Nguyễn Hữu Lí được đồng bào biết đến nhiều hơn cả, bởi đọc thông viết thạo tiếng Lào. Chỉ huy đơn vị đã phân công cho anh Lí làm công tác dân vận ở nơi đơn vị đóng quân, lúc nào có chiến dịch mới trở về đơn vị tham gia chiến đấu. Trải qua những năm tháng cùng ăn, cùng ở, cùng làm, đặc biệt là trận công đồn Xa Teng giải phóng xã Tha Peng, đồng bào khắp xã đã coi anh là người con của mình, chẳng tiếc cái gì. Đơn vị anh thiếu rau, cả xã nghe lời vận động của anh Lí lên rừng kiếm rau. Thấy chiến sĩ ta sống trong rừng thèm thịt, bản Sen Tậy cũng bảo nhau thui bò, làm heo để cho các anh cải thiện ăn tươi. Trong những người tích cực nhường cơm, sẻ áo, để bộ đội ta ăn no mà đánh Mỹ có má Ngết. Bà không chỉ nhường nhịn lương thực, thực phẩm của nhà mình, mà còn vận động họ hàng cùng ủng hộ hết lòng cho bộ đội ta. Má còn đùa rằng: Nếu  bộ đội Lí  thích thì tôi cho cả cô con gái duy nhất là Su Băn, sang làm con dâu bộ đội giải phóng đấy.

16 tuổi, Su Băn không những chăm chỉ chịu khó đi nương, làm rẫy mà cô còn được thừa hưởng một vẻ đẹp thuần khiết, như đóa hoa Chăm Pa buổi sớm. Trái tim cô hướng về người chiến sĩ giải phóng ăn nói có duyên, hát hay, dũng cảm lại chịu khó làm việc giúp đồng bào. Su Băn và anh Lí thường sóng đôi nhau, khi lên rừng tìm rau, lúc hội diễn văn nghệ hai người cũng song ca tình hữu nghị Việt - Lào, Su Băn làm cái chân Lí đi điệu Lăm vông uyển chuyển. Anh Lí dạy cô những bài hát cách mạng, câu dân ca quê hương Hà Nam của mình. Rồi như một lẽ tự nhiên, tình yêu đã đến với hai người, như thể chiến tranh, chết chóc cũng không chia cắt được họ. Su Băn có thai, hai người loay hoay chưa biết báo cáo với tổ chức thế nào  thì cuộc chiến và những trận đánh lại kéo tuột anh Lí đi đến chiến trường mới, vào đường dây 559, để lại Su Băn và cái thai ngày một lớn. Giữa năm 1969 cô sinh được một bé trai đặt tên là Bun Khưu. Su Băn tin cha Bun Khưu nhất định sẽ quay lại để cha, con nhận nhau. 

Đau đáu lòng riêng

Vẫn giữ tác phong bí mật, bất ngờ đến phút chót của anh lính ngày nào, đầu năm 2008 ông Lí mới tỉ tê thổ lộ lòng mình với bà vợ Nguyễn Thị Nụ nhân lúc bà vui vẻ. Ông thắp một nén nhang lên bàn thờ, rồi cởi lòng mình với bà. Ông Lí cũng đưa cho bà Nụ xem rất nhiều lá thư mà hơn 20 năm qua ông "lén" viết cho con bên Lào, nhưng gửi đi lại bị bưu điện gửi lại. Nói ra điều bí mật nhất của đời mình với bà vợ, ông Lí cũng đã chuẩn bị tinh thần "hứng bão". Không ngờ bà Nụ rất điềm tĩnh đón nhận rồi bà nhẩm đốt ngón tay và giục ông, "năm nay con cũng 40 tuổi rồi, ông còn đợi đến bao giờ nữa mà không đi tìm con về, cho cha con ông, anh em chúng nó gặp nhau?". Được lời của vợ hiền, ông Lí như cởi được gánh nặng đã đeo đẳng bấy lâu, định bụng sống để dạ chết mang theo... Ngày lên đường quay lại đất nước triệu voi, ông Lí quân phục nai nịt chỉnh tề, dậy từ sớm để từ biệt vợ. Bà Nụ sống lại cái cảm giác làm vợ lính, bịn rịn tiễn chồng ra trận. Cả đêm bà không ngủ được, chuẩn bị cho ông cái áo, cái quần và cả một con sâm Hàn Quốc, để ông bồi bổ lúc đường xa.

Cha con sum họp

 Sau gần 40 năm, ông Lí dẫn cậu con trai út quay trở lại chiến trường xưa, nơi mình chiến đấu. Mong tìm lại mối tình đầu đã đơm hoa, kết trái với một nỗi lo toan mông lung, không biết sau bao nhiêu năm vật đổi, sao dời, cảnh cũ người xưa có còn không? Liệu cái sinh linh ông gửi lại nơi người con gái Lào đằm thắm đó có còn sống không? Nhưng ông vẫn quyết định phải tới được bản Sen Tậy, xã Tha Peng, huyện Bắc Xòn, tỉnh Xa Na Van để đối diện với sự thật.

 Lễ buộc chỉ nhận con cháu của ông Lí.
Từ Sài Gòn tấp nập ông vượt hơn 2.000km tới được huyện Bắc Xòn. Sau khi nghe ông Lí trình bày là mình đã từng là quân tình nguyện chiến đấu ở đây, từ năm 1963-1969, những vị lãnh đạo đều vui vẻ, cấp hẳn cho ông một chiếc xe hơi cử người đưa đường tới bản Sen Tậy. Chẳng phải hỏi thăm ai, ông Lí tìm đúng ngay nhà má Ngết, bà đã hơn 80 tuổi, mái tóc đã trắng màu sương, sau một cái dụi mắt bà nói: "Có phải anh Lí đó không? Sao bây giờ mới quay lại nhận con, tìm cháu? Tôi bảo với thằng Bun Khưu rồi, thế nào cha nó cũng tới tìm mà". Rồi bà lập cập chống gậy đi thông báo với lũ làng, với Su Băn. Biết tin cha quay lại tìm mình, Bun Khưu chạy ào tới như một đứa trẻ, ôm ghì lấy ông Lí rồi khóc như mưa và trách "Sao bây giờ bố mới sang tìm con”. Bà Su Băn biết tin ông Lí quay lại, cũng dẫn cả chồng và 8 đứa con của mình sang chung vui với cha con ông Lí. Ngay sáng hôm sau lễ Bun Khum, lễ buộc chỉ để nhận con cháu của đồng bào Lào, được tổ chức tại nhà Bun Khưu, dưới sự chứng kiến của tất cả buôn làng và chính quyền làng, xã. Những sợi chỉ vàng, trắng và những đồng tiền may mắn được dân làng buộc vào tay ông Lí cùng anh con trai Bun Khưu. Họ chúc cho tình cha con suốt đời bền chặt, có sức khỏe và may mắn để thường xuyên sang thăm nhau. Ông Lí nói cảm ơn đến lạc cả giọng cũng chưa hết người đến buộc chỉ và chung vui cha con ông được đoàn tụ.

Nguyễn Linh

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn