Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) vừa phối hợp với các lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang bắt quả tang hơn 160.000 lọ thuốc "kích phọt" rau mầm đang trên đường từ Lạng Sơn tuồn về Hà Nội tiêu thụ.
Vụ việc các cơ quan chức năng TP Hà Nội bắt giữ lô hàng 80.000 lọ thuốc kích thích rau mầm, giá đỗ gây chấn động dư luận còn chưa lắng xuống thì sáng 6/12, Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Bắc Giang, Đội Chống buôn lậu và hàng giả thuốc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang lại tiếp tục phát hiện và bắt giữ hơn 160.000 lọ thuốc kích thích sinh học gắn nhãn mác Trung Quốc được vận chuyển trên chiếc xe ô tô chở đỗ tương mang BKS 98C-01346 do lái xe Hoàng Trọng Sơn trú tại Bắc Giang điều khiển đang lưu thông theo hướng Bắc Giang - Hà Nội.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 160.000 lọ thuốc kích thích sinh học gắn nhãn mác Trung Quốc, được đóng thành các lọ nhỏ, dung tích khoảng 2ml/lọ, được xếp cẩn thận vào các bao tải để cùng với các bao đựng đỗ tương.
Toàn bộ lô hàng không có tem nhãn phụ, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Nhãn mác, bao bì các hộp và ống thuốc đều bằng chữ Trung Quốc. Theo khai nhận thì lô hàng được đưa từ Trung Quốc về Hà Nội qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là lô hàng không chỉ đem về tiêu thụ ở Hà Nội và các địa phương lân cận mà mục đích là sẽ đưa vào tận các tỉnh ở miền Nam như Quảng Ngãi, Phú Yên và TPHCM để tiêu thụ.
Qua phiên dịch sơ bộ trên nhãn mác, bao bì sản phẩm ống thuốc thì đây là loại dùng cho các loại rau mầm. Theo đó, thuốc có thể khiến cho một cây rau mầm lớn thêm 2- 3cm trong vòng 4-5 tiếng đồng hồ.
Kết quả phân tích mẫu loại thuốc kích phọt này đã được Viện khoa học hình sự Bộ Công an công bố. Theo đó, kết quả phân tích cho thấy thành phần chủ yếu trong các ống thuốc tăng trưởng trên là chất 6-BA (6-Benzylaminopurine) và một lượng nhỏ chất pCPA được pha chế trong môi trường kiềm.
Hai loại chất này là các chất kích thích tăng trưởng thực vật, thuộc họ Cytokinins và họ Auxins có tác dụng kích, thúc sự nảy mầm và sinh trưởng của cây trồng được dùng nhiều trong giá đỗ và cây su su…để kìm hãm sự phát triển của rễ, thúc đẩy hình thành mầm hoa và nở hoa, quá trình tạo quả và sinh trưởng của quả.
Các chất trên không nằm trong danh mục các hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định và cũng không có trong danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng cho biết do chứa hàm lượng kiềm cao nên nếu tiếp xúc trực tiếp với số thuốc kích thích trên có thể gây bỏng da, hỏng mắt. Nếu nuốt hay hít phải có thể làm tổn thương bộ máy tiêu hóa và hệ hô hấp.
Vụ bắt giữ thêm 160.000 lọ thuốc "kích phọt" rau mầm đã báo động tình trạng các loại thuốc bảo vệ thực vật lậu, trong đó có thuốc kích thích sinh trưởng và thúc chín tố, kháng sinh cấm vẫn đang ồ ạt tuồn vào nội địa qua các cửa ngõ biên giới phía Bắc.
Và thực tế là cả cộng đồng đang bị đầu độc nghiêm trọng. Hơn bao giờ hết các cơ quan chức năng cần ráo riết vào cuộc, có chế tài xử lý thích đáng với các hành vi trục lợi trên thuốc kích thích chứ không phải xử lý theo kiểu "vỗ vai nhắc nhở" như tiền lệ.
Theo Dân trí