‘Bắt bệnh’ nguyên nhân thị trường xăng dầu bất ổn: Chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị thế nào?

12-10-2022 19:52 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo Bộ Công thương, việc kinh doanh xăng dầu thua lỗ từ tất cả các khâu từ đầu mối, phân phối cho đến đại lý buộc doanh nghiệp phải giảm chiết khấu để hạn chế hoạt động lấy hàng của đại lý bán lẻ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Thị trường xăng dầu bất ổn do doanh nghiệp thua lỗ liên tục kéo dàiThứ trưởng Bộ Công Thương: Thị trường xăng dầu bất ổn do doanh nghiệp thua lỗ liên tục kéo dài

SKĐS - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, bản chất của vấn đề xăng dầu thời gian qua nằm ở chỗ doanh nghiệp thua lỗ kéo dài và khi lỗ thì họ cắt giảm chi phí, thu hẹp kinh doanh.

Nguồn cung xăng dầu không ổn định

Tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2020 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 12/10, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, có hiện tượng 1 số doanh nghiệp kinh doanh, bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa và tạm ngừng kinh doanh, tập trung ở các địa phương như An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk...

Nguyên nhân của tình trạng trên được ông Trần Duy Đông chỉ rõ là do từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn. Những yếu tố trên đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước.

Trong giai đoạn Quý II, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã tăng mạnh lượng nhập khẩu xăng dầu (do lo ngại thiếu nguồn cung trong nước), đây là giai đoạn giá xăng dầu thế giới đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Sang Quý III (từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10), giá xăng dầu thế giới lại có xu hướng giảm, theo đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng giảm liên tục. Nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ lớn nên đã thu hẹp hoạt động kinh doanh và nhập khẩu cầm chừng.

Lý giải nguyên nhân thị trường xăng dầu gặp khó khăn - Ảnh 2.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương.

Thứ hai, do thua lỗ nên nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ và cắt giảm sản lượng kinh doanh.

Thứ ba, tín dụng bị thắt chặt trong khi giá xăng dầu tăng, tỷ giá USD/VND tăng và khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng với khối lượng như các năm trước (do giá tăng gấp 2-3 lần giá các năm trước) nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Thứ tư, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao trong khi các chi phí này chưa được tính đủ vào giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do nhà nước điều hành nên doanh nghiệp hạn chế lượng nhập khẩu để giảm thua lỗ. Bên cạnh đó, nguồn cung xăng dầu trên thị trường thế giới đang rất khó khăn do nhu cầu hút hàng từ các nước Châu Âu, các doanh nghiệp đầu mối nhỏ, mới rất khó tiếp cận được nguồn hàng xăng dầu thế giới.

Thứ năm, một số doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam bị tước Giấy phép kinh doanh xăng dầu trong 1-1,5 tháng (do vi phạm hành chính) dẫn đến thiếu nguồn cung cục bộ cho các đơn vị trước đây vẫn thường xuyên lấy hàng của doanh nghiệp đầu mối bị tước Giấy phép này.

Lý giải nguyên nhân thị trường xăng dầu gặp khó khăn - Ảnh 3.

Toàn cảnh buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công thương chiều 12/10.

Thứ sáu, mưa bão ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu về kho của doanh nghiệp làm chậm nguồn cung hàng trong một số giai đoạn.

Doanh nghiệp xăng dầu phải… "gồng lỗ"

Trong khi đó, tại buổi họp bàn giữa Bộ Công Thương với các doanh nghiệp về vấn đề xăng dầu diễn ra vào sáng cùng ngày, nhiều doanh nghiệp xăng dầu kiến nghị làm sao để thống nhất vấn đề chiết khấu giữa nhà cung cấp với các cửa hàng bán lẻ.

Cụ thể, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu quy định: Giá xăng dầu thế giới do Liên Bộ Tài chính - Công Thương xác định theo nguyên tắc tính bình quân theo số ngày có giá giữa hai kỳ công bố giá cơ sở căn cứ theo giá các sản phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế. Nghĩa là tính bình quân của khoảng 10 ngày sát gần ngày nhất công bố giá cơ sở.

Doanh nghiệp cho rằng, cách tính này chưa hợp lý vì có nội dung "thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có tổ chức hệ thống phân phối xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng 20 ngày cung ứng…".

Điều này có nghĩa một doanh nghiệp mua xăng dầu phải chịu giá vốn của hàng tồn kho được tính trên giá xăng dầu thế giới từ 20 ngày trước đó. Vì vậy, nếu 10 ngày trước đó mua giá cao thì xem như doanh nghiệp lỗ trắng 10 ngày đó nếu chu kỳ điều hành kỳ này giá bán lẻ giảm.

Lý giải nguyên nhân thị trường xăng dầu gặp khó khăn - Ảnh 4.

Xe bồn tiếp xăng cho một cây xăng bán lẻ.

Tương tự, nếu giá xăng dầu thế giới liên tục giảm và các kỳ điều hành giá bán lẻ liên tục giảm thì doanh nghiệp đầu mối liên tục bị lỗ, kéo theo chiết khấu liên tục bị bóp lại đến 0 đồng, thậm chí là âm khi công thêm phí vận chuyển...

"Tiếng lòng" của 13.000 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu

Nêu ý kiến về vấn đề trên, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, liên quan vấn đề chiết khấu, nghe qua tưởng như khúc mắc giữa doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối, rồi do độc quyền đầu mối, dẫn đến ép hoa hồng để tránh lỗ, lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí.

Tuy nhiên, bản chất không phải như vậy, bởi hiện số doanh nghiệp đầu mối tạm ngưng nhập khẩu là có thật, sản lượng nhập giảm mạnh cũng có thật.

"Vì lẽ đó, cần xác thực được việc chiết khấu thỏa đáng trong khi toàn bộ định mức chi phí đầu vào cho đến giá bán lẻ đều do liên bộ quy định?. Trách nhiệm ở đây là của 2 bộ quản lý. Trong đó, quản lý hệ thống doanh nghiệp đầu mối, điều tiết nguồn cung tự chủ và nhập khẩu thế nào hoàn toàn thuộc về Bộ Công Thương", ông Việt nói.

Nói hộ "tiếng lòng" cho 13.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa bán lẻ xăng dầu hoạt động (trong tổng số 17.000 cửa hàng xăng dầu cả nước), đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị "cần tách riêng chi phí cho khâu bán lẻ xăng dầu, xác định tỷ trọng chi phí bán lẻ trên tổng số chi phí để dễ áp dụng và thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa".

Trong khi đó, theo các chuyên gia, bên cạnh việc giải quyết vấn đề về chiết khấu thì cần bàn nhiều về vấn đề điều hành. TS. Lê Đăng Doanh (chuyên gia kinh tế) đánh giá, để xảy ra những xáo trộn trên thị trường xăng dầu thời gian qua có nguyên nhân căn bản của việc cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong điều hành và là bài học cần được rút ra cho các cơ quan quản lý trong thời gian tới.

"Tôi nghĩ rằng ở đây có nhiều bài học cần phải rút kinh nghiệm, tức là phải có phản ứng kịp thời, nhưng đồng thời cũng phải đối thoại với các doanh nghiệp, tính toán đầy đủ các chi phí của doanh nghiệp, và tạo động lực lành mạnh và cần thiết cho các doanh nghiệp...", TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Lý giải nguyên nhân thị trường xăng dầu gặp khó khăn - Ảnh 5.

Theo các chuyên gia, không thể để tình trạng các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ kéo dài.

GS. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính thì đặt ra vấn đề cơ chế và thể chế.

"Về quản lý thị trường xăng dầu của Bộ Công thương đang có vấn đề - khi mà thị trường thay đổi rất nhanh chóng nhưng chúng ta chưa theo kịp", GS Thịnh nói.

Vị chuyên gia này cũng phân tích, trước hết là về cơ chế, thì rõ ràng là cơ chế giữa doanh nghiệp đầu mối với doanh nghiệp phân phối và bán lẻ là chưa rõ ràng, cụ thể. Tính độc lập (tương đối) và tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp ở từng khâu chưa được đề cao. Vì thế việc "ép giá" đã xảy ra.

Bên cạnh đó chúng ta thấy do việc không tính đúng, tính đủ nhu cầu và sản lượng tiêu thụ của từng địa phương. Cần phải cụ thể từng tháng, từng quý để đảm bảo nhu cầu, không để thiếu đột xuất. Thêm nữa, khâu kiểm tra, phân phối hạn mức nhập khẩu đã có nhưng khâu kiểm tra, giám sát xem các đầu mối có nhập đúng, nhập đủ theo đúng thời hạn quy định hay không cũng là một đòi hỏi rất quan trọng…

Chốt lại các vấn đề trên, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan rà soát và sửa đổi, bổ sung quy định trong điều hành và kinh doanh xăng dầu như công thức và hướng điều hành giá (các yếu tố cấu thành); thời điểm điều hành, thời gian điều chỉnh premium...

Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục đề nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ. Đồng thời, Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn (đầu mối là Sở Công Thương) tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Xem thêm video:

Không tìm được chỗ đổ xăng, nhiều người xin nghỉ làm cả ngày


Nhóm PV
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn