“Em muốn mộ được chăm sóc lau chùi thường xuyên thì mỗi tháng đưa chị một trăm. Bảo đảm mộ cháu em luôn được sạch đẹp. Khu này chị quản lí mà...”. Đó là những lời hứa chắc nịch của một “người canh mộ” khi được người khác tìm đến đặt vấn đề trông nom mộ phần người thân tại khu nghĩa trang nhân dân thành phố Quy Nhơn...
“Quản lý mộ” tự phong
Ở cái nơi mà không ai muốn đặt chân tới này, có nhiều người đang sống bám ngay trên những nấm mộ từ năm này qua năm khác như một cái nghiệp để mưu sinh. Ở đấy là cái thế giới mà người chết nuôi người sống. Trong vai một người thân ở xa về đi thăm viếng thân nhân hiện đang yên nghỉ tại nghĩa trang TP. Quy Nhơn, Bình Định, khi người viết vừa dừng xe ở cổng vào nghĩa trang gần quốc lộ 1D đã được “đón tiếp” rất nhiệt tình. Chị chủ quán nước, kèm nhang đèn hoa cúng đủ loại, đứng từ trong quán gọi với ra: “Em, đi thăm mộ hay lên núi chơi em?!”. Và ngay sau đó, chị đon đả mời khách vào quán ngồi nghỉ. Sau khi hỏi khách uống gì, chị bưng đồ uống ra và “bắt sóng”: “Em đi thăm mộ hả?!”. Và chị ta chẳng đợi khách kịp nói gì đã bô lô ba la đủ các “dịch vụ” trông coi chăm sóc.
Vốn được biết đây chính là vấn nạn còn tồn đọng, gây không ít phiền hà cho cả người sống lẫn người đã khuất. Theo phản ánh của đa số người dân có thân nhân an nghỉ tại đây, những đối tượng này đã ngang nhiên biến nghĩa trang thành nơi hành nghề kiếm tiền một cách ngang nhiên, không cần có sự cho phép của bất kì cơ quan công quyền nào. Vì muốn tìm hiểu rõ hơn về “cách thức tổ chức công việc” tại đây, người viết tạm thời gửi xe nhờ trông giúp. Sau đó mua một bó nhang vào “thăm người thân”. Vốn chẳng có một người thân nào tại đây nên người viết chọn một ngôi mộ vô danh đằng sau tượng Đường Tăng ở trung tâm nghĩa trang và thắp nhang... Còn chưa kịp cắm cây nhang xuống mộ phần người xấu số, người viết đã nghe tiếng phụ nữ nói đằng sau: “Mộ người thân em đây hả?!”. Ngỡ ngàng không hiểu chị ta theo mình khi nào, người viết chỉ biết “Dạ!” một tiếng và tiếp tục khấn vái trước sự “chứng kiến” của người không liên quan.
Hoàn thành thủ tục, chúng tôi quay lại thì được chị ta ngoắc lại phía chị ta. Đó là một cái võng mắc dưới tán cây trứng cá trong khuôn viên tượng Đường Tăng: “Em có nhu cầu trông coi chăm sóc mộ không?”. Thấy tôi gật đầu, ánh mắt chị lộ rõ vẻ mừng rỡ. Rồi cuộc thương thuyết bắt đầu. Chị ta tự xưng là L. “mộ” - đấy là cái biệt danh người dân nơi đây đặt cho như thế để dễ phân biệt, tuổi ngoài bốn mươi, đã làm việc ở đây được nhiều năm và rất có “uy tín”. Để chắc chắn hơn, chị ta còn cho chúng tôi số điện thoại để làm tin. “Khu vực đó chị quản lí. Đa phần là mộ vô danh. Thi thoảng có người đến nhờ trông coi. Chị nhận và chăm sóc kĩ càng lắm. Đấy, em thấy mộ nào cũng được lau chùi hương khói đầy đủ không?” và chị ta nói đến “người thân” của chúng tôi bằng sự chân thành hết mực: “Mộ đó chị biết. Đứa nhỏ chết yểu. Người nhà đem ra đó chôn. Năm cũng đến dọn dẹp một lần. Em là thế nào với nó?”; “Dạ em là em chị K. - mẹ cháu. Khổ thân, từ lúc cháu mất đến giờ, chị ấy cũng chẳng thể sinh nổi. Nghĩ chắc cháu nó quở vì không trông nom nên không cho chị ấy yên nên em đến chăm nom. Ngặt nỗi bận quá...”. Chị ta tiếp ngay: “Em yên tâm, để đó chị trông nom cho. Mỗi tháng em đưa chị 1 trăm. Thế là tiện cả đôi đường, em thì yên tâm mà làm việc, chị thì chỉ có chút tiền đó bồi dưỡng thôi!”.
Kiếm bộn tiền nhờ... người chết
Được biết, nghĩa trang nhân dân TP. Quy Nhơn là nơi an táng lớn nhất. Tại đây tập trung gần sáu ngàn ngôi mộ, mới có, cũ có. Cũng chính vì số lượng mộ phần đông, vô số mộ lại nằm trên đồi cao, khó quản lí. Kéo theo đó là sự phát sinh một cách vô tội vạ những “dịch vụ” chăm sóc đặc biệt kiểu như đã đề cập ở trên.
Các đối tượng lợi dụng tâm lí của người dân là muốn người chết được yên ổn đã xâm nhập địa bàn nghĩa trang để kiếm tiền. Thống kê số mộ phần tại đây, so sánh với số đối tượng như L. “mộ” thường xuyên túc trực thì có thể thấy: mặc dù có chia mỗi người một khu thì bình quân mỗi mộ 100.000đ, một tháng họ kiếm được số tiền không hề nhỏ. Và những người già cả, công chức bận rộn hay công tác xa, không có điều kiện chăm sóc mộ phần đã vô tình “góp gạo” nuôi những kẻ ăn không ngồi rồi như thế này. Không chỉ có những “cò” nghĩa trang thường xuyên lảng vảng kiếm ăn, tại đây thường xuyên có những đứa trẻ ăn xin, vất vưởng... cứ thấy có đám đưa đến là nhào vào xin ăn hoặc hôi đồ cúng, có khi gia chủ vừa đặt mâm cúng, chưa kịp đốt nhang quay đi để tìm lửa, đến khi quay lại thì mâm cúng đã không cánh mà bay. Chứng kiến, thậm chí từng là nạn nhân, cô Trần Thị Lệ X. (ngụ phường Ngô Mây, có chồng được chôn cất tại đây) bức xúc: “Xã hội hết nghề hay sao mà làm cái trò ấy chứ?”.
Không chỉ có vấn nạn “bảo kê mộ” gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, vì việc làm tưởng là nhân văn hóa ra lại phản nhân văn như đã đề cập ở trên, nghĩa trang còn là nơi tụ tập đánh bạc của những thành phần bất hảo mà không ai dám nói gì. Chính miệng chị L. “mộ” kể, có lần, một gia đình đang thành tâm nhang khói tại mộ người thân an táng ở đây thì bỗng hoảng hồn khi 4 thanh niên bất ngờ xuất hiện, nói như ra lệnh: “Ê, cho ít tiền nhậu!”. Biết gặp phải “ma sống” ở nghĩa địa nên gia đình này vội vã lấy xe đi về. Không xin được tiền, nhóm này liền giở giọng hù dọa: “Đừng trách tụi tao trông mộ nghe!” (ý nói phá mộ). Thỉnh thoảng cũng có 4-5 cô gái lên đây, sáng tiêm chích, tối hoạt động mại dâm. Khi chúng tôi thắc mắc tại sao chính quyền địa phương lại không “dẹp” cái đám đó đi mà cũng không ai ý kiến gì, chị L. “mộ” xua tay: “Ôi em, nhìn chúng nó xăm rồng rắn thế kia, nói nó nó uýnh cho nữa... Đấy còn chưa nói, buồn buồn nó cầm cái kim tiêm xin đểu mình nữa. Như bọn chị ở đây tháng nào cũng phải “cúng” cho bọn nó ít tiền mới yên ổn làm ăn được! Công an đã nhiều lần dẹp tụ điểm này, nhưng nghĩa địa bao la rậm rạp nên đuổi chỗ này họ rúc chỗ kia, sức đâu mà đuổi mãi!”, L. “mộ” thở dài.
Hai thái cực nghĩa trang
Cũng nằm trong khu vực quy hoạch quản lí của Ban quản lí nghĩa trang Quy Nhơn và chỉ cách một tường gạch thấp nhưng khung cảnh phía bên phải từ cổng vào lại hoàn toàn trái ngược. Những ngôi mộ được xây dựng một cách nghiêm chỉnh. Không những thế, nơi đây còn thường xuyên có nhân viên trông coi chăm sóc thay nhau làm việc rất nghiêm chỉnh. Vì đâu có sự khác biệt đó. Đem thắc mắc hỏi ông Nguyễn Tấn Nghĩa - Đội trưởng Đội quản lý nghĩa trang Quy Nhơn thì được biết các khu mộ đều được trông coi như nhau. Chỉ khác là bên khu kia nhiều thân nhân người chết vì quá bận bịu nên có đặt vấn đề, người ta mới chăm sóc. Vì thấy công việc nhẹ nhàng, lại dễ kiếm tiền nên một số kẻ lợi dụng tìm cách ép người để được coi mộ lấy tiền. Nhiều gia đình không hài lòng vì tốn tiền vô ích, họ tranh cãi với những đối tượng bất lương này. Để dằn mặt chủ mộ, những đối tượng xấu này đập phá một số chi tiết trên mộ... Quá bức xúc, các gia đình đã trình báo với ban quản lý nghĩa trang, nhưng không ít gia đình muốn mộ phần người thân được yên ổn nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chi tiền cho xong việc! Bản thân ban quản lí cũng nhiều lần can thiệp. Và thời gian gần đây, hiện tượng chèn ép người đi thăm mộ đã lắng xuống. Duy chỉ còn những người nhận trông mộ theo yêu cầu thì ban quản lí không can thiệp được vì đó là tự nguyện từ phía thân nhân người chết.
Ở nơi tưởng chừng như kết thúc những hỉ-nộ-ái-ố ở đời, vậy mà vẫn có những kẻ được coi là “cò nghĩa địa”, là “bảo mẫu mộ” hoạt động trên sự thương xót của tâm linh, kể cũng đáng buồn. Những thái cực của chốn sống thác ấy cứ lởn vởn những “bóng ma sống” khiến nhiều người bức xúc.
Bùi Quang