Sau tin Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã ra đi mãi mãi, tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn đã viết: "Con người mảnh khảnh đó với đôi mắt bốc lửa đã trải qua nhiều nghề nghiệp từ khi còn là người bồi bàn trên tàu thủy, làm nghề rửa bát, cấp dưỡng, giáo viên, làm ảnh để rồi trở thành nhà tổ chức không mệt mỏi, vươn lên trên cả những nhân vật đương thời". Trên các tờ báo lớn của Mỹ, chân dung Hồ Chủ tịch được khắc họa đậm nét, xin giới thiệu những dòng viết về Người nhân kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tạp chí Thời báo, số ra ngày 9/9/1946, có bài nhan đề "Hồ Chí Minh là ai?" nhận xét đây là một nhân vật "rất kỳ lạ". Tại Phông-ten-nơ-bơ-lô, "Ông Hồ đã xuất hiện với dáng người nhỏ bé và ông thường thích tặng hoa cho các nữ ký giả".
Tờ Thời báo Niu Oóc chủ nhật, số ra ngày 9/5/1954, viết: Người không những là thần tượng của nhân dân Việt Nam mà còn được Pháp công nhận là người phát ngôn đầu tiên của Việt Nam... Người Việt Nam này từng để lại ấn tượng sâu sắc và đặc biệt có cảm tình đối với các quan chức và nhà báo nước ngoài. Ngày nay, không một tên tuổi nào ở châu Á lại nổi tiếng như nhà cộng sản và dân tộc chủ nghĩa lão thành Hồ Chí Minh. Người chính là biểu tượng, là nhân vật truyền thuyết hơn là một con người bằng da bằng thịt".
Tạp chí Thời báo, số ra ngày 22/11/1954, đã đăng trên trang bìa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bài viết dài năm trang nói về thân thế và sự nghiệp cùng với đất nước mới được giải phóng của Người. "Với thắng lợi (Điện Biên Phủ), uy tín của Hồ Chí Minh đã vươn tới đỉnh cao mới tại châu Á. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, lực lượng Việt Minh đã có được một đội quân chiến đấu trong rừng có hiệu quả nhất ở Đông Nam Á, có vị tướng tài ba nhất Đông Nam Á là Võ Nguyên Giáp, có một tổ chức chính trị vững chắc nhất do Hồ Chí Minh đứng đầu và có trình độ lãnh đạo lão luyện".
Bác Hồ trên trang nhất tờ Thời báo năm 1969. |
Tờ Thời báo Niu Oóc chủ nhật, số ra ngày 28/3/1965, trong bài "Bác Hồ bất chấp chú Sam", đã viết: "Khuất trong rặng hoa và cây xanh bao quanh tòa nhà của các cựu Toàn quyền Pháp ở Hà Nội là một căn nhà nhỏ với những đồ đạc đơn giản. Trước đây, nó là căn phòng của người làm vườn, thì nay lại là nhà của một cụ già mảnh khảnh có nụ cười làm vui lòng người khác. Cụ chính là người đã phá tan hệ thống thuộc địa Pháp ở Đông Dương và giờ đây lại bất chấp sức mạnh của Mỹ trong một cuộc chiến tranh có thể là tiền đề cho một sự sụp đổ hoặc một chiến thắng vĩ đại nhất".
Tạp chí Time, số ra ngày 13/4/1998, có đăng bài viết của nhà văn Xtan-lêy, trong đó có đoạn: "Điều mà Người ấp ủ đó là ý chí quật cường chống lại quân Pháp và sau đó là quân Mỹ... Năm 1965, Tổng thống Mỹ lúc đó là L.Giôn-xơn đã nói trước Quốc hội rằng: "Ông già Hồ không thể làm được gì tôi cả". Thế nhưng ông Hồ đã làm được. Mọi giải pháp mà ông triển khai đều có ý nghĩa để thực hiện giấc mơ của ông là thống nhất đất nước Việt Nam".
Tờ Thời báo Niu Oóc, số ra ngày 4/9/1969, còn khẳng định: "Trong số các chính khách của thế kỷ 20, Hồ Chí Minh là nhân vật nổi bật về tính bền bỉ dẻo dai và lòng kiên nhẫn trong việc tìm kiếm mục tiêu độc lập cho Việt Nam và về sự thành công trong việc dung hòa chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa dân tộc".
Đầu năm 1969, khi Bác qua đời, tờ Thế giới hằng ngày đã đăng liên tiếp cả chục số báo nhiều bài viết dưới tiêu đề "Di sản của Hồ Chí Minh". Số báo ra ngày 20/9/1969 đã viết: "Người đã trở thành biểu tượng Anh hùng và cách mạng trên toàn thế giới. Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong thời đại chúng ta. Cuộc đời và các tác phẩm của Người còn sống mãi để thôi thúc những thế hệ tiếp nối và những thế hệ chưa chào đời. Nhà lãnh đạo Việt Nam vĩ đại này đã để lại một di sản gợi cảm thôi thúc lòng người và thúc đẩy những hành động lớn lao trong sự nghiệp tự do và chủ nghĩa cộng sản trong các nhà cách mạng trên toàn thế giới".
Ngày nay, tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trân trọng ghi vào các bộ đại bách khoa, các bộ từ điển danh nhân lỗi lạc của loài người.
Nguyễn Xuyến (tổng hợp)