Hà Nội

Bản tin dịch COVID-19 trong 24h: Quyết liệt hơn trong chống dịch bởi sắp tới là "mùa đông khốc liệt"

14-11-2020 09:13 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đến nay, nước ta có 73 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Việt Nam cũng đã chữa khỏi 1.101/ 1.256 bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, trong cộng đồng đã xuất hiện tư tưởng lơi lỏng, trong khi các nước khác lại đang siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa đất nước. Vì vậy đây là giai đoạn cao điểm để chúng ta phải quyết tâm hơn. Tất cả các lực lượng phải vào cuộc quyết liệt hơn, bởi sắp tới sẽ là "mùa đông khốc liệt"...

Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 9h hàng ngày.

Tính đến 9h00 ngày 14/11/2020, theo thống kê của worldometers.info:

*Thế giới: 53.702.766 người mắc; 1.308.316 người tử vong  37.470.181  người khỏi bệnh.

219 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.

- Việt Nam đứng thứ 165 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 7/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.

* Việt Nam: 1.256 ca mắc COVID-19.

Trong đó:

- Số ca điều trị khỏi: 1.101 ca.

- Số ca tử vong: 35 ca

Số TH nhiễm nhập cảnh được quản lý ngay

Số TH nhiễm phát hiện tại cộng đồng

Số TH đang được cách ly tập trung

Số TH được cách ly tại nhà và theo dõi y tế

562

691

14.516

991


1. Tính đến 9h ngày 13/11: Việt Nam có tổng cộng 562 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Trong 24h qua, Việt Nam có 3 ca mắc mới.

2. Số ca bình phục trong 24h qua: 08 ca.

3. Số ca tử vong tới nay: 35 ca.

4. Số ca tiến triển tốt:

- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2:  18 ca.

- Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 10 ca.

-Số ca âm tính lần 3 với SARS-CoV-2: 11 ca.

5. Số người cách ly: 15.513 người.

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 217 người.

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 14.299 người.

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 997 người.

6. Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 562 ca.

7. Tính đến 9h ngày 12/11, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca.

8. Nhận xét:

Thế giới: Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 627.038 trường hợp mắc COVID-19 và 9.689 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 trên toàn cầu tăng lên trên 53,7 triệu người.

Ngày 13/11, thế giới có tới 153 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 103 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại. Dịch tiếp tục chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu

Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (161.762 ca), Ấn Độ (45.343 ca) và Italy (40.902 ca); trong khi đó Mỹ (với 1.239 ca), Pháp (932 ca) và Mexico (626 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

Hiện Mỹ đang trải qua làn sóng thứ 3 của dịch bệnh COVID-19 được cho là nghiêm trọng nhất. Trung bình số ca mắc mới ở Mỹ trong 7 ngày gần nhất là hơn 145.000 ca/ngày, hơn 65.000 người nhập viện/ngày và mỗi ngày có hơn 1.000 người tử vong vì COVID-19.

Tại châu Âu, hầu hết các quốc gia trong khu vực đều đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh gia tăng khó kiểm soát, khiến giới chức phải liên tiếp tăng cường các biện pháp hạn chế nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan. Ngày 13/11, một loạt quốc gia như Anh, Đức, Áo, Hy Lạp, Nga, Ukraine... ghi nhận số ca mắc mới cao nhất kể từ đầu dịch.

Riêng tại Anh, số ca tử vong do COVID-19 đã vượt 50.000 ca, cao hơn tất cả các nước khác tại châu Âu, và đứng thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Mexico.

Việt Nam: Đến nay, nước ta có 73  ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.101 bệnh nhân/ 1.256 bệnh nhân COVID-19

Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.

Riêng 2 tuần đầu tháng 11/2020, Việt Nam ghi nhận 76 ca nhiễm đều là người nhập cảnh. Đến nay, cả nước đã thực hiện 1.339.465 xét nghiệm Realtime RT-PCR.

Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định, nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt khi số lượng chuyến bay đưa công dân về nước, chuyên gia nhập cảnh (trong đó có các chuyến bay thương mại, quốc tế) tăng lên, trong khi số lượng ca mắc trên thế giới liên tục gia tăng. Thời tiết mùa đông, xuân sắp tới thuận lợi cho một số bệnh truyền nhiễm phát triển, lây lan.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra hôm qua, nhận định về tình hình dịch bệnh phức tạp trên thế giới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thực hiện quan điểm chỉ đạo “phải bao thật chặt bên ngoài”, thời điểm này “phải siết mạnh hơn, chặt hơn” các biện pháp phòng, chống dịch, bởi trong cộng đồng đã xuất hiện tư tưởng lơi lỏng, trong khi các nước khác lại đang siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa đất nước.

“Đây là giai đoạn cao điểm để chúng ta phải quyết tâm hơn. Tất cả các lực lượng phải vào cuộc quyết liệt hơn, bởi sắp tới sẽ là ‘mùa đông khốc liệt’, đặc biệt là vào thời điểm Tết nguyên đán”, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.

Liên quan đến công tác cách ly, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, để đảm bảo phòng, chống dịch, hiện có nhiều hình thức cách ly được áp dụng, tuy nhiên, cách ly trong quân đội vẫn có vai trò chủ chốt, chưa phát hiện lây nhiễm chéo trong khu vực này.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã có hướng dẫn chi tiết về việc cách ly tại các khách sạn và thường xuyên kiểm tra, giám sát. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, bất cứ khách sạn nào không thực hiện nghiêm các điều kiện cách ly, sẽ lập tức không được phép tiếp tục sử dụng làm địa điểm cách ly.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, không thể đảm bảo không có ca lây nhiễm trong cộng đồng thời gian tới, do đó, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, cập nhật, xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch, chuẩn bị ứng phó với tình huống khó khăn hơn trong mùa đông.

Dự kiến trong tuần này, Bộ Y tế sẽ ban hành “Quy trình nhập cảnh và giám sát, cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 cho người nhập cảnh trên chuyến bay thương mại”.

Liên quan đến vấn đề vắc xin, hiện Bộ Y tế đang tích cực đàm phán, thương thuyết với các nhà cung cấp vắc xin trên thế giới; đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước.

Tuy nhiên, trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới “không nên trông chờ vào vắc xin COVID-19”, các chuyên gia đề nghị một mặt chúng ta đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, hợp tác sản xuất vắc xin, tiếp cận các nguồn cung cấp trên thế giới; mặt khác phải chủ động những biện pháp phòng chống dịch hiệu quả từ trước đến nay, đặc biệt ưu tiên ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập, quản lý chặt chẽ công tác cách ly, giám sát y tế sau cách ly đối với người nhập cảnh. Các chuyên gia tiếp tục cảnh báo ở trong nước không chỉ  người dân mới có tâm lý chủ quan, lơ là.

Tinh thần chung là chúng ta không nên trông chờ quá nhiều vào vắc xin, phải triển khai các hoạt động phòng, chống dịch như chúng ta đã làm trước đó. "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" phải giữ vững các nguyên tắc, quan điểm; tăng cường ngăn chặn, phòng chống dịch, không được lơ là.

Đến giờ phút này công tác chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, thuốc men, tập huấn cho công tác phòng chống dịch đã được làm tốt nhưng điều đáng lo ngại nhất là thời gian chúng ta không có ca bệnh trong cộng đồng dẫn đến tâm lý chủ quan, vì vậy, biện pháp lớn nhất là phải siết chặt lại các biện pháp phòng chống dịch.

Ban Chỉ đạo cũng thống nhất sẽ tổ chức diễn tập về phòng chống dịch ở tất cả các khâu, từ kiểm soát nhập cảnh đến khi cách ly, điều trị, theo dõi, giám sát y tế tại địa phương; cử tiếp các đoàn đi kiểm tra tại cửa khẩu, cảng hàng không quốc tế, cơ sở lưu trú phục vụ cách ly…

 


Thái Bình
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn