Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 9h hàng ngày.
Tính đến 9h00 ngày 1/8/2020, theo thống kê của worldometers.info:
*Thế giới: 17.732.249 người mắc; 681.990 người tử vong
215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.
- Việt Nam đứng thứ 162/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.
* Việt Nam: 558 ca mắc COVID-19; 02 ca tử vong
Trong đó:
- Số ca điều trị khỏi: 373 ca
- 183 ca bệnh đang được điều trị.
Số TH nhiễm nhập cảnh được quản lý ngay |
Số TH nhiễm phát hiện tại cộng đồng |
Số TH đang được cách ly tập trung |
Số TH được cách ly tại nhà và theo dõi y tế |
302 |
256 |
18.063 |
73.419 |
Tính đến 9h ngày 1/8: Việt Nam có tổng cộng 302 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Từ 18h ngày 31/7 – 6h sáng 1/8: ghi nhận thêm 49 ca mắc mới.
2. Số ca bình phục trong 24h qua: 04 ca
3. Số ca tử vong: 02
4. Số ca tiến triển tốt: 14
- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 6 ca.
- Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 8 ca.
5. Số ca nặng và tiến triển: 13
6. Số người cách ly: 91.462
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 953
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 18.063
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 72.446
7. Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 302
8. Số ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 116
9. Nhận xét
Dịch COVID-19 trên thế giới trong 24h qua vẫn diễn biến phức tạp. Thế giới ghi nhận hơn 17,7 triệu ca mắc COVID-19, có khoảng 681.990 người tử vong. Diễn biến dịch bệnh rất đáng lo ngại một số khu vực trên thế giới xuất hiện các đợt bùng phát dịch thứ hai, thứ ba.
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới, tiếp đó là Brazil, Ấn Độ, Nga, Nam Phi.... Châu Á có một số nước đã phải tái áp đặt các biện pháp phòng dịch do số ca dương tính với virus SARS-C0V-2 tăng trở lại, Ấn Độ hiện đã đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19. Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực, tiếp đó là Philippines, Singapore...
Ngày 31/7 Ủy ban khẩn cấp của WHO đã có cuộc họp đánh giá tình hình dịch bệnh. Ủy ban khẩn cấp của WHO gồm 18 thành viên và 12 cố vấn tới nay đã họp lần thứ 4 về dịch COVID-19. Tại cuộc họp, Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Đại dịch này là một cuộc khủng hoảng y tế một trăm năm nay mới xảy ra một lần, những tác động của nó sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ nữa"
* Tại Việt Nam, trong những ngày qua, dịch bệnh đã có diễn biến phức tạp tại TP. Đà Nẵng, có nguy cơ lây nhiễm ra một số tỉnh.
Bản tin 6h sáng ngày 1/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 công bố thêm 12 ca mắc COVID-19 đều liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng. Các ca dương tính mới là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và những người có tiếp xúc gần với họ, trong đó có 5 ca người Quảng Nam, 7 ca còn là là người Đà Nẵng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra sắp xếp, phân luồng bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Đội truyền thông
Chiều 31/7, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cùng các thành viên “Bộ Chỉ huy tiền phương" chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng của Bộ Y tế đã lên đường đến Huế và từ đó đi vào Đà Nẵng. Ngay sau khi xuống sân bay Phú Bài, Thừa Thiên Huế, chiều PGS.TS Nguyễn Trường Sơn đã đến ngay Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đóng tại huyện Phong Điền, cách TP Huế 20 km về phía Bắc.
Tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã đến ngay khu cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19, thăm, động viên cán bộ y tế đang làm nhiệm vụ, trực tiếp kiểm tra công tác quản lý, điều trị bệnh nhân tại đây.
Sau khi thăm cán bộ y tế đang ứng trực tại khu điều trị bệnh nhân COVID-19, buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn với điểm cầu Đà Nẵng được diễn ra ngay tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.
Trong 2 ngày qua, Bệnh viện Trung ương Huế đã khẩn trương xây dựng xong đơn vị lọc máu tại khu cách ly phục vụ bệnh nhân. Đồng thời, điều động nhiều chuyên gia giỏi từ cơ sở 1 tăng cường ra trực tiếp hỗ trợ cho cơ sở 2. Đến thời điểm chiều tối 31/7/2020, sức khỏe của một số bệnh nhân 436, 438 tiến triển tốt hơn. 4 bệnh nhân suy thận được chuyển ra điều trị đã có sức khỏe tốt!
Để "chia lửa" với Đà Nẵng, Bộ Y tế đã tăng cường chi viện nhân lực, hỗ trợ liên tục cho Đà Nẵng về điều trị, xét nghiệm, dự phòng... khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Ngoài ra, Bộ Y tế còn huy động gần 1000 người phục vụ công tác phòng, chống dịch tại Đà Nẵng.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng, chiều ngày 31/7, Bộ Y tế- Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 đã liên tiếp có các công văn đề nghị đề nghị các địa phương khẩn trương, tăng tốc thực hiện việc truy vết các trường hợp đi về từ thành phố Đà Nẵng từ 01/7/2020 đến 28/7/2020 và các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao theo các thông báo khẩn của Bộ Y tế; công văn gửi Bộ Quốc phòng; Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng UBND các tỉnh, thành phố về việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2...
Bộ Y tế cũng đã quyết định xuất cấp cho Bệnh viện C Đà Nẵng một số vật tư y tế để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 từ kho dự phòng chống dịch của Bộ Y tế...
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã điều động, cử các chuyên gia hàng đầu về điều trị, dịch tễ, xét nghiệm... ở các Bệnh viện tuyến trung ương đến hỗ trợ Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam và ngành y tế Quảng Nam trong công tác điều trị, phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn
Từ 1-8, Hà Nội và một số địa phương khác như Phú Yên, Đồng Nai, Hải Phòng cấm quán bar, karaoke, quán vỉa hè hoạt động
Về tình hình điều trị: Đến thời điểm này đã có 373/558 ca bệnh COVID-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 66,8% tổng số ca bệnh.
Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay có 50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi.
Tính đến sáng ngày 1/8, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 14 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 169 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.
Trước diễn biến của dịch bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết, nếu ra ngoài thì thì phải đeo khẩu trang nhất là ở nơi tập trung đông người, hay đi trên các phương tiện giao thông công cộng…
- Vệ sinh tay
- Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi
- Không chạm tay lên mặt khi chưa rửa sạch tay
- Hạn chế ở những không gian kín hoặc nơi đông người.
- Giữ khoảng cách tối thiểu 1m
- Thường xuyên làm sạch và khử trùng các vật/bề mặt hay được chạm vào.