Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 9h hàng ngày.
Tính đến 9h00 ngày 31/10/2020, theo thống kê của worldometers.info:
*Thế giới: 45.855.415 ca, trong đó có 1.192.633 người tử vong, 33.196.549 người khỏi bệnh.
215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.
- Việt Nam đứng thứ 165 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 7/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.
* Việt Nam: 1.177 ca mắc COVID-19.
Trong đó:
- Số ca điều trị khỏi: 1.063 ca.
- Số ca tử vong: 35 ca.
1. Tính đến 9h ngày 31/10: Việt Nam có tổng cộng 486 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Từ 18h ngày 30/10 – 6h sáng 31/10: ghi nhận 0 ca mắc mới.
2. Số ca bình phục trong 24h qua: 01 ca.
3. Số ca tử vong tới nay: 35 ca.
Số TH nhiễm nhập cảnh được quản lý ngay |
Số TH nhiễm phát hiện tại cộng đồng |
Số TH đang được cách ly tập trung |
Số TH được cách ly tại nhà và theo dõi y tế |
486 |
691 |
13.382 |
1.339 |
4. Số ca tiến triển tốt:
- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 06 ca.
- Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 04 ca.
-Số ca âm tính lần 3 với SARS-CoV-2: 07 ca.
5. Số người cách ly: 14.713 người.
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 174 người.
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 13.208 người.
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.339 người.
6. Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 486 ca.
7. Tính đến 9h ngày 31/10, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca.
8. Nhận xét:
* Thế giới:
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 537.423 trường hợp mắc COVID-19 và 6.906 ca tử vong. Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là 45.855.415 ca, trong đó có 1.192.633 người thiệt mạng.
Các nước cũng ghi nhận 33.196.549 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 83.154 ca và 11.466.233 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 30/10, thế giới có tới 135 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 91 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng trở lại. Dịch tiếp tục chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu.
Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (91.493 ca), Pháp (49.215 ca), Ấn Độ (48.120 ca), Italy (31.084 ca); trong khi đó Mỹ (với 927 ca), Ấn Độ (550 ca), Pháp (545 ca) và Mexico-Brazil (cùng trên 400 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đang chứng kiến đợt bùng phát dịch mới khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ đang là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 9.305.663 ca nhiễm và 235.098 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với trên 8,1 triệu ca nhiễm và 121.681 ca tử vong, và Brazil với trên 5,5 triệu ca nhiễm và 159.477 ca tử vong.
Tính đến ngày 30/10, số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ đang được điều trị là 594.386 ca, chiếm 7,35% tổng số ca. Theo số liệu mới nhất, hiện Ấn Độ có tổng cộng 7.373.375 ca bình phục, trong đó 57.386 người đã bình phục và xuất viện trong 24 giờ qua. Tỷ lệ bình phục trên cả nước tăng lên 91,15%.
Châu Âu một lần nữa trở thành “tâm dịch” COVID-19 của thế giới. Nhiều nước ở châu Âu tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm và tử vong mới cao kỷ lục trong 24 giờ qua. Cụ thể, số ca nhiễm mới tại Nga đã tăng tới 18.283 ca, trong đó có 5.268 ca ở thủ đô Moskva, nâng tổng số ca lên 1.599.976 ca.
Nga cũng có thêm 355 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 27.656 ca. Ukraina cũng ghi nhận cả số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua cao nhất từ trước đến nay, với lần lượt là 8.312 ca và 173 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này đến nay lên 378.729 ca, trong đó 7.041 ca tử vong.
Hungary ghi nhận 3.286 ca nhiễm mới trong khi số bệnh nhân nhập viện cũng tăng từ 3.197 bệnh nhân trong ngày 29/10 lên 3.753 bệnh nhân. Áo ghi nhận số ca mắc mới trong ngày tăng lên mức cao chưa từng thấy với 5.627 ca mắc mới, một ngày sau khi ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất với 4.453 ca.
Bỉ, hiện là quốc gia có mức độ lây nhiễm vi rút SARS-Cov-2 cao hàng đầu thế giới, tối 30/10, đã quyết định thực hiện các biện pháp “phong tỏa nghiêm ngặt” toàn quốc trong vòng 6 tuần.
Trong 24 giờ qua, các nước ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực.
* Việt Nam
Đến hôm nay Việt Nam đã bước sang ngày thứ 58 không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng.
Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã 73 ngày, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.
Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, đã tròn 3 tháng không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng
Bộ Y tế cho biết, tính đến 27/10/2020, đã có 84 đơn vị được phép thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19, trong đó khu vực miền Trung và Tây Nguyên có 9 đơn vị, còn lại là miền Bắc và miền Nam.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.063 bệnh nhân/1.177 bệnh nhân COVID-19.
Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.
Bộ Y tế và các đơn vị liên quan đã và đang triển khai phần mềm quản lý nhập cảnh phòng chống dịch COVID-19.
Theo TS Hà Anh Đức- Chánh Văn phòng Bộ Y tế, phần mềm quản lý nhập cảnh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc quản lý người nhập cảnh, từ khi khai báo y tế cho đến khi cách ly tại nơi cư trú hoặc xuất cảnh. Phần mềm không chỉ tăng cường theo dõi các đối tượng cách ly, phân công cho lực lượng công an giám sát mà còn kiểm tra ngẫu nhiên đối tượng cách ly bằng hệ thống gọi điện tự động.
Ngay từ khi mới triển khai, phần mềm đã được tích hợp mã QR CODE. Mã QR CODE sẽ tự động chuyển tới tờ khai y tế của mỗi người dân, được dán tại cửa ra vào lên máy bay của các cụm cảng hàng không quốc tế tại các nước để hành khách dễ nhận biết, nhân viên y tế có thể quét mã để lấy thông tin về tờ khai y tế của hành khách.
Trước đây, tại các khách sạn hầu hết mã QR CODE đều do nhân viên quét để đánh dấu hành khách đã lưu trú. Tuy nhiên, với phiên bản mới của phần mềm quản lý nhập cảnh, hành khách hoàn toàn có thể chủ động quét mã để xác nhận đã lưu trú ở khách sạn, quản lý thông tin cá nhân.
Cũng trong ngày hôm qua đã diễn ra lễ tôn vinh 21 tập thể và 105 cá nhân tiêu biểu trên tuyến đầu chống dịch khu vực miền Bắc. Đây là hoạt động trong chương trình “tri ân tuyến đầu chống dịch COVID-19”.
Tại buổi giao lưu của chương trình, nhiều thầy thuốc đã chia sẻ những câu chuyện rất cảm động. Nhiều người nghĩ đến cơ quan 1-2 ngày rồi về, nên chỉ mang theo 3 bộ quần áo, nhưng rồi họ đã phải ở lại đơn vị hơn một tháng. Gia đình hỏi khi nào về cũng không biết trước để trả lời khi mỗi ngày, các mẫu xét nghiệm lên tới trên 1.000 mẫu. Họ làm việc say sưa đến mức đến bữa ăn đồng nghiệp phải nhắc. Khi dịch lắng mới được về thì lại phải cách ly 14 ngày