Bạn của trẻ thơ

12-09-2008 5:10 AM | Thời sự

Người lớn làm bạn với trẻ chẳng dễ và hình như Đồ chơi và Nghệ thuật gần với các em hơn cả. Lại có loại hình nghệ thuật cứ như sinh ra để dành riêng cho trẻ là Xiếc và Múa rối. Có một người trong những người chuyên "thiết kế chương trình làm bạn" mà tôi biết là NSƯT Vũ Ngoạn Hợp,

Người lớn làm bạn với trẻ chẳng dễ và hình như Đồ chơi và Nghệ thuật gần với các em hơn cả. Lại có loại hình nghệ thuật cứ như sinh ra để dành riêng cho trẻ là Xiếc và Múa rối. Có một người trong những người chuyên "thiết kế chương trình làm bạn" mà tôi biết là NSƯT Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc liên đoàn Xiếc Việt Nam. Nhân dịp Trung thu tôi đã tìm gặp anh, người bạn lớn của trẻ thơ...

 Các nghệ sĩ xiếc giao lưu với trẻ em trong một chương trình của Liên đoàn xiếc Việt Nam.
 
Xiếc là Nghệ thuật dành cho trẻ thơ dường như khó nhất bởi xiếc vốn là những trò diễn dẫu mang những yếu tố lạ kỳ, phi thường, không ai làm được thì cũng ít ai xem đến lần thứ 3 sau khi sự lạ kỳ được thỏa mãn. Thời kinh tế thị trường lại càng khó. Diễn viên xiếc thì càng "lạ". Trên sân khấu, họ xuất hiện với áo quần lấp lánh, đèn màu rực rỡ cùng những pha nhào lộn đẹp mắt, những tình huống mạo hiểm thót tim, họ rạng rỡ trong tiếng vỗ tay vang dội của khán giả. Đằng sau cánh màn nhung là những buổi tập trong cái lạnh thấu da hay cái nóng hầm hập 36, 37 độ. Đêm về, họ lặng lẽ với những vết bầm tím vì va đập, những cơn đau nhức đến trước tuổi và những bươn chải cho việc mưu sinh để ngày mai lại có thể rạng rỡ trước công chúng. Lãnh đạo một đơn vị nghệ thuật thế này quả là "mệt". Và ông Giám đốc Liên đoàn hẳn phải là người lạ lắm như chính bộ môn nghệ thuật của ông?

NSƯT Vũ Ngoạn Hợp hóa ra cũng bình thường như những nghệ sĩ bình thường khác đang đem đến sự khác thường cho trẻ. Con đường đến với xiếc của ông cũng "bình thường" ngẫu hứng rất trẻ thơ. Ấy là vào năm 1973, thành phố Hải Phòng có một cơn mưa bình thường. Chính cơn mưa này phá cuộc cắm trại của đám trẻ lớp 6 của Vũ Ngoạn Hợp và bắt chúng vào trú dưới mái hiên của Nhà hát nhân dân. Như sự sắp đặt của số phận, ở đấy đang tuyển diễn viên xiếc và cậu bé lớp 6 Vũ Ngoạn Hợp ghi tên, vào thử cơ bắp và sự nhanh nhạy luôn. Ít lâu sau, sau mấy vòng tuyển, Hợp có giấy gọi. Ông bố Hợp vốn là ông thợ giầy nổi tiếng chuyên đóng giầy cho các đoàn nghệ thuật khắp đồng bằng Bắc Bộ thấy thằng con út được gọi mới sợ tá hỏa vì cái nghề nguy hiểm. Ông hiểu nghệ thuật xiếc để có một tiết mục phải luyện cả mấy năm và rồi "nhỡ làm sao" thì nghề ngỗng không có, đến khổ một đời! Bà mẹ lại cười hãnh diện vì thằng con qua cả 3 vòng chọn, 4 ngàn người chọn được có 8 đứa trong đó có nó. Tất nhiên, "lệnh ông không bằng cồng bà" và sau 5 năm, 8 người trúng tuyển chỉ còn 5, Hợp ra trường, về Liên đoàn xiếc với tiết mục Xà bay. Hai năm sau, với thành tích có được, Hợp được đi Liên Xô (cũ) tập huấn 8 tháng. Và thời gian này cũng là khoảng vốn quý với con người khao khát làm nghề khi được tiếp cận với xiếc hiện đại có nền tảng và khoa học kỹ thuật hỗ trợ.

Xiếc cũng như thể thao vẫn là chạy, nhảy cao, nhảy xa đấy nhưng nhanh hơn, cao hơn 1cm, 1 giây thôi là cả sự vất vả của khổ luyện. Tung hứng từ 5 đến 7 quả hay dạy thú làm thêm được điều gì cũng là chuyện cả đời. Xà bay của Hợp lộn thêm nửa vòng cũng là một sự kiện cho bạn nghề kinh ngạc. Thế nhưng vốn tính ham học lại yêu xiếc đến cháy lòng từ sau khi vào trường nên một tiết mục tưởng có thể yên tâm diễn suốt nhưng Vũ Ngoạn Hợp không thế. Anh mày mò, tự học để trang bị thêm cho mình những tiết mục mới như nhào lộn, thăng bằng, tung hứng, hề, ảo thuật... Tưởng thêm chỉ có 1, 2 chữ thôi trong hành trang nghệ thuật của mình nhưng để có nó là cả năm, thậm chí vài năm khổ luyện. Trên dưới chục năm sau khi ra trường, nghệ sĩ trẻ Vũ Ngoạn Hợp đã gặt về cho mình không ít giải thưởng như giải đặc biệt tại Liên hoan xiếc quốc tế ở Cu ba năm 1986, tại Triều Tiên năm 1989 rồi Huy chương vàng Liên hoan xiếc toàn quốc năm 1987, giải A tài năng năm 1993, giải nhất Liên hoan xiếc ở Trung Quốc năm 1995... Đôi chân nghệ sĩ từng bước trên đất nhiều quốc gia như Nga, Hungari, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Thái Lan... và anh cùng đồng nghiệp của mình thật sự như đại sứ văn hóa đến với bạn bè để nói về tài năng và tâm hồn Việt qua những tiết mục của mình. Đam mê và tận tụy với nghề, năm 1996, Vũ Ngoạn Hợp được phong tặng danh hiệu cao quý: Nghệ sĩ ưu tú.

Người có tài thường vất vả và nỗi vất vả nhất của ông Hợp là phải làm quản lý! Nghệ thuật vốn cần toàn tâm toàn ý cho nó trong khi "dính" đến quản lý thì riêng chuyện ký tá thôi cũng đủ băm nát những ý nghĩ sáng tạo vừa loé lên. Ấy là chưa kể lo cho tác phẩm thôi cũng đủ vắt kiệt mình ra, đằng này lại phải lo thêm cho bao người từ chuyện "đồng tiền bát gạo" đến những mối quan hệ chằng chéo. Rồi còn uy tín, thương hiệu của đơn vị mình quản lý. Năm 2001, NSƯT Vũ Ngoạn Hợp được bổ nhiệm chức vụ Phó giám đốc, 2 năm sau (2003) "phải" ngồi luôn vào cái ghế nóng giám đốc. Làm giám đốc cốt giải quyết khâu oai chắc không thiếu người thích nhưng làm giám đốc cho đúng nghĩa, nhất là trong cơ chế thị trường bây giờ thì quả là chuyện cam go.

Nhận việc, điều NSƯT Vũ Ngoạn Hợp bắt tay vào làm ngay là tiến tới xã hội hóa, tức không còn "sống" theo kiểu bao cấp nữa. Với 3 đoàn xiếc người và 1 đoàn xiếc động vật, quân số trên 100 người, ông chủ trương để cho các đoàn chủ động tự xây dựng thương hiệu riêng trên tinh thần “khán giả nào, chương trình nấy”. Mỗi đoàn với những thế mạnh riêng sẽ tự tổ chức các chương trình diễn khác nhau để việc biểu diễn không còn bị trùng lặp, nhàm chán. Trước đây, do không có sự phân biệt giữa các đoàn (thường chỉ thay đổi các tiết mục) nên chương trình được trình diễn là sự kết hợp của cả 3 đoàn. Việc giao cho 3 đoàn tự lên chương trình riêng để biểu diễn luân phiên, thậm chí sau này cả đoàn xiếc thú cũng có thể tự xây dựng 1 chương trình riêng sẽ đem lại một bộ mặt mới cho Xiếc Việt Nam. Ngoài ra, việc làm này cũng góp phần thúc đẩy các nghệ sĩ phải luôn tự trau dồi chuyên môn, không ngừng rèn luyện và sáng tạo.

 Xiếc thú - một tiết mục yêu thích của khán giả nhỏ tuổi.
 
Trong thời buổi hội nhập và giao lưu văn hóa không ngừng được nâng cao như hiện nay, ngành xiếc đã có điều kiện học hỏi nhiều từ các nước khác. Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã xây dựng được những mối quan hệ giao lưu thường xuyên với các nước trong ASEAN và các nước như Trung Quốc, Pháp, Mỹ... Hiếm có bao giờ Xiếc Việt Nam diễn đều đặn 6 buổi/tuần như hiện nay. Cũng hiếm có bao giờ Nghệ sĩ xiếc của Liên đoàn xuất ngoại nhiều như hiện nay và lạ nữa là số buổi diễn nước ngoài còn nhiều gấp 3 lần trong nước. Ấy cũng là uy tín và thương hiệu xiếc nước nhà. Chả thế mà trong các đời giám đốc, NSƯT Vũ Ngoạn Hợp tham gia Hội đồng giám khảo Liên hoan Xiếc quốc tế nhiều nhất với tư cách thành viên hoặc chủ tịch hội đồng.

Có được những thành tựu trên là do sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa xiếc truyền thống và xiếc hiện đại. Cạnh đó, ông Nghệ sĩ - Giám đốc còn biết tạo ra cơ chế hoạt động thích hợp và cơ chế ấy là bệ phóng của sự phát triển.

Xiếc là những tiết mục và khi NSƯT Vũ Ngoạn Hợp chỉ đạo nghệ thuật thì những tiết mục cấu thành chương trình như một vở diễn. Tác giả kịch bản xiếc không có thì ông lăn vào viết. Đám cưới chuột do NSƯT Vũ Ngoạn Hợp và NSƯT Bằng Thịnh viết kịch bản, NSND Ngọc Trúc đạo diễn là tiết mục có tiếng vang trong dịp đón Tết Mậu Tý 2008. Vẫn thông qua ngôn ngữ hành động của xiếc với các thể loại: nhào lộn, tung hứng, thăng bằng, ảo thuật cùng nhiều các bộ môn nghệ thuật phù trợ khác như âm thanh, ánh sáng, phục trang, âm nhạc, múa... Đám cưới chuột đã kể lại một câu chuyện vừa hài hước, hóm hỉnh, vừa mang ý nghĩa giáo dục trẻ nhỏ một cách hấp dẫn và sôi động về đám rước dâu của họ nhà chuột bị ngăn chặn bởi những kẻ cậy có sức mạnh và quyền thế mà ở đây đại diện là họ nhà mèo. Những tiết mục trong đám cưới chuột không chỉ giúp người xem thấy lại những nghi thức của một đám cưới truyền thống mà còn tạo nên một không khí của những ngày Tết Nguyên đán cổ truyền đầy bản sắc văn hóa và mang đậm tinh thần khoan dung, nhân ái. Có khi ông còn hợp tác với... con gái - Vũ Thu Trang, sinh viên tốt nghiệp thủ khoa trường Đại học SKĐA - để viết kịch bản xiếc Trăn tinh - Thủy tinh. Lại là một khám phá mới khi xiếc tải được nội dung ca ngợi truyền thống trong một câu chuyện xúc tích cảm động bằng ngôn ngữ đặc thù của mình. Và còn những kịch bản khác như Phiên chợ Ba Tư, Làng tôi... mà trong đó, hiệu quả tiết mục được nhân lên trong một nội dung, đề tài xuyên suốt.

Yêu nghề là bởi yêu người. Gặp NSƯT Vũ Ngoạn Hợp, hỏi chuyện về ông mà ông cứ đau đáu nỗi lo về người khác. Tuổi nghề của xiếc ngắn như đời cầu thủ bóng đá, chỉ tới 35 tuổi là gần như giải nghệ. Nếu may mắn và có mong muốn gắn bó với sân khấu thì chuyển sang làm bộ phận như chiếu đèn, cứu hỏa... còn không thì chuyển nghề khác. Với mức lương cơ bản của nhà nước cộng với thù lao mỗi suất diễn từ 40.000 - 50.000 đồng, thật khó có thể hình dung họ chi tiêu thế nào trong cơn bão giá hiện nay. Vậy mà lương diễn viên xiếc học 7 năm trong trường với những tiết mục phi thường đầy nguy hiểm và vất vả vẫn như người tốt nghiệp trung cấp bình thường. Niềm an ủi với ông có lẽ là chưa thấy ai bỏ nghề bởi xiếc luôn có ma lực riêng.

Ngoài kia, trăng Trung thu đang rực sáng soi nụ cười thơ trẻ. Vũ Ngoạn Hợp là người hạnh phúc nhất chăng khi ông cùng đồng nghiệp của mình thắp niềm vui cho trẻ, mãi mãi là bạn của trẻ thơ.

Lưu Thủy


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH